Dạy trẻ chưa bao giờ là điều dễ dàng. Để dạy con ngoan vốn đã rất khó và càng khó hơn những lúc trẻ làm sai. Là một người mẹ có con đang độ tuổi mầm non, chị Trà (Hà Nội) cũng thường xuyên đau đáu những câu hỏi nên rèn con thế nào cho tốt.
Gia đình nhỏ của chị Trà thêm tiếng cười từ khi có bé Sâu.
Hàng ngày, chị đều trò chuyện cùng các cô để vừa cập nhật tình hình của con, cũng như học hỏi thêm kỹ năng nuôi dạy trẻ.
Mới đây, bài đăng về cách xử lý khi con cắn bạn của bà mẹ trẻ được tổng hợp từ kinh nghiệm của các cô tại trường đã nhận được khá nhiều sự quan tâm của mọi người. Theo đó, chị Trà đưa ra 4 cách mà các cô xử lý khi gặp trẻ cắn bạn cùng lớp như sau:
1. Phản ứng của người lớn sau khi trẻ cắn bạn
Ngay sau khi trẻ làm đau bạn, bế và ôm trẻ vào lòng để bé bình tĩnh. Lý do chủ yếu dẫn đến việc trẻ cắn bạn là do con có bức xúc: muốn tranh đồ chơi với bạn, đang ngồi yên mà bị bạn quấy rầy… mà bé chưa nói được để người khác hiểu nên thể hiện bằng hành động. Nếu trẻ đánh/ cào bạn, đưa tay trẻ vuốt lên má cô và nói: "Tay là để yêu con ạ”.
2. Nếu hành vi làm đau bạn tiếp tục xảy ra thì nên tìm hiểu lý do
Các cô nói chuyện với bố mẹ để tìm hiểu lý do vì sao con cắn bạn? Ví dụ như bố mẹ ở nhà có chuyện gì khiến con buồn không hay con có trải qua những biến đổi gì lớn gần đây không. Trẻ cai ti mẹ hay mẹ có em bé nên phải tách mẹ sẽ khiến tâm trạng con biến động. Có trường hợp bé cắn bạn chỉ vì hồi nhỏ, bé bụ bẫm nên bố mẹ hay cắn yêu con, bé tưởng đó là hành động thể hiện yêu thương, nên mới…. cắn bạn.
Trẻ nhỏ thích cắn bạn, bố mẹ cần tìm hiểu rõ nguyên nhân để biết cách xử lý.
3. Tách hai bé ra
Mọi người để ý thì bé cắn bạn sẽ chỉ hay cắn 1, 2 bạn cố định. Nếu chỉ một vài bé nhất định thường thì do 2 bạn có tính cách ngược nhau, ví dụ một bạn thích yên tĩnh, một bạn thích nói nhiều. Các cô sẽ để ý và tạm thời tách hai bạn này ra, không ngồi gần, chơi cùng nhau nữa.
4. Sử dụng “Ghế bình tĩnh”
Mỗi lần bé làm đau bạn, sẽ được cô mời ngồi riêng ở "Ghế bình tĩnh". Ghế bình tĩnh giúp con có thời gian suy nghĩ về hành động của mình và hiểu rằng không ai muốn bị đau. Con làm đau bạn, bạn sẽ không muốn chơi với mình nữa.
Nam diễn viên Hàn Quốc Song Il Gook cũng áp dụng phương pháp "Ghế suy ngẫm" với những cậu con trai sinh ba của mình.
Còn với các mẹ có con bị cắn, hãy cố gắng thông cảm cho bé làm đau con mình vì các bé còn nhỏ, còn thể hiện cảm xúc bằng hành động vì chưa nói, diễn tả cho người khác hiểu được. Tuy nhiên khi con bị làm đau nhiều lần, mà các cô chỉ xử lý bằng cách xin lỗi thì có lẽ cần trao đổi với hiệu trưởng để xem có cách giải quyết nào khác không.
Chị Trà tin rằng người thực sự hiểu về giáo dục, về trẻ nhỏ sẽ có cách xử lý hiệu quả thay vì chỉ…xin lỗi. Đối với chị, lời xin lỗi là quý giá nhưng nhiều khi chúng ta cần hành động hơn một lời nói.
Ngoài ra với cá nhân mình, chị Trà sẽ chỉ dạy Sâu đi mách cô giáo khi bị bạn làm đau và chỉ ra được bạn nào làm đau con. Chị tuyệt đối không dạy Sâu đánh lại bạn. Khi con đánh lại bạn, con sẽ được làm quen với khái niệm dùng bạo lực để chống lại bạo lực - thứ đang lan tràn ngoài xã hội kia.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet