Tôi và chồng khi đến với nhau không được sự chấp thuận của mẹ chồng bởi gia đình bà khá giả, toàn là người có học thức cao rộng còn gia đình tôi lại không môn đăng hộ đối. Ngoài tôi học đại học ra thì bố mẹ bần nông.
Chính vì thế mẹ chồng không chấp nhận cho con trai có bằng thạc sĩ của bà lấy một người con dâu là tôi. Thế nhưng người tính không bằng ông trời, trong một lần lầm lỡ "ăn cơm trước kẻng" chúng tôi đã có em bé. Trước sự quyết đoán của chồng, mẹ chồng đành phải đồng ý cho chúng tôi cưới nhau. Thế nhưng sóng gió tưởng đã ngừng thì những ngày tháng sau đó với chúng tôi còn khó khăn hơn nữa.
Ngày dẫn tôi về làm dâu, thay vì tôi được đi cửa chính như bao cô con gái khác thì mẹ chồng cho rằng vì tôi có bầu trước nên phải đi cửa sau. Không những vậy lại còn phải "quỳ". Nhẫn nhịn chịu đựng, tôi quỳ từ cửa sau vào nhà để chúc rượu bà nhưng bà cố tình cầm cốc rượu hất xuống đất. Chồng nắm chặt tay tôi ý muốn nói nín nhịn.
Nhờ cái nắm tay của chồng và những lời động viên sau đó mà tôi cũng nhanh chóng có niềm tin hơn vào cuộc sống hôn nhân. Hai vợ chồng ra đón em bé. Tôi nín nhịn tất cả nhưng đến ngày hôm đó thì tôi không thể nhịn được nữa.
Tôi phát hiện ra dạo gần đây con trai tôi chê sữa mẹ, không chịu bú mẹ nhưng mỗi khi bà nội mang bình sữa công thức nóng hổi vào lại ti rất nhanh. Bà bảo:
- Tôi đã nói rồi mà chị không nghe, sữa chị thì nhạt nhẽo, làm gì có chất gì đâu nên nó không thích là phải rồi. Nó phải uống sữa đắt tiền, thơm ngon như thế này cơ.
Ban đầu tôi cũng không để ý nhiều vì nghĩ dù sao mình ít sữa, con không bú mẹ thì uống sữa công thức cũng được. Miễn là con chịu ăn là được. Thế nhưng lâu dần tôi nảy sinh nghi ngờ vì tại sao mẹ chồng tôi cứ đến cữ cháu ăn thì chăm chỉ lạ thường mà chuyện khác lại "nhác". Vì thế bình thường mỗi lần cho cháu ti bình sữa xong bà đều nhanh chân cầm lấy bình bảo mang đi rửa thì nay tôi nói mẹ bế cháu dùm để con đi vệ sinh rồi rửa bình sữa luôn.
Mang bình sữa vào trong nhà vệ sinh tôi vô cùng hoảng hốt khi nhìn kĩ thì thấy có một số loại hạt ở trong đó nhưng tôi không biết đó là hạt gì nên chỉ đổ chúng vào một cái túi. Ngày hôm sau, tôi mang chiếc túi đó tới bệnh viện để hỏi các bác sĩ xem mẹ chồng tôi đã cho hạt gì vào sữa. Qua kiểm tra, các bác sĩ cho biết thứ hạt mà tôi nhìn thấy chỉ đơn giản là hạt đường. Ngoài ra qua lượng sữa còn lại các bác sĩ cũng phát hiện ra rằng nó được pha đậm đặc hơn bình thường. Cả hai yếu tố này đều không hề tốt cho sức khỏe của đứa trẻ và trên hết nên đưa đứa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra ngay lập tức để có thể nắm bắt được bệnh tình và có hướng xử trí.
Cầm kết quả mà tay tôi run lẩy bẩy vì không ngờ rằng mẹ chồng tôi lại có thể làm ra những chuyện như thế này. Tôi bốc máy gọi điện chồng về nhà gấp để họp.
Sau khi tôi đưa ra những bằng chứng, mẹ chồng thú nhận đã cho đường vào sữa của cháu, thậm chí là pha đậm đặc hơn để đứa trẻ bị đau bụng và phải vào bệnh viện.
- Mẹ muốn cháu vào bệnh viện để làm gì cơ chứ? - tôi gào lên.
- Để sự thật được sáng tỏ chứ sao nữa. Cái đứa bé này rõ ràng không phải là con của con trai tôi, nó chẳng giống bố nó chút nào cả. Tôi muốn nó đến bệnh viện để người ta xét nghiệm ra xem nó có huyết thống với nhà tôi không.
Hóa ra bà vẫn luôn nghi ngờ về đứa trẻ này không phải là cháu ruột của bà nên bà mới làm ra nhiều chuyện như vậy. Đã đến nước này, tôi không còn lời nào để nói.
Nói xong tôi dọn quần áo, ôm con bước ra khỏi nhà. Tôi viết đơn ly hôn gửi cho chồng và kết thúc cuộc hôn nhân không thể cố gắng.
Tâm sự từ độc giả taman...@gmail.com
Cuộc sống mẹ chồng nàng dâu nào cũng có nhiều những mâu thuẫn, bất đồng, tuy nhiên chỉ nên dừng lại ở mức độ vừa phải và đừng lấy những đứa trẻ làm công cụ trả thù cho chính mình. Với câu chuyện từ độc giả taman..., người bà đã hại cháu sơ sinh bằng cách cố tình pha sai tỉ lệ sữa, khiến nó trở nên đậm đặc. Thậm chí còn thêm đường, tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh. Nhiều người đã không hiểu được việc pha sữa sai cách này về lâu dài ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ nhiều như thế nào.
Chính vì thế cần tránh những điều sau khi pha sữa cho trẻ sơ sinh:
- Không dùng nước khoáng, nước đóng chai tinh khiết để pha sữa
Một số bà mẹ cẩn thận quá đôi khi lại thành hại con. Hiện nay trên thị trường có nhiều loại nước khoáng, trung bình trong 1 lít nước khoáng có khoảng 11 – 17 mg canxi, 95 – 130 mg natri… Vì vậy, một số phụ huynh khi nuôi trẻ dưới 1 tuổi đã dùng nước khoáng pha sữa, nhằm bổ sung thêm chất khoáng cho trẻ. Hơn nữa, chị em lại cho rằng, nước đóng chai tinh khiết thì đảm bảo độ sạch hơn cả. Nhưng theo các chuyên gia dinh dưỡng thì không nên làm như vậy.
Trong nước khoáng có quá nhiều khoáng chất dẫn đến dư thừa khi pha cùng sữa. Ví dụ: Thừa canxi có thể dẫn đến táo bón, sỏi thận, canxi huyết cao, thận làm việc kém hiệu quả, giảm hấp thu các chất khoáng khác (sắt, kẽm, magie); thừa natri cơ thể sẽ mệt mỏi, khát nước, khô tế bào, lâu dài dẫn đến bệnh cao huyết áp…
Thêm vào đó, dùng nước khoáng để pha sữa cho trẻ em uống còn có nguy cơ tạo ra một số chất trung gian nguy hiểm. Vì vậy các bà mẹ chỉ cần dùng nước tự nhiên đun sôi để nguội là lý tưởng nhất.
- Không pha sữa với nước cháo loãng
Trong sữa bò có nhiều vitamin A, còn trong nước cơm và cháo chủ yếu là chất bột với chất lipoxidase – một loại chất sẽ phá hủy vitamin A. Pha thêm nước cơm hoặc cháo vào sữa vô tình mẹ đã làm mất đi lượng vitamin A rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ.
Thêm vào đó, tinh bột trong cháo, nước cơm sẽ cạnh tranh hấp thu với canxi. Trẻ có thể chậm tăng trưởng chiều cao, chậm mọc răng, ngủ trằn trọc, khóc đêm,... do kém hấp thu canxi trong sữa. Mặt khác, các hãng sữa đã đề ra công thức chuẩn nhất cho sản phẩm của mình. Sữa pha với nước cháo loãng có thể làm biến chất hay thậm chí gây rối loạn tiêu hóa, từ đó đẫn đến sụt cân ở trẻ nhỏ.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet