Câu hỏi:
Chào bác sĩ!
Con trai tôi bắt đầu bước vào thời kỳ ăn dặm. Vừa qua, tôi đọc được thông tin các mẹ bỉm sữa chia sẻ: nước mía có thể dùng để nấu thức ăn dặm cho trẻ, vì nó cung cấp nhiều chất dinh dưỡng.
Khi tôi nấu nước mía cho con ăn, mẹ chồng tôi đã cấm không cho dùng. Bà cho rằng, nước mía chỉ dùng để giải khát và hạn chế cho trẻ uống. Lượng đường cao trong mía có thể khiến trẻ thừa cân, mắc béo phì. Giờ, tôi không biết phải làm sao? Nên hay không bổ sung nước mía vào thực đơn ăn dặm của con? Bác sĩ có thể giúp tôi giải đáp thắc mắc. Cảm ơn bác sĩ.
Độc giả Thanh Hương ( 25 tuổi- Tp.Huế)
Trả lời:
Nước mía là một loại nước giải khát vỉa hè được nhiều người yêu thích, đặc biệt là trẻ nhỏ. Nhưng, nhiều ông bố bà mẹ thường “cấm” con uống nước mía. Họ lo sợ lượng đường có trong mía ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Tuy nhiên, gần đây có nghiên cứu cho rằng, nước mía có thể dùng nấu thức ăn cho trẻ bắt đầu từ thời kỳ ăn dặm, cung cấp nhiều dưỡng chất hữu ích. Vậy, có nên bổ sung nước mía vào thực đơn ăn dặm của trẻ hay không? Đó là câu hỏi nhiều được bậc cha mẹ băn khoăn và quan tâm. Sau đây, bác sĩ dinh dưỡng Hoàng Thị Thúy Hà- Viện Dinh dưỡng Lâm sàng sẽ đưa ra lời giải đáp thắc mắc trên dựa vào những nghiên cứu khoa học.
Thực phẩm giàu chất dinh dưỡng
Bác sĩ Thúy Hà khẳng định, nước mía có thể dùng làm nguyên liệu chế biến thức ăn cho trẻ trong thời kỳ ăn dặm. Bởi, nước mía là nguồn cung cấp dồi dào các khoáng chất thiết yếu và vitamin cần thiết cho cơ thể.
“Trong nước mía gồm 70% lượng đường tự nhiên, chất bột, chất béo,chất đạm, các loại vitamin C, B1, B2, B6,…và 30 loại axit hữu cơ khác. Ngoài ra, nó còn chứa một lượng nhỏ canxi, sắt, magie, kali, thiamine và riboflavin cần thiết cho sự phát triển của trẻ”, bác sĩ Thúy Hà cho hay.
Nước mía là nguồn cung cấp dồi dào các khoáng chất thiết yếu và vitamin cần thiết cho cơ thể (ảnh minh họa)
Với hàm lượng dinh dưỡng cao, nước mía có rất nhiều tác dụng:
- Tăng cường hệ miễn dịch và giúp cơ thể khỏe mạnh: Mía có chứa các hợp chất làm tăng cường hệ thống miễn dịch, củng cố dạ dày, thận, tim và mắt cho trẻ.
- Thanh nhiệt, thải độc và giữ ẩm: Cơ thể của trẻ sẽ được giữ nước tốt hơn nếu uống 1 ly nước mía mỗi ngày.
- Đẩy lùi cảm cúm và viêm họng: “Cha mẹ cho bé uống nước mía mỗi ngày sẽ giúp con đẩy lùi các triệu trứng viêm họng, cảm lạnh và cảm cúm”, bác sĩ Thúy Hà khuyến cáo.
- Kháng virus, chống dị ứng và phòng bệnh tiểu đường.
Khi nào cho trẻ uống nước mía
Theo bác sĩ Thúy Hà, bố mẹ có thể bắt đầu cho trẻ uống nước mía khi con được 7-8 tháng tuổi. Do lượng đường trong nước mía là đường tự nhiên nên tuyệt đối không gây hại cho sức khỏe của trẻ.
“Mỗi ngày, các mẹ nên cho trẻ uống khoảng 30-50 ml nước mía với mục đích để giải khát và cung cấp vitamin cho cơ thể. Tuy nhiên, đối với những trẻ hay đầy bụng, đi lỏng và thừa cân béo phì cần hạn chế sử dụng nước mía ”, bác sĩ Thúy Hà cho biết.
Mỗi ngày, các mẹ nên cho trẻ uống khoảng 30-50 ml nước mía (ảnh minh họa)
Những lưu ý khi cho trẻ uống nước mía
Mặc dù chứa nhiều chất dinh dưỡng nhưng các mẹ cần lưu ý khi chọn mua nước mía cho trẻ. Nên chọn nước mía sạch, tránh mua ở những nơi không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tốt nhất, mẹ nên tự ép nước mía tươi hoặc nấu nước mía cho trẻ.
“Cách chế biến nước mía tươi rất đơn giản. Mẹ mua mía đã róc vỏ sạch, cắt khúc ngắn và đem vào cối giã nát. Sau đó, lọc qua rây và chắt nước cho bé uống. Còn, mẹ nấu nước mía bằng cách: Mía cắt thành khúc nhỏ, cho vào nồi luộc sôi, để nguội và lấy nước cho trẻ uống”, bác sĩ Thúy Hà hướng dẫn cách chế biến mía cho trẻ ăn dặm.
Ngoài ra, nước mía có thể dùng làm nguyên liệu để chế biến thức ăn dặm cho trẻ như cháo nước mía, nước mía hạt sen,…
.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet