TS Đinh Đoàn là một trong những chuyên gia tư vấn tâm lý nổi tiếng hiện nay. Anh là người phụ trách chuyên mục “Cửa sổ tình yêu” trên VOV - địa chỉ tin cậy để nhiều người gửi gắm những câu chuyện thầm kín.
Với chủ đề "Làm thế nào để các bố mẹ có thể dạy con cách tự bảo vệ mình trước những rủi ro" TS Đinh Đoàn đã có những chia sẻ thực sự sinh động và đầy đủ.
Trẻ đi học xinh quá cũng có thể bị đánh, nhìn thẳng cũng bị cho là nhìn đểu
Xã hội hiện nay luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, đặc biệt đối với con trẻ. Những vấn đề thậm chí xuất phát từ chính trường học, những người bạn đồng học. Đó có thể là những vụ cãi vã, xô xát nhau, đánh nhau,... gây thương tích và cả những ảnh hưởng đến tâm lý.
Nạn nhân của những vụ xô xát, cãi vã này có thể là bất kỳ ai và vì bất kỳ lý do gì. Theo chuyên gia Đinh Đoàn: “Nhiều em bị bắt nạt thường yếu đuối, ít giao tiếp bạn bè, bản thân nhút nhát. Thậm chí có cách giao tiếp không phù hợp, như chảnh quá, mình thể hiện mình hơn người khác quá mà không hoà hợp với đám đông cũng khiến cho người ta ghét và bắt nạt. Đừng có nghĩ mình cứ hùng cứ mạnh, cứ ngoan đi thì không ai bắt nạt. Có nhiều em do em xinh quá cũng có thể bị đánh hội đồng. Nhiều khi một cái nhìn thẳng vào mặt thì cũng bị cho là nhìn đểu,….
Phụ huynh hay nhà trường không thể chỉ ra cho con trẻ cụ thể từng nguyên nhân và những tình huống như thế nào thì phải làm gì. Song hoàn toàn có thể hỗ trợ trẻ, hướng dẫn trẻ để có thể tự bảo vệ mình.
"Người lớn phải là những người dẫn dắt uốn nắn rèn luyện trẻ ngay từ đầu. Không thể để trẻ tự xử lý theo bản năng được. Đừng nghĩ trẻ con bồng bột, nghịch ngợm thì không biết gì. Với những đứa trẻ nghịch ngợm mà không được uốn nắn thì nó sẽ thành tướng cướp. Còn những đứa trẻ nhu mì, hiền lành, nhút nhát; cứ chịu trận để bạn đánh mình hết lần này đến lần khác mà không được uốn nắn, truyền động lực để có sức mạnh tự vệ thì dần dần sẽ trở thành một người ươn hèn, yếu thế trong xã hội" - chuyên gia Đinh Đoàn chia sẻ.
Trẻ mới thấy dấu hiệu sắp bị đánh mà đi mách cô thì sẽ khiến nguy cơ thành sự thật
Với những nguyên nhân kể trên, nguy cơ con trẻ rơi vào những vụ ẩu đả, xô xát là rất cao. Và bố mẹ hay người lớn không thể lúc nào cũng kè kè bên cạnh bảo vệ và xử lý vụ việc kịp thời được.
Theo MC Nguyên Khang thì: "Căn nguyên của những hành vi đó còn xuất phát từ nền tảng của giáo dục; để giúp con mình thoát khỏi việc bị ăn hiếp nó vẫn là một câu trả lời hoàn toàn khác."
Để trả lời cho vấn đề này, chuyên gia Đinh Đoàn bày tỏ quan điểm rằng, bản thân mỗi đứa trẻ cũng phải có những động thái phản ứng lại, phải đứng gồng mình lên, có động tác xù lông để đe dọa lại hoặc tìm cách để thoát khỏi. Không nên cứ tiếp tục chấp nhận chịu đựng.
Tùy vào từng tình huống khác nhau thì sẽ có những cách để giải quyết phù hợp. Có nhiều phụ huynh lựa chọn phương án cho con đi học võ hay rèn luyện sức khỏe bản thân để có thể chống chọi lại những người đã và đang ăn hiếp mình. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có thể giải quyết bằng sức khỏe, bằng vũ lực mà còn phải có sự khéo léo ở trong đó.
Khi được hỏi về vấn đề "Trẻ có nên báo cho nhà trường thầy cô, gia đình khi phát hiện ra dấu hiện mình sắp bị đánh?" thì chuyên gia Đinh Đoàn bày tỏ: "Thực sự một đứa trẻ đủ nhạy cảm để nhận ra nguy cơ đó thì cũng là một điều rất khó rồi. Và nếu chỉ mới nhận thấy một dấu hiệu chưa có gì rõ ràng mà đã đi mách báo thì nguy cơ đó rất có thể sẽ trở thành sự thật."
Phụ huynh nên dạy con nhiều phương pháp khác nhau đề trẻ có thể tự mình giải quyết trong từng trường hợp cụ thể. Ngoài việc đi học võ thì hiện nay phụ huynh có thể cho con thực hành, trải nghiệm trong một số lớp học tự vệ. Hoặc liên tục đưa ra những tình huống, bắt trẻ phải đưa ra cách giải quyết của riêng mình. Phụ huynh sẽ dựa trên những cách giải quyết của trẻ đó để tiếp tục đưa ra vấn đề mới. Cuối cùng là cùng con rút ra bài học, trong những trường hợp như thế này thì con sẽ cần phải làm như thế kia chẳng hạn.
Chuyên gia Đinh Đoàn cũng đưa ra một số cách giải quyết cụ thể: Trong khi người khác đuổi mình, ở phía sau mình thì mình nên chạy theo đường dích dắc. Chạy theo như vậy thì người đó cũng bị loạng choạng theo.
Hoặc theo một trường hợp khác hơi hài hước khôn ngoan, cần sự thông minh hơn. Như khi đang bị đuổi thì trẻ sẽ dừng lại một bên và nói “Các cậu giỏi các cậu chạy trước đi, tớ chạy sau”. Khi biến thành tình huống hài hước như thế, những người đang đuổi đánh sẽ phì cười. Một khi đã có thể cười được rồi thì tính hung hãn, nóng nảy, mong muốn đánh đập ai đó cũng sẽ giảm xuống rất nhiều.
Đừng thấy đứa trẻ bị đánh không phải con mình, cháu mình nên bỏ qua
“Xã hội ở đây chúng ta phải nói rộng ra đó là tất cả những người đi đường, làm sao đừng vô cảm khi thấy lớn bắt nạt bé thì mình phải có những can ngăn, can ngăn, không thể bỏ qua. Cứ nghĩ đó không phải thấy đó không phải là con mình, cháu mình.
Còn phía nhà trường thì mỗi tuần có thể đưa vào mỗi tuần 2 tiết dạy kỹ năng sống trong chương tình học. Không chỉ là kỹ năng tự vệ, kỹ năng ứng xử, kỹ năng giao tiếp và những kỹ năng khác.” – Theo chuyên gia tâm lý Đinh Đàm cho biết.
Việc dạy con cái kỹ năng phải biết yêu thương, chia sẻ mọi người xung quanh thì cũng nên dạy con biết cách yêu thương bản thân mình và tự bảo vệ mình. Khi trẻ được học những điều như thế, có thể sẽ không giúp con né tránh được hoàn toàn khi bị ai đó bắt nạt thì hậu quả nó cũng sẽ đỡ hơn vì trẻ đã lường trước được phần nào và nắm được cách giải quyết ổn thỏa.
Giáo dục con trẻ là một quá trình lâu dài chứ không thể thực hiện trong ngày một ngày hai. Đó không chỉ là sự nuôi dưỡng về nhân cách, đạo đức mà còn giúp trẻ tự nhận diện được những mối nguy hiểm đối với bản thân và biết cách tự bảo vệ mình. Đảm bảo một hành trang vững chắc giúp trẻ tự tin vững bước trên con đường đời phía trước.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet