Thất bại là cảm giác không dễ chịu. Mỗi khi trẻ thua cuộc, nghi ngờ năng lực bản thân, ba mẹ cần tiếp sức giúp con vượt qua vấp ngã.
Không đạt kết quả như mong muốn trong kỳ thi cờ vua cấp trường, phạm một sai lầm không đáng có trong bài kiểm tra học kỳ… những điều tưởng như nhỏ xíu này cũng có thể làm trẻ buồn bực, chán nản, thấy mình vô dụng. Những cảm xúc tiêu cực này sẽ luôn giày vò con bạn, làm trẻ yếu đuối và mất tự tin.
Dạy con rút kinh nghiệm
Thay vì an ủi con bằng cách đổ lỗi cho cái này cái nọ, bạn nên phân tích cho con hiểu nguyên nhân của những thất bại đã qua. Nếu sai lầm đó xuất phát từ trẻ thì hãy để trẻ tự nhận lỗi và rút bài học cho mình. Dần dần, trẻ sẽ trưởng thành và bớt va vấp hơn trong những việc tương tự.
Mỗi khi trẻ thua cuộc, nghi ngờ năng lực bản thân, ba mẹ cần tiếp sức giúp con vượt qua vấp ngã (Ảnh minh họa)
Mọi việc sẽ ổn
Mỗi khi thất bại, trẻ rất hay để ý đến thái độ của bạn bè, người thân, đặc biệt là ba mẹ. Nếu bạn la mắng, giận dữ hay bày tỏ sự thất vọng, trẻ sẽ càng cho rằng “mình thật tệ”, “mình chẳng làm điều gì ra hồn cả”. Trẻ cũng sẽ thấy sai lầm đã qua là hiển nhiên, không cần sửa chữa nếu ba mẹ tỏ ra thờ ơ, không quan tâm đến cảm giác của con cái. Chỉ có những lời động viên đúng mực, thấu đáo của ba mẹ mới là “liều thuốc tinh thần” hữu hiệu giúp trẻ lấy lại cân bằng. Bạn có thể trấn an con bằng những lời khích lệ như: “Lần sau con chỉ cần cố gắng chút nữa là được”, “Mọi việc sẽ ổn thôi con ạ”.
Ba mẹ cũng từng thất bại
Bạn rất ngại nói về điều này vị sợ trẻ sẽ xem thường mình, nhưng trên thực tế, trẻ con lại tỏ ra thích thú với những trải nghiệm của ba mẹ. Đó có thể là kỷ niệm lúc bằng tuổi con, bạn đã bị điểm 4 môn Toán chỉ vì làm bài cẩu thả hoặc bạn đã từng thi rớt đại học… Bạn hãy để trẻ nhận ra rằng thất bại là chuyện bình thường của cuộc sống, quan trọng là cách chúng ta đối mặt với chúng như thế nào. Thay vì lên một hình ảnhh hoàn hảo về bản thân, bắt con phải noi gương theo thì những câu chuyện thực tế của ba mẹ sẽ giúp trẻ có thêm can đảm và mạnh mẽ.
Bạn có thể trấn an con bằng những lời khích lệ như: “Lần sau con chỉ cần cố gắng chút nữa là được”, “Mọi việc sẽ ổn thôi con ạ”. (Ảnh minh họa)
Không áp đặt con
Nhiều ba mẹ muốn con có tương lai tốt đẹp nên ngay từ nhỏ đã bắt con phải học cái này, làm cái kia mà không cần biết trẻ có hứng thú hay không. Phải “học giùm”, “thực hiện thay” những ước mơ của ba mẹ nên nếu vấp ngã, trẻ rất sợ ba mẹ trách móc mà chẳng hề quan tâm đến nguyên nhân. Thay vì mắng con khi chúng thua điểm bạn bè, bạn hãy kiên nhẫn lắng nghe tâm tư của trẻ và cố gắng tìm điểm tốt để khen ngợi. Có thể những ước mơ của con bạn rất “trẻ con”, rất “viển vông” nhưng bạn đừng phớt lờ chúng. Bạn có thể tìm ra những tiềm năng của con và động viên trẻ phát huy. Đồng thời, con bạn sẽ rất vui nếu mỗi khi gặp thất bại đều được ba mẹ an ủi: “Đây không phải là kỳ thi/cuộc chơi cuối cùng, còn nhiều cơ hội ở phía trước. Cố gắng con nhé!”.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet