Dạo gần đây em thấy rất nhiều chị em than thở rằng có con bị táo bón. Hôm trước, em thậm chí còn nghe được một câu chuyện khá “rùng rợn” ở cơ quan. Số là, em bé của một chị bạn ở chỗ làm, thường xuyên 4,5 ngày mới đi tiêu một lần, phân dẻo và khuôn như người lớn. Có những hôm, bé khó “đi” quá, rặn đỏ cả mặt rồi lại bị chảy ra cả máu. Mọi người nghe chuyện, ai cũng thương cho bé. Bản thân là người lớn, bị táo bón đã rất khó chịu. Khi nhìn thấy bé cũng không đi tiêu được, lại không giúp gì được cho con thì cảm thấy vô cùng xót xa và bất lực. Em cũng đã từng phải trải qua cảm giác đó. Nên vô cùng thấu hiểu với những chị em có con bị táo bón. Vậy nhưng may thay, bản thân em lại “học lỏm” được một bí quyết cực kỳ hiệu quả của mẹ Tây. Chính nhờ “bí kíp” cực êm ái lại nhẹ nhàng này, bé Xu nhà em chẳng bao giờ bị “ông táo” hỏi thăm nữa.
Em vốn là người có cơ địa máu nóng, khi mang bầu bé Xu cũng đã phải “khổ đứng khổ ngồi” chỉ vì bệnh táo. Lúc mang bầu, em cứ hay thấp thỏm hỏi chồng “Anh ơi, nhỡ Xu cũng máu nóng giống mẹ, thì sau này em thương con lắm!”. Anh xã thương vợ, cũng an ủi rằng cứ cho con bú sữa mẹ con sẽ không bao giờ bị táo. Nghe người ta nói, trẻ bú sữa công thức thì thường nhiều chất khó tiêu, sữa càng nhiều sắt lại càng khiến bé dễ táo. Chứ sữa mẹ, hiếm ai táo bao giờ.
Lúc sinh Xu, em cho Xu bú mẹ hoàn toàn. Vậy mà trái ngược với dự tính của hai vợ chồng, Xu vẫn đi tiêu vô cùng khó khăn. Biết mình máu nóng, em đã cố gắng ăn bù rất nhiều rau khoai lang, bột sắn, ngày uống 2,3 lít nước đủ kiểu. Thế nhưng tình hình vẫn không khả quan. Xu cứ cách 3,4 ngày mới đi tiêu một lần. Phân dẻo và khô như bị mất nước. Em với chồng cũng đã áp dụng nhiều mẹo nhỏ cho con như xoa bụng, ngâm nước ấm, dùng cuống rau mùng tơi ngoáy hậu môn…nhưng mỗi cách chỉ có tác dụng được 1,2 lần. Rồi đâu lại hoàn đấy.
Trẻ bị táo bón là nỗi ám ảnh của cha mẹ (ảnh minh họa)
Vì ít đi tiêu được nên Xu cũng sinh lười ăn, cả ngày bé bú mẹ rất ít. Cứ được 2,3 hôm chưa “đi” được là quấy khóc liên miên. Mẹ chồng em bắt đầu khó chịu. Thương cháu, bà suốt ngày chê em là sữa mẹ nóng rồi đòi đổi cho con sang dùng sữa ngoại. Em vô cùng áp lực. Thật lòng em rất muốn nuôi con bằng sữa mẹ cho đến khi bé được 1 tuổi. Vậy nên em với mẹ chồng đã căng thẳng suốt mấy tuần liền. Bà còn ra “tối hậu thư” cho em là, nếu tuần này Xu vẫn chưa đi tiêu bình thường, thì bà đã mua sẵn sữa ngoại rồi, sữa mát, nhiều DHA, giá gần 1 triệu đồng 1 hộp.
Đem nỗi buồn ủ ê sang “bán than” với chị hàng xóm người nước ngoài sống ở nhà chung cư bên cạnh, em đúng là như “buồn ngủ gặp chiếu manh”. Khi biết chuyện Xu đã 3 ngày nay chưa đi, chị Lena bảo em bế Xu sang chị “tắm cho một lần là đi được ngay”. Nghĩ chị lại định ngâm mông Xu vào nước nóng rồi massage, em kể cho chị nghe rằng phương pháp này mình đã thử, không công hiệu gì. Vậy nhưng chị Lena vẫn dứt khoát bảo em đưa Xu sang tắm. Thấy chị quá nhiệt tình, lại vì Xu cũng đã đến giờ tắm, em cũng thử bế con sang xem.
Chị Lena đóng kín cửa phòng, chuẩn bị một chậu tắm lớn với nước ấm rất thoải mái. Sau khi cởi bỏ quần áo của Xu, chị nhanh tay xúc một thìa con bột màu trắng hòa nhanh vào nước tắm rồi bế Xu vào đó. Cách tắm của chị Lena không có gì đặc biệt, có chăng là chỉ tập trung xoa bụng và mông bé nhiều hơn một chút. Vậy nhưng, ngay sau khi được lau khô, đóng bỉm mới và mặc quần áo, Xu bỗng nhiên có nét mặt rất buồn cười. Con nhăn nhăn mặt, xong lại cười ngô nghê rồi bỗng nhiên “bủm…bủm..”. Xu đi tiêu dễ dàng khiến em “há hốc miệng” vì ngạc nhiên rồi ngay sau đó là mừng rơi nước mắt.
Hỏi chị Lena về thứ bột trắng “kì diệu” này, chị cười tủm tỉm rồi nói với em rằng đây chính là bột baking soda – một loại bột rất thông dụng của mẹ Tây. “Nếu mẹ Việt hay đun lá chè xanh tắm cho con, thì mẹ Tây lại hay dùng bột baking soda” chị bật mí. Chị Lena còn kể với em rằng, hồi nhỏ khi chị còn ở nước ngoài, chị luôn được mẹ tắm cho với bột baking soda mỗi tuần 1 lần. Không những có tác dụng trị táo bón, nước tắm hóa baking soda còn chữa hăm, nổi mẩn, phát ban cho trẻ sơ sinh. Thứ bột nhỏ mà lại có tác dụng vô cùng to lớn. Con chẳng cần phải dùng mật ong hay bất cứ thứ gì ngoáy hậu môn khiến bé đau khóc. Chỉ cần hòa tan một nhúm bột vào nước tắm là trẻ đã có thể đi tiêu dễ dàng, lại an toàn ngay cả với trẻ sơ sinh 1,2 tháng. Vậy là từ sau khi học được mẹo Tây của chị hàng xóm, em luôn cho Xu tắm nước có hòa baking soda từ 1 lần một tuần. Bé hầu như luôn đi tiêu ngay sau mỗi lần tắm. Baking soda cũng đã giúp em hóa giải mâu thuẫn với mẹ chồng.
Baking soda là tên gọi hay dùng trong ngành thực phẩm của hợp chất sodium bicarbonate. Loại bột này hay được được dùng trong nấu ăn, tạo xốp cho nhiều loại bánh như cookies, muffin, biscuits, quẩy…, thêm vào sốt cà chua hay nước chanh để làm giảm nồng độ acid, hoặc cho vào nước ngâm đậu hay lúc nấu sẽ làm giảm thời gian chế biến, đậu mềm ngon và hạn chế tình trạng bị đầy hơi khi ăn các loại hạt đậu, đỗ. Bột baking soda không khó kiếm. Chị em có thể mua ở các siêu thị, hiệu thuốc hay cửa hàng bán nguyên liệu làm bánh. Chỉ cần 1 thìa con baking soda hòa vào nước ấm rồi cho bé ngâm mông hoặc tắm trong 10 phút là xong. Tuy nhiên, trước khi cho bé ngâm tắm, chị em cũng nên bỏ xử một ít lên da bé để kiếm tra dị ứng đã nhé!
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet