Ngày hôm quan, tôi thấy rất nhiều ông bố bà mẹ thi nhau chia sẻ bài viết Đánh vào mông ảnh hưởng đến trí thông minh của trẻ và tung hô rằng không nên đánh con. Tôi nghĩ, những người mạnh miệng cho rằng “dạy con không được đánh đòn”, chắn chắn chưa từng làm cha làm mẹ.
Tôi là một phụ huynh vẫn dùng roi để dạy con những khi con bướng, không nghe lời hay ăn vạ. Đương nhiên, tôi cũng chẳng ngại thừa nhận điều này.
Ngày còn bé, tôi cũng như bao đứa trẻ khác, không ít lần phải chịu những trận đòn roi “thừa sống thiếu chết” của cha mẹ. Bố tôi thậm chí còn nổi tiếng là người nghiêm khắc nhất khu phố. Ông không cần nói nhiều, mỗi khi phạm lỗi, chỉ lần chỉ tay lên giường là tôi tự biết mình phải nằm lên đó chịu đòn. Bố tôi đánh đau lắm, ông có một chiếc đũa cả riêng dùng để đánh đòn. Khi đánh, một đòn của ông phải nặng bằng chục đòn của những người khác. Tôi cũng nhớ y nguyên cảm giác uất ức, “hận” cha “hận” mẹ sau mỗi lần bị đánh. Vậy nhưng theo thời gian, khi lớn lên rồi tôi mới nhận ra, nếu không có những trận đòn roi, không có sự nghiêm khắc của cha mẹ thì tôi đã không thể nên người.
Theo quan điểm của tôi, con hư là phải dạy, mà khi dạy không được, nói không nghe thì dứt khoát phải đánh. Cái cây mình không uốn nắn ngay từ khi còn nhỏ, lớn lên làm sao nó mọc cho đúng hàng đúng lối. Dạy con mà chỉ yêu chiều nịnh nọt, chỉ nói lời suông “Không được làm thế”, “Không được hư thế” liệu được mấy đứa trẻ nghe lời? Đơn giản là chỉ nói thôi, trẻ nhỏ biết chúng ta không bao giờ đánh đòn chỉ càng khiến chúng không biết sợ cha mẹ.
Cá nhân tôi ủng hộ việc dùng roi vọt để dạy con vì đơn giản nếu chỉ nói suông, được mấy đứa trẻ biết sợ cha mẹ mà nghe lời? (ảnh minh hoạ)
Như con trai tôi, mới hơn 1 tuổi tôi đã bắt đầu đánh con. Con tôi hồi đấy rất nghịch, luôn thích sờ tay vào ổ điện, thích nghịch dao, thích nghịch nước…Trẻ 1 tuổi thì làm sao bảo được nó? Mỗi lần con nghịch ổ điện hay ăn cơm mà ngậm cơm, nhè cơm, tôi ngay lập tức chạy ra đánh cho vài phát thật đau để nhớ. Từ sau chỉ cần tôi lừ mắt hay giơ tay lên là con tự giác không dám nghịch ngợm, cũng biết đường mà ăn uống cho tử tế.
Lớn hơn chút nữa, vào giai đoạn mẫu giáo, trẻ con tuổi này đứa nào cũng bướng. Tối tôi chỉ cho xem tivi một lúc rồi bảo con “đi ngủ đi” mà còn vẫn phớt lờ lời bố mẹ nói. Lần thứ nhất, tôi nhắc con. Lần thứ 2, tôi cũng vẫn nhắc con. Nhưng đến lần thứ 3 mà vẫn cố tình không nghe lời, tôi ngay lập tức cho ăn đòn. Vài lần như thế là sợ, bố nói gì cũng biết điều mà nghe theo. Vợ tôi không đánh con, nên cũng vì thế mà thằng bé “nhờn” với mẹ, chẳng bao giờ nghe lời.
Ngày xưa ông bà ta vẫn có câu “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Tôi thấy hầu hết những người con từng bị cha mẹ dạy dỗ nghiêm khắc thì lớn lên hiểu biết đều thầm cảm ơn cha mẹ hết. Đánh con, người làm cha làm mẹ như tôi còn đau hơn con gấp trăm nghìn lần. Làm cha làm mẹ chẳng ai muốn dùng biện pháp mạnh để dạy con cả. Thế nhưng mỗi nhà mỗi cảnh. Có đứa trẻ ngoan, mình nói nó nghe thì thôi. Với những đứa trẻ hư, ương bướng, cá tính mạnh, nếu không đòn roi “thuần hoá” thì rồi sau này ra đời, “đời” còn đánh chúng đau hơn cả cha mẹ. Một, hai đòn roi bây giờ có là gì?
Cũng đừng ai so sánh với tôi những câu đại loại như "Tây nó có bao giờ đánh con, sao nó vẫn dạy được con", bởi tôi suy nghĩ rất đơn giản là đối với trẻ con châu Á nói chung, Việt nam nói riêng không thể giáo dục thiếu roi được vì nó là đặc thù của châu Á rồi. Trẻ con châu Âu có văn hoá riêng nên chúng không cần đến roi mà vẫn ngoan vì môi trường văn hoá ở đó khác chúng ta hoàn toàn. Thêm nữa, cũng đừng ai "thần thánh hoá" phương Tây bởi bên đó, cha mẹ mà đã đánh con thì còn khủng khiếp hơn chúng ta nhiều.
Đương nhiên, đánh con cũng phải biết cách. Tôi không bao giờ đánh vào những chỗ không nên như đầu, lưng hay bụng mà chỉ đánh vào những nơi “phần mềm” như mông, bàn tay hay bắp chân. Đánh con là để con nhớ, con chừa chứ không phải là bạo hành hay sử dụng bạo lực.
Đánh con vô cớ chỉ để thoả mãn cơn bực tức của bản thân thì đương nhiên trẻ sẽ “oán hận” chứ nếu đánh con vì những lý do “hợp lý” thì trẻ có giận sau này cũng vẫn thương cha thương mẹ.
Theo tâm sự của độc giả Nguyễn Hải Thanh (Hà Nội)
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet