Vì có nhiều chị em ngỏ ý muốn hỏi tôi về cách nuôi dạy con cái, nhất là sau khi thấy đứa con lớn của tôi vừa đoạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Người ta khen tôi khéo nuôi con, khéo dạy con và hỏi tôi bí quyết để con họ vừa ngoan vừa giỏi “như anh Bin”. Thực tình, tôi cũng không có quá nhiều kinh nghiệm. Tôi cũng mới chỉ lần đầu làm mẹ, và làm mẹ một cách thành công tính đến thời điểm này. Nghĩ về nhiều điều đã trải qua trong cuộc sống, trong 7 năm làm mẹ của mình, tôi nhận thấy, điều khiến tôi có thể nuôi dạy được Bin ngoan ngoãn và giỏi giang như ngày hôm nay, ấy là nhờ bản tính quyết liệt của một người mẹ. Tôi quyết liệt trong cách yêu thương con, cách dạy con và cả cách khiến cả gia đình phải cùng xoay quanh chuyện nuôi dạy một đứa trẻ nên người. Quan niệm của tôi, đó là
So sánh với người khác sẽ chỉ thấy mình thua thiệt
Bản tính vốn có của chúng ta là thích đem con mình so sánh với người khác, thích đem quan điểm, cách nuôi dạy con của mình ra phân tích hơn thua với người đời. Tôi thì không bao giờ làm như vậy. Tôi không nói “con nhà người ta….”, cũng không nghĩ “sao chị này lại để con như thế kia…”. Tôi không so sánh, không nâng con mình lên, không dìm người khác xuống. Sự so sánh chỉ khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi và tiêu cực. Nó đồng thời cũng tạo áp lực cho con và cho cả người mẹ. Mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt, do đó, tôi không so sánh cân nặng, khả năng, sự hiểu biết của con mình với bất cứ ai. Nhất là trước mặt bé.
Đặt việc nuôi dạy con cái lên trên hết
Tôi biết, điều này là rất khó thực hiện, nhất là trong một xã hội có quá nhiều điều cần phải phấn đấu như hiện nay. Tuy nhiên, khi đã là một người mẹ, tôi đặt những mong muốn và mục tiêu của mình phía sau con cái. Đối với tôi, việc nuôi dạy con cái quan trọng hơn sự nghiệp, công việc, chuyện làm đẹp của bản thân hay chuyện tiền nong của gia đình. Tôi không lấy cớ bận rộn để xí xóa cho việc không quan tâm đến việc dạy dỗ con trẻ. Cũng không lấy việc phải kiếm tiền ra để bù đắp cho những sự thiếu thốn tình cảm của con.
Tôi dành nhiều thời gian trong ngày cho con hơn là cho bản thân và trong bất cứ một hoạt động vui chơi cuối tuần nào, tôi luôn cố gắng đưa con đi cùng chứ không gửi chúng ở nhà ông bà như nhiều mẹ hay làm. Tôi có thời gian riêng, nhưng phần lớn những lúc còn lại, tôi luôn ở bên con và thoải mái, hạnh phúc với điều đó.
Không tiêu tốn quá nhiều tiền vào đồ chơi trí tuệ
Để trẻ kích thích tư duy không nhất thiết cần đồ chơi đắt tiền (ảnh minh họa)
Tôi khẳng định rằng đồ chơi trí tuệ rất tốt cho trẻ. Vậy nhưng hiện nay có quá nhiều những loại đồ chơi bị “gắn mác” trí tuệ vô tội vạ và kèm theo đó là giá thành ngất ngưởng trên trời. Sắm đồ chơi trí tuệ cho con là đúng, là cần thiết. Vậy nhưng sắm xong mà vứt đấy, không chơi cùng con, không kích thích con thì cũng như không.
Thậm chí, chính bản thân chúng ta cũng có thể tự bày cho con những trò chơi giúp bé tư duy vô cùng đơn giản. Ví dụ như lấy những hộp thuốc hay hộp nhựa đựng thực phẩm trong nhà, rửa sạch hộp và nắp rồi để bé tự tháo lắp và nghịch. Dần dần con sẽ tự biết cách tư duy logic để xếp hộp nhỏ vào hộp lớn, đậy đúng nắp này vào lọ kia. 9 tháng biết đi biết bò thì ngồi chơi trò giấu đồ rồi để con chạy đi tìm, 16 tháng có thể để con tự cầm bút và giấy vẽ nguệch ngoạc và gần hai tuổi thì mới nên mua những món đồ xếp hình đơn giản đầu tiên để bé chơi bởi lúc này trẻ đã hạn chế nhét đồ ăn vào miệng.
Luôn duy trì bữa ăn với toàn bộ thành viên trong gia đình
Câu nói có vẻ không liên quan nhưng thực ra, bữa ăn cùng với gia đình lại là lúc trẻ học được nhiều điều nhất. Trẻ nhỏ thích bắt chước và bị ảnh hưởng suy nghĩ, quan điểm, thói quen của những người gần gũi với bé nhất. Chính vì vậy, giờ ăn cùng nhau sẽ là lúc bé học cách làm người, học cách suy nghĩ và cư xử như một người lớn. Tôi luôn có một vài lưu ý cơ bản trong bữa ăn như sau:
- Nếu con kén chọn món gì, thì cũng không ngồi chỉ trích và soi mói từng thìa cơm của con suốt bữa ăn. Cả gia đình chỉ đơn giản là hình thành thói quen ăn tất cả các món, dù thích hay không cũng sẽ gắp ít nhất một lần.
- Dạy con những bài học cư xử cơ bản như: nói mời ông bà, bố mẹ trước khi ăn, lúc ăn cũng không được nhai nhồm nhoàm, vừa ăn vừa nói, sau khi ăn nếu muốn đứng lên trước phải thông báo và sau đó đi rửa tay sạch sẽ.
- Không bao giờ bỏ con ra ngoài cuộc nói chuyện trên bàn ăn. Luôn bắt đầu với con bằng những câu hỏi đơn giản như “Hôm nay con đi học thế nào?”
Phải công bằng và dứt khoát
Công bằng và dứt khoát chính là điều quyết liệt tối quan trọng trong cách dạy dỗ con của tôi. Khi tôi đã nói điều gì hay yêu cầu con làm gì, tôi sẽ khiến bé không bao giờ cảm thấy bất công, cảm thấy ấm ức, cần “cãi” lại mẹ và cũng không rút lại lời mình đã nói. Ví dụ đơn giản như chuyện dọn dẹp đồ chơi của con sau khi chơi xong. Con cần phải tự giác làm. Nếu tự giác, đương nhiên con sẽ được khen. Nếu không làm, mẹ sẽ làm thay con. Nhưng bù lại, con phải làm việc của mẹ (đương nhiên là nặng hơn và lâu hơn). Đối với chuyện ỉ ôi của con cũng vậy. Khi mẹ đã nói Không, tức là Không. Chỉ nói một lần và không nói lại, không tỏ ra khó chịu, mất kiên nhẫn hay bực mình trước những câu ỉ ôi của con vì như vậy là ta đã thể hiện rằng việc con ỉ ôi là có tác dụng. Thái độ tốt nhất lúc này, chính là lờ đi, giữ vẻ mặt thản nhiên và coi như chuyện đó đã giải quyết xong. Lâu dần, trẻ khắc sẽ hiểu tính và qui định của mẹ.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet