Tôi đã từng được nghe rất nhiều bạn bè mình phàn nàn rằng chồng lười chăm con, không chịu giúp vợ. Sau khi chê chồng, họ đều quay ra khen tôi sướng, lấy được ông chồng đảm đang, yêu vợ thương con, lại biết thay bỉm, rửa bình. Thực ra, theo tôi, nếu chồng của chị em không chịu giúp vợ chăm con, lỗi một phần cũng là ở bản thân người vợ. Mình cư xử không khéo, bảo sao đàn ông không nghe. Để có được một ông chồng “lý tưởng” biết thương vợ chăm con, tôi cũng đã phải rất khéo léo trong việc “dạy” chồng.
Tôi biết, rất nhiều ông chồng nghiễm nhiên coi mình là khách trong việc chăm sóc con trẻ. Họ coi việc phụ nữ sinh đẻ và chịu trách nhiệm nuôi con là lẽ đương nhiên. Nếu người vợ không đi làm và ở nhà chăm con, đàn ông sẽ đương nhiên coi đó chính là “công việc” của vợ. Đó là lý do vì sao mỗi khi chị em định nhờ chồng giúp đỡ, chúng ta sẽ nhận được câu trả lời “Đó là việc của em”.
Tại sao các ông chồng có lý do cho việc đó? Vì họ đã đi làm 8 tiếng một ngày, kiếm tiền và thanh toán các hóa đơn hàng tháng. Họ quá bận rộn để đảm bảo cho gia đình có một cuộc sống đủ đầy đàng hoàng và do đó, họ nghĩ mình xứng đáng được trở về nhà và nghỉ ngơi. Vì chưa từng chăm con, các ông chồng đôi khi chỉ đơn giản là không thể hiểu thấu những vất vả cực nhọc khi vợ “có mỗi việc ở nhà chăm con”.
Cần phải nói, trước đây chồng tôi cũng không siêng giúp vợ chăm con như bây giờ. Việc nhà, việc con đều do một mình tay tôi lo lắng, quán xuyến. Nuôi dạy và chăm sóc con cái là nghĩa vụ của cả hai vợ chồng - Cái này chồng tôi hiểu rõ. Bằng chứng là tôi nhờ anh rửa bình, thay tã, bế con…anh đều làm cả. Tuy nhiên, chỉ khi tôi nhờ chồng việc gì, anh mới chịu đứng dậy làm giúp vợ.. Chưa bao giờ tôi thấy anh chủ động mở miệng nói được một câu “Thôi em nghỉ đi để anh cho con ăn cho”. Tôi rất không hài lòng. Theo tôi, chồng như vậy là không được. Tôi không muốn việc anh chăm con giúp tôi đơn thuần chỉ là vì trách nhiệm. Tôi muốn những hành động đó phải xuất phát từ trái tim, từ lòng thương con, xót vợ. Tôi bắt tay vào công cuộc “dạy chồng”.
Chồng lười chăm con thì phải "dạy" chồng (ảnh minh họa)
Cần nói, tôi không bao giờ sa đà và tốn thời gian vào những tranh luận như công việc của ai vất vả hơn, ai phải làm nhiều việc hơn, ai cần được nghỉ ngơi… bởi tất cả đều không đi đến đâu. Tôi khuyên chị em cũng đừng nên tỏ ra thất vọng hay cằn nhằn. “Chiến thuật” của tôi, đó là luôn đón chồng bằng một nụ cười tươi và bữa cơm nóng sốt. Điều này nghe có vẻ thực khó khi mẹ còn phải chăm con nhỏ nhưng hãy thử nghĩ xem, chẳng phải đã có câu “Con đường ngắn nhất đến trái tim người đàn ông là thông qua cái dạ dày” đó sao. Nếu khi đón chồng về nhà, chị em luôn có bộ mặt cau có, mệt mỏi. Đương nhiên, không ông chồng nào còn hứng thú gì trong việc giúp vợ. Việc tạo cảm giác vui vẻ cho chồng khi trở về nhà sẽ là tuyệt chiêu vàng giúp tôi dễ dàng lôi kéo ông xã vào việc giúp đỡ mình chăm sóc con cái. Với cái bụng no đẫy vì những món ăn ngon, ông xã luôn chủ động nói tôi nghỉ ngơi còn anh sẽ chịu trách nhiệm rửa bát và trông con cho tôi được thoải mái thư giãn trong phòng tắm ngát hương.
Mẹo thứ hai: Khi nhờ chồng giúp đỡ, chị em cũng cần lưu ý nên nói thật cụ thể công việc và hãy cố gắng làm sao cho ông xã cảm thấy việc mình muốn nhờ thực sự rất đơn giản. Như bản thân tôi những khi nhờ chồng cho con ăn, tôi luôn gợi ý “để em pha sữa giúp cho”. Hay như để ông xã thay bỉm cho bé, tôi luôn chủ động đi lấy giúp anh khăn ướt và bỉm mới. Điều này khiến ông xã không bao giờ “phẫn nộ” vì cảm thấy mình đang phải một mình xoay sở với em bé và luôn tự tin vì đã có vợ sẵn sàng hỗ trợ. Chị em đừng lo rằng như vậy chẳng khác nào một người làm, một người dọn bởi chỉ sau vài lần như vậy, chồng tôi đã hoàn toàn tự tin với việc chăm con một mình mà không cần vợ trợ giúp.
Đương nhiên, khi chồng đã giúp vợ, tôi không bao giờ quên những lời cám ơn. Cũng không bao giờ tỏ ra coi thường chồng vụng hay cố gắng “chỉnh” chồng lúc ông xã đang chăm con. Chồng tôi cũng có những lúc bế con ăn mà sai tư thế, dùng khăn lau mông con lại không lau đúng chiều vậy nhưng tôi không bao giờ chê bai. Miễn là con được ăn đúng giờ, mông luôn khô ráo và khi khóc đã có bố dỗ dành, chỉ cần vậy thôi thì tôi sẽ không tiếc lời khen chồng. Đàn ông cũng rất cần những lời động viên từ vợ và cảm thấy mình xứng đáng là chỗ dựa cho hai mẹ con. Nếu chị em luôn buông lời chê bai hay gồng lên để hoàn thành mọi việc. Ông xã đương nhiên sẽ không có cảm giác muốn giúp đỡ vợ chăm con.
Cuối cùng, hãy tâm sự với chồng về những vất vả của bản thân và khơi gợi tình yêu của chồng dành cho con, để ông xã hiểu được rằng chăm sóc và nuôi dạy con cái là việc chung, là chất xúc tác để tăng cường tình cảm gia đình. Trẻ em cần được lớn lên, nuôi dưỡng và giáo dục bởi cả người bố và người mẹ. Lạt mềm buộc chặt bao giờ cũng là chìa khóa vàng cho hạnh phúc gia đình.
Theo tâm sự của độc giả ở địa chỉ mail lananh87.......@.................
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet