“Con mình sau này sẽ trở thành một đứa trẻ cao lớn” là một trong những mong muốn của các ông bố bà mẹ. Song, trên thực tế có những đứa trẻ cao lớn vượt trội hơn so với tuổi, nhưng lại cũng có bé thấp còi, mãi chẳng thấy cao lên như bé gái Tiểu Du.
Tiểu Du là học sinh đang theo học lớp 4 tại một trường tiểu học nằm ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc). Tuy thấy con mình nằm trong nhóm nhỏ nhất lớp, nhưng vì từ trước đến nay thể trạng của bé gái đều như thế nên bố mẹ của Tiểu Du cũng không mấy lo lắng bận tâm. Đối với họ, miễn con khỏe mạnh nhanh nhẹn là tốt rồi, còn lại cứ từ từ lớn lên rồi sẽ cao.
Thế nhưng, mới đây trong lần kiểm tra khám sức khỏe định kỳ của trường, bác sĩ đã phát hiện ra chiều cao của Tiểu Du chênh lệch khá nhiều so với các bạn cùng lớp. Do đó, đã đề nghị bố mẹ cô bé đưa con đến bệnh viện để kiểm tra tìm nguyên nhân.
Tại bệnh viện, bác sĩ không hề phát hiện nguyên nhân vì sao Tiểu Du lại thấp còi sau một loạt các xét nghiệm kiểm tra sức khỏe tổng quát. Chỉ cho đến khi tiến hình chụp X-quang đánh giá tuổi xương, bác sĩ mới phát hiện quá trình phát triển xương của bệnh nhi chậm hơn một tuổi so với tuổi thật. Nghĩa là hiện tại, xương của Tiểu Du mới có 9 tuổi, trong khi cô bé đã sinh nhật lần thứ 10.
Tiểu Du tuy đã 10 tuổi nhưng xương của cô bé mới chỉ có 9 tuổi, điều này khiến cho Tiểu Du thấp bé hơn rất nhiều so với các bạn (Ảnh minh họa).
Thấy vậy, bác sĩ mới hỏi thăm về lịch sinh hoạt hàng ngày của đứa trẻ, mẹ Tiểu Du cho biết con gái chị vốn dĩ ăn uống rất khó khăn, mỗi bữa chỉ ăn lưng bát cơm, còn lại thì chỉ thích ăn bánh kẹo, gà rán, xúc xích… Cô bé cũng thường thức đến 11 giờ đêm mới đi ngủ dù không có phải học bài. Nghe đến đây, bác sĩ liền “À” lên một tiếng.
Theo bác sĩ, có hai yếu tố ảnh hưởng lớn đến sự phát triển chiều cao của trẻ, đó là “gen di truyền” và “sự nuôi dưỡng”. Gen di truyền chính là chiều cao của bố mẹ sẽ được truyền sang con. Nếu bố mẹ cao thì con cũng cao, nếu bố mẹ thấp thì con cũng khó có thể có được chiều cao như mong muốn. Còn sự nuôi dưỡng chính là những yếu tố thúc đẩy chiều cao phát triển tối đa như chất dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt, môi trường sống…
Căn cứ vào lời mẹ của Tiểu Du tiết lộ thì con gái chị không cao lớn được như các bạn là do bé đã ăn uống thiếu dinh dưỡng và ngủ không đủ giấc. Thông thường trong giai đoạn phát triển tiền dậy thì, trẻ không những cần ăn đủ lượng, mà còn bữa ăn còn cần được đảm bảo cân bằng về mặt dinh dưỡng, đầy đủ các chất như protein, carbohydrate, chất béo, vitamin… Đặc biệt là canxi, vitamin D, kẽm – những khoáng chất cần thiết để cho xương phát triển tốt và chắc khỏe.
Thế nhưng, Tiểu Du lại ăn rất ít cơm với thức ăn, dẫn đến cơ thể bị thiếu chất, từ đó xương không phát triển đúng chuẩn được. Chưa hết, những món ăn vặt mà cô bé hay ăn cũng là món ăn mà nhiều đứa trẻ thích tuy trông thơm ngon, mùi vị hấp dẫn nhưng thực chất nó lại không hề có dinh dưỡng. Thậm chí, việc ăn nhiều đồ ngọt, đồ chiên rán còn khiến cơ thể của bé dễ bị béo phì mà xương lại không lớn lên được.
Ngoài gen di truyền, yếu tố chất lượng bữa ăn và giấc ngủ cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tốc độ phát triển chiều cao của trẻ (Ảnh minh họa).
Bên cạnh đó, giấc ngủ cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chiều cao, bởi việc ngủ đủ giấc, ngủ sâu giấc sẽ làm cho não trẻ tiết ra nhiều hormone giúp xương phát triển. Và khoảng thời gian từ 22 giờ đến 1 giờ sáng là “thời điểm vàng” mà hormone tăng trưởng GH được tiết ra nhiều nhất. Do đó, trẻ tiểu học nên đi ngủ trước 9 giờ tối và ngủ từ 9-11 tiếng/ngày. Việc Tiểu Du mỗi ngày đều đi ngủ lúc 11 giờ đêm đã vô tình khiến cho xương của bé không hấp thụ được lượng hormone tăng trưởng, từ đó mà thấp bé.
Ngoài ra để con mình cao lớn tối đa, song song với việc ăn uống đủ chất và ngủ đủ giấc, bác sĩ cũng khuyên các cha mẹ cần khuyến khích con vận động chơi thể thao. Bóng rổ, bóng chuyền, chạy bộ, bơi lội, yoga, đu xà đơn… là những môn mà trẻ có thể tập luyện để vừa giúp nâng cao sức khỏe vừa kéo dài đôi chân.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet