Chỉ còn vài ngày nữa là hết kỳ nghỉ Tết, mình đang lo không biết liệu con có thể lấy lại “phong độ” và sẵn sàng đi học bình thường giống như trước Tết được không. Giá con lớn hẳn thì lại dễ, có thể dùng các biện pháp mang tính “trừng phạt” nếu như nói nhẹ con không nghe, đằng này bé Miu nhà mình chỉ mới học lớp hai, ngoài dỗ dành hoặc nạt nộ ra thì mình không biết phải làm gì nếu như sau kỳ nghỉ Tết năm nay cô nàng lại không chịu đến trường giống như năm ngoái.
Mình vẫn còn nhớ như in đã phải khó khăn thế nào trong việc thuyết phục con quay trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết năm ngoái. Buổi sáng đầu tiên, mặc cho mình gọi thế nào thì gọi, cô nàng cũng nhất định không chịu dậy, cứ cuộn chặt lấy chăn hết rên rỉ, mè nheo rồi lại mếu mếu máo máo: “Con không đi học đâu, con ở nhà với bà cơ”. Ban đầu mình cũng khuyên bảo rất nhẹ nhàng, tìm mọi cách để dỗ ngon dỗ ngọt nhưng cả tiếng đồng hồ mà cô nàng ấy vẫn không chịu nghe, thế là nóng tiết lên mình liền quát cho một trận khiến cho cô nàng òa lên khóc. Mình sợ muộn giờ đi làm nên đành phải gọi điện xin phép cô giáo cho nghỉ rồi để con ở nhà với bà ngoại.
Sợ con lười biếng nên tối hôm đó mình bắt con mở sách vở ra ôn bài. Có mẹ ngồi giám sát bên cạnh nên cô nàng không thể không học, nhưng lại học trong tình trạng nước mắt ngắn nước mắt dài nhìn đến là khổ. Quả thực thấy con khóc mình cũng xót ruột lắm, thế nhưng chẳng còn cách nào khác bởi vì khi kiểm tra bài vở của con mình mới tá hỏa nhận ra rằng sau mấy ngày nghỉ Tết, kiến thức trong đầu con đã rơi rụng đâu mất hết rồi, hỏi gì cũng không nhớ, thậm chí đánh vần một bài tập đọc cũng không xong.
Con tôi chán học sau khi đã được chơi thả phanh trong kỳ nghỉ Tết (Ảnh minh họa)
Nhưng mọi chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó, buổi sáng thứ hai, tình hình có khá khẩm hơn đôi chút khi mình gọi được con dậy để ăn sáng trước khi đi học. Mình đã cố ý nấu món cháo hạt sen mà con thích nhất để con ăn được nhiều và no bụng trước khi đến trường, ấy vậy mà cô nàng cứ ngồi trệu trạo, mặt thì buồn thiu, ăn mãi chẳng xong bát cháo. Không đợi được nên mình cho con uống thêm sữa rồi chở đi học.
Học sinh "vật vã" với bài tập Tết
Khéo 'dụ' con làm việc nhà
Lập kế hoạch giúp trẻ 'hứng' ăn hơn
Đeo vòng bạc, bé hay ăn chóng lớn?
Đến cổng trường mình mới phát hiện ra rằng không chỉ riêng Miu mà rất nhiều đứa trẻ khác cũng ở trong tình trạng ngáp ngắn ngáp dài hoặc nhùng nhằng không chịu vào lớp. Lúc ấy tuy Miu đã ngoan ngoãn bước vào lớp, không dám chống đối nữa nhưng nhìn dáng cô con gái bé bỏng lủi thà lủi thủi bước đi mà mình thấy đắng cả hết lòng. Thương con bao nhiêu thì lại tự thấy trách bản thân mình bấy nhiêu. Nếu mình không quá nuông chiều con, nếu mình rèn cho con theo một bản thời gian biểu xen kẽ giữa chơi và học trong cả kỳ nghỉ dài như vậy thì có lẽ con đã chẳng uể oải, mệt mỏi và tỏ ra chán ghét việc học hành.
Rút kinh nghiệm, năm nay mình đã quản lý giờ giấc và việc vui chơi của con hơn. Còn vài ngày nữa là hết kỳ nghỉ Tết, mình không cho con thức khuya và dậy muộn, không cho con ăn uống không đúng giờ giấc quy định nữa để đến khi đi học con có thể lập tức thích nghi, không bị mệt mỏi vì giờ giấc và nếp sinh hoạt bị đảo lộn. Dù là nghỉ Tết nhưng thỉnh thoảng mình vẫn dỗ con cùng học bài cho con khỏi quên kiến thức. Nhưng tất cả những gì mình có thể làm cho con chỉ có thế. Mình đang rất lo không biết có còn xảy ra tình trạng con không thích đi học sau kỳ nghỉ Tết giống năm ngoái nữa không, nếu chẳng may chuyện đó lại xảy ra chắc có lẽ mình chỉ có nước khóc cùng con mất thôi.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet