Nhiều thập kỷ qua, những Công chúa và Hoàng tử của nước Nhật đều được hưởng đặc ân về giáo dục tại ngôi trường danh giá dành riêng cho Hoàng gia. Thế nhưng với riêng Hoàng tử bé – người sẽ kế thừa ngôi Hoàng đế trong tương lai, Hoàng gia Nhật lại lựa chọn phương pháp giáo dục hết sức đặc biệt.
Thay vì “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”, Hisahito được gửi vào một trường tiểu học bình dân, đồng thời không nhận được bất kỳ ưu đãi nào. Quyết định này đã gây ngỡ ngàng với công chúng Nhật Bản. Đồng thời, nó cũng nhận được khâm phục, như là cách đúng đắn nhất để giúp Hoàng gia Nhật xây dựng hình tượng “Hoàng tử bình dân”.
Đi ngược truyền thống lịch sử
Nhật Bản là một trong những quốc gia có nền quân chủ lâu đời nhất thế giới. Tính đến nay, dòng dõi Hoàng tộc (Tenno) đã có lịch sử 1.700 năm. Nhật hoàng Akihito (SN 23/12/1933) là Tenno 125 của Nhật Bản. Ngài lên ngôi vào năm 1989, kế thừa triều đại Ngai vàng hoa cúc. Hình ảnh mặt trời đang tỏa chiếu là biểu tượng của Hoàng gia và là Quốc huy Nhật Bản hiện nay. Với hơn 1.000 “nhân viên”, triều đình Nhật Bản được xem là một “cơ quan” nghiêm cẩn, nhận nhiệm vụ trợ giúp việc trị vì đất nước của Hoàng đế.
Năm 2001, sự ra đời của Công chúa Aiko, con độc nhất của Hoàng thái tử Naruhito và Công nương Masako được dự đoán sẽ mở ra triều đại “Vua bà” tương lai bởi khi đó cả Hoàng Tử Akishino- em trai Hoàng thái tử cũng chưa sinh được con trai nối dõi. Tuy nhiên ngày 6/9/2006, Hoàng tử Hisahito (con trai Hoàng Tử Akishino) đã ra đời trong sự vui mừng khôn xiết của toàn thể dân chúng Nhật Bản. Hoàng tử bé là con trai đầu tiên của Hoàng gia Nhật Bản trong vòng 41 năm và trở thành người thừa kế thứ ba trong danh sách những người kế vị Hoàng gia Nhật Bản sau bác và cha.
Trong buổi lễ đặt tên cho Hoàng tử bé, đại diện Hoàng gia Nhật Bản cho biết, tên Hisahito có nghĩa là “đúng đắn, trầm tĩnh và trường tồn”. Cái tên này kết thúc bằng chữ “hito”, có nghĩa là “con người danh giá”, đúng theo truyền thống đặt tên cho các bé trai trong Hoàng gia Nhật. Theo các nhà nghiên cứu Nhật Bản, tên của Hoàng tử Hisahito sẽ có ảnh hưởng đến cả một thế hệ người Nhật. Chính vì thế, việc lựa chọn phương pháp giáo dục Hoàng tử Hisahito đã gây ra rất nhiều áp lực với Hoàng gia. Thời điểm đó, hầu hết các thành viên Hoàng tộc đều mong mỏi “người kế vị” được hưởng sự giáo dục tốt nhất từ ngôi trường Hoàng gia như những anh chị em khác. Thế nhưng, Hoàng tử và Công nương Akishino lại muốn con trai được trưởng thành trong một nền giáo dục bình thường và không có bất cứ sự đối xử đặc biệt nào. Bất chấp những ý kiến phản đối kịch liệt, Hoàng tử và Công nước Akishino vẫn bảo lưu quan điểm.
Tháng 4/2010, cha mẹ Hoàng tử đã đăng ký cho cậu vào học trường mẫu giáo liên kết với ĐH Ochanomizu. Giáo viên và bạn bè ở lớp mẫu giáo gọi Hoàng tử là Hisahito-kun. Mặc dù Hoàng tử và bạn bè cùng trường sẽ dần hiểu được vị trí đặc biệt của cậu trong 6 năm học tới nhưng nhà trường cho biết, hiện tại họ không có ý định đối xử đặc biệt với “hoàng đế tương lai”.
Xây dựng hình tượng “Hoàng tử bình dân”
Người thừa kế ngai vàng của Hoàng gia Nhật Bản được giáo dục hết sức khắt khe.
Việc chọn trường tiểu học cho Hoàng tử bé được xem là công việc khá căng thẳng đối với Hoàng gia Nhật Bản. Tuy nhiên trước sự nỗ lực không ngừng và những lý lẽ thuyết phục của Hoàng tử và Công nương Akishino, Hoàng tử bé vẫn nhập học trường tiểu học thuộc ĐH Ochanomizu ở Bunkyo (Tokyo) suôn sẻ. Cậu là thành viên nam đầu tiên trong gia đình Hoàng gia thời kỳ hậu Thế chiến thứ 2 không theo học Trường tiểu học Gakushuin – ngôi trường dành cho các thành viên Hoàng gia.
Quyết định cho Hoàng tử bé theo học tại trường tiểu học bình dân được đông đảo người dân Nhật Bản đánh giá cao. Khi được hỏi lý do đưa ra quyết định khác biệt ấy, Hoàng tử và Công nương lý giải: “Một ngày nào đó, Hoàng tử bé Hisahito sẽ kế vị ngai vàng. Vì vậy, việc đi học ở một ngôi trường bình thường sẽ giúp Hoàng tử chuẩn bị tốt hơn và có nhìn nhận sâu sắc hơn cho vị trí là biểu tượng của Nhà nước và sự thống nhất của người dân Nhật Bản”.
Điều đặc biệt, trong buổi lễ khai giảng của Hoàng tử bé Hisahito- người thứ 3 trong thứ tự kế vị ngai vàng, các giáo viên cũng nhận được đề nghị từ Hoàng gia không gọi tên Hoàng tử kèm theo chức vị. Tên của Hoàng tử bé “Akishinonomiya Hisahito” được một giáo viên của trường tiểu học đọc to trước toàn thể học sinh và quan khách giống như những học sinh bình thường khác. Đáp lại, Hoàng tử bé Hisahito nhiệt tình hô vang: “Vâng”. Hành động ấy của Hoàng tử bé khiến cho tất cả những người dự buổi lễ khai giảng rất xúc động. Đây cũng chính là điểm khác biệt rất lớn của trường tiểu học bình dân này so với trường tiểu học Hoàng gia Gakushuin. Tại trường tiểu học danh giá nói trên, các thành viên Hoàng gia đều được gọi là “miya sama” (Hoàng tử hoặc Công chúa). Ngoài ra, nhiều học sinh trong lớp đều là con cháu của các cựu thành viên Hoàng gia hoặc quý tộc. Tại đây, tước vị thường được nhắc đến trước mỗi cái tên học sinh. Ngược lại, học sinh của trường Ochanomizu xuất phát từ nhiều tầng lớp khác nhau. Bố mẹ các em có thể là nhân viên văn phòng, công chức, quản lý doanh nghiệp. Mỗi khối của trường này có 105 học sinh, được chia thành 3 lớp. Tất cả các học sinh được đối xử hoàn toàn bình đẳng.
Ở trường như Gakushuin, các thành viên Hoàng gia thường xuyên được nghe những bài giảng được thiết kế riêng. Trong khi đó, tại trường tiểu học Ochanomizu, Hoàng tử bé theo học chương trình tiểu học thông thường. Vì thế, Hisahito thường xuyên được đưa đi thăm thú những địa điểm gắn liền với lịch sử Hoàng gia và những bài học lịch sử lâu đời. Qua đó, Hoàng tử bé có thêm những bài học bổ ích về văn hóa và dòng dõi gia tộc. Đồng thời, hàng tuần Hoàng tử Hisahito thường xuyên vào cung để thăm hỏi sức khỏe của ông bà nội (Nhật hoàng Akihito) để được biết thêm những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc Nhật Bản nói chung và dòng dõi Hoàng gia nói riêng.
Theo chia sẻ của một quan chức thuộc Cơ quan điều hành Hoàng gia, trường tiểu học của ĐH Ochanomizu được chọn bởi “Hoàng tử và Công nương Akishino tin rằng: “Để trở thành biểu tượng của Nhà nước trong tương lai, Hoàng tử bé phải có những trải nghiệm quý báu và phải hiểu được cảm xúc của người dân bình thường. Điều này chỉ có được qua quá trình học tập với những đứa trẻ có nguồn gốc khác nhau”. Đại diện của cơ quan này cho biết thêm: “Quyết định cho Hoàng tử Hisahito theo học trường tiểu học Ochanomizu là một quyết định tự nhiên. Nó đánh giá cao mối quan hệ bạn bè và môi trường bình dân. Chúng tôi muốn Hoàng tử học dần cách điều khiển một cuộc sống bình thường”.
Ông Takashi Mikuriya – Giáo sư khoa học chính trị tại ĐH Tokyo đánh giá cao việc Hoàng tử bé Hisahito được giáo dục ở một môi trường bình thường. Ông nói: “Các Hoàng đế thời tiền chiến hiếm khi bước ra khỏi cung điện. Nhưng sau chiến tranh, Hoàng đế đã bắt đầu tương tác với người dân, cầu nguyện cho họ và khuyến khích họ. Quan điểm hiện tại của Hoàng gia đang được người dân ủng hộ. Việc một Hoàng đế biểu tượng hiểu được cảm xúc của người dân và nói với họ những điều họ muốn nghe là rất cần thiết. Điều này chỉ có thể được học khi có những hiểu biết bình dân”.
Lựa chọn được đánh giá là khác biệt và táo bạo của Hoàng tử và công nương Akishino khiến cho người dân Nhật Bản vô cùng cảm phục. Họ cho rằng, Hoàng gia Nhật Bản đang thành công trong việc xây dựng hình ảnh “hoàng tử bình dân” với Hoàng tử bé Hisahito. Hy vọng, sự giáo dục đặc biệt này sẽ mở ra một kỷ nguyên mới đẹp đẽ hơn, tươi sáng hơn cho Hoàng gia Nhật Bản.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet