Trẻ em vốn sinh ra đã hiếu động, bản năng ngay từ lúc biết cầm nắm là sẵn sàng cho những thứ cầm được nuốt vào miệng, chính vì vậy có không ít những trường hợp thương tâm trẻ em hóc dị vật, nuốt phải hóa chất độc hại, để lại những hậu quả khôn lường khiến cha mẹ phải ân hận suốt đời.
Để làm bài học cảnh báo cho những bậc cha mẹ, bác sĩ Wu Changteng, làm việc tại khoa Cấp Cứu bệnh viện Nhi Khoa Hà Nam, Trung Quốc đã đưa ra trường hợp của một bệnh nhi 1 tuổi nuốt phải gói hút ẩm trong kẹo bánh, bài đăng nhanh chóng nhận được sự quan tâm, như lời cảnh báo rằng mọi vật xung quanh trẻ em, nếu không được giám sát thì luôn là mối nguy hại khó lường nếu trẻ không may nuốt phải.
Để xa tầm tay trẻ em
Theo ông Wu, trong ca cấp cứu chiều 4/6, ông tiếp nhận một bệnh nhi 1 tuổi, được mẹ bế vào trong tình trạng hoảng loạn. Người mẹ sợ hãi cho biết, trong lúc không để ý, con trai cô đã tự ý cho những viên chống ẩm trong gói hút ẩm vào miệng, nuốt xuống bụng. Quá sợ hãi, người mẹ ôm con đến viện, yêu cầu các bác sĩ rửa dạ dày cho con.
Sau khi xem gói hút ẩm bà mẹ mang theo cùng, bác sĩ Wu bình tĩnh giải thích: Có 2 loại chất hút ẩm thường được sử dụng, trường hợp của em bé nuốt phải hạt hút ẩm dạng silica gel, nên may mắn không nguy hại đến tính mạng.
Trong bài đăng lên nhóm y khoa, bác sĩ Wu cũng cung cấp hình ảnh 2 loại chất hút ẩm thường được sử dụng trong công nghiệp ngày nay. Loại thứ nhất là chất hút ẩm silica gel, Trong trường hợp trẻ nuốt phải hạt chống ẩm từ silica gel, cha mẹ cần bình tĩnh xử lý. Bản chất hạt silica gel trơ về mặt hóa học nên sẽ không có phản ứng với cơ thể. Tuy nhiên, do các hạt chống ẩm có đặc tính hút nước, làm khan, nên khi lỡ nuốt phải, bạn nên cho trẻ uống thêm thật nhiều nước lọc. Khi các hạt silica gel được ngậm đầy nước sẽ không tương tác với niêm mạc cơ thể và được bài tiết qua đường tiêu hóa, phụ huynh nên bình tĩnh xử lý cho con, thay vì hoảng sợ, ép con nôn trớ... ảnh hưởng đến tâm lý trẻ.
Gói hút ẩm mà bé trai ăn phải
Loại thứ 2 có thành phần Canxi Oxit (Vôi sống) được đóng gói trắng, chữ xanh - đây là chất ăn mòn, gây bỏng thực quản nên phụ huynh tuyệt đối không nên ép trẻ nôn ra chất hút ẩm đã nuốt. Trong trường hợp trẻ nhai hoặc nuốt phải hạt chống ẩm làm từ vôi bột thì có thể bị bỏng khoang miệng, loét họng tùy theo mức độ hóa chất mà trẻ tiếp xúc. Vì vậy, cha mẹ cần cho trẻ súc miệng thật nhiều với nước sạch hoặc uống nhiều nước nhằm làm giảm nồng độ kiềm do phản ứng vôi bột gây ra. Đồng thời đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Các chất hút ẩm thường được chứa trong gói nhỏ. Vì vậy, trẻ em dễ dàng xé rách các gói này để nghịch phá.
Trả lời trên Tuổi Trẻ, ThS Nguyễn Thanh Long - nguyên giảng viên ĐH Y dược Huế cho biết nếu vô tình chất hút ẩm rơi vào mắt, vào đường thở hoặc trẻ nuốt phải vì nhầm là thức ăn thì rất nguy hiểm. BS Long phân tích hạt hút ẩm silica gel (một dạng oxit slilic) là loại được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Các hạt này không thể tiêu hóa được. Do đặc điểm hút ẩm khá mạnh nên nếu nuốt phải có thể dính vào các niêm mạc, gây tổn thương niêm mạc.
Trong khi đó, hạt hút ẩm clay bentonite (bản chất là đất sét được hoạt hóa ở nhiệt độ cao) thân thiện với môi trường nhưng là loại ít phổ biến hơn do khả năng hút ẩm hạn chế hơn so với hạt silica gel. Loại này ít gây tổn thương cho niêm mạc tiêu hóa và mắt. Tuy nhiên, sẽ có tác hại nếu nuốt phải với một số lượng lớn. Nếu lọt vào đường hô hấp có thể gây tổn thương nhẹ niêm mạc hô hấp bên cạnh tác hại do có vật lạ trong đường hô hấp.
Gói hút ẩm cực kỳ nguy hiểm trong tầm tay trẻ em
BS Thanh Long nhấn mạnh hầu hết các loại gói hút ẩm đều gây hại cho trẻ nếu bị xé rách và nuốt phải, hít phải hoặc bị rơi vào mắt và loại canxi clorua có tiềm năng gây hại cao nhất. Để tránh tai nạn từ các gói hút ẩm, phụ huynh nên chú ý không để trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ chưa biết chữ tiếp xúc với các gói hút ẩm cho dù là loại nào.
Người lớn nên vứt ngay gói hút ẩm hoặc đặt những sản phẩm có gói hút ẩm ở vị trí cao, kín đáo để tránh trẻ em nghịch phá. Khi nuốt phải hạt hút ẩm silica gel thì phải súc miệng ngay và uống thật nhiều nước để hạn chế tác hại của hạt tới ống tiêu hóa. Riêng trường hợp hạt văng vào mắt thì phải dùng nước muối sinh lý nhỏ thật nhiều vào để hạt no nước, không được dụi mắt vì càng dễ làm giác mạc tổn thương. Sau tất cả, phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet