Những ngày gần đây, các bà mẹ có con nhỏ tỏ ra lo lắng trước thông tin về bệnh sởi. Những cơn sốt 40 độ C khiến trẻ bỏ ăn, không ngủ được, kéo theo đó các gia đình cũng hết sức vất vả trong việc chăm sóc. Các mẹ từng trải qua cảnh chăm sóc con bị sởi chia sẻ một số chú ý để các phụ huynh khác nhận diện bệnh sởi ngay từ khi có những triệu chứng ban đầu.
Giải nhiệt cho con bị sởi bằng uống nước dừa và cho bé bú mẹ
Sau gần 2 tuần con trai khỏi bệnh sởi, chị Lê Thị Diễm Thúy (TP.HCM) vẫn chưa hết mệt mỏi. Bởi vì, cả hai mẹ con đã phải cùng nhau vật lộn trong vòng hơn 1 tuần để vượt qua những cơn sốt triền miên.
Mặc dù, đã nghe thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về bệnh sởi lây lan ở khu vực phía Bắc. Tuy nhiên, do hơi chủ quan nên chị Diễm Thúy không ngờ cả hai mẹ con bị “dính” sởi cùng một lúc.
“Ban đầu con trai tôi có xuất hiện các triệu chứng như chảy nước dãi, họng bị đỏ lên. Sang ngày thứ hai bé bị tiêu chảy, đây là điều bất thường, bởi vốn dĩ bé thường bị táo bón, bé bị sốt 38 độ C. Cứ cách vài tiếng bé bị sốt 1 lần, hạ sốt xong thì chân của bé lạnh toát. Thậm chí, mức nhiệt độ cao nhất đo được có lúc lên tới 38.5 độ C. Sang ngày thứ 3, chị Thúy đưa con đi khám bác sĩ tại phòng khám tư, bác sĩ cho bé uống hạ sốt và tiêm thuốc tăng sức đề kháng. Tới ngày thứ tư, bé hết sốt thì xuất hiện ban đỏ lan dần khắp cơ thể”, chị Thúy nhớ lại
Nói về chuyện tiêm phòng sởi cho con, chị Thúy cho hay: “Lúc 9 tháng, tôi có đưa con trai đi tiêm phòng sởi. Tuy nhiên sau khi khám tổng thể thì bác sĩ nói bé quá gầy nên đợi đến 12 tháng sẽ tiêm 3 trong 1”.
Trong 3 ngày đầu, con trai không chịu ăn, thậm chí chỉ bám mẹ, không cho bất cứ ai bế. “Bé khóc nhiều, tôi nấu cháo, bé cũng không ăn chỉ có bú mẹ. Từ ngày thứ tư bắt đầu xuất hiện các nốt ban đỏ, tôi vẫn duy trì cho con bú hàng ngày, bổ sung thêm thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ”, chị Thúy nói thêm.
Theo kinh nghiệm của chị Thúy, để con được giải nhiệt và sự khó chịu trong người, chị cho bé uống 1 quả dừa/ngày. “Tôi chia lượng nước dừa thành nhiều lần để cho bé uống bất cứ khi nào. Ngoài ra, việc kiên trì cho bé bú mẹ cũng giúp tăng sức đề kháng cho bé để chống lại bệnh và là cách tiếp năng lượng hiệu quả”, chị Diễm Thúy tiết lộ.
Sau khi hết sởi 1 tuần, con trai đã ăn uống trở lại bình thường. Tuy nhiên, chị Diễm nhận thấy con bị gầy đi đáng kể. “Đến nay, bé ăn uống tốt hơn. Bởi vì, tôi có đưa bé đến khám bác sĩ dinh dưỡng để có chế độ ăn hợp lý nhằm bù lại sức khỏe”, chị Thúy nói thêm.
Cặp nhiệt độ cho con 10-15 phút/lần vì trẻ bị sởi sốt cực cao nhưng người vẫn mát
Chị Đinh Thu Hiền (Phố Bạch Mai – Hà Nội) cũng đã trải qua gần 20 ngày chăm con bị sởi. Những gì đã diễn ra để lại cho chị Hiền nhiều bài học quý, thậm chí bản thân chị cảm thấy thương những mẹ đang phải ngày đêm túc trực bên con hết sức vất vả.
Theo lời chị Hiền, sau khi nghe những thông tin lùm xùm về vacxin thời gian trước chị chưa dám đưa con đi tiêm phòng. Đến khi bé được 10 tháng thì liên tục bị viêm phổi nên chưa tiêm phòng sởi.
"Trước khi bị sởi, bé đã bị viêm phổi. Sau khi từ viện về nhà khoảng 1 tuần, bé bắt đầu có các dấu hiệu của sởi. Mặc dù, trong thời gian ở bệnh viện trị viêm phổi, hai mẹ con đeo khẩu trang thường xuyên nhưng vẫn bị lây sởi.
Ban đầu bé sốt cao 40 độ C, cứ 4 tiếng sốt/lần. Ngày thứ 4 do sởi vào phổi nên còn bị li bì, phải bế vác nguyên 1 ngày bé mới chịu. Nguy hiểm của sởi là sốt cực cao nhưng người vẫn mát nên nhiều khi bé co giật mới biết nên nhà mình thay nhau 10 - 15 phút cặp nhiệt độ 1 lần”, chị Hiền chia sẻ.
Với trường hợp của con chị Hiền, bé 11 tháng, sởi vào phổi nhưng may mắn không bị suy hô hấp. Tuy nhiên, thời gian vẫn kéo dài tới 17 ngày trong khi bình thường chỉ khoảng 7 ngày sẽ khỏi.
“Điều lạ là bé bị mọc ban đỏ từ trên lưng chứ thông thường mọc quanh mắt, miệng, tai rồi mới xuống bên dưới. Một tuần đầu tiên, bé sốt li bì hơn 40 độ C, cả nhà cũng mất ăn mất ngủ”, chị Hiền nhớ lại.
Về kinh nghiệm cho con ăn những ngày bị sởi, chị Hiền cho biết, liên tục duy trì cho bé bú mẹ để có năng lượng, tăng sức đề kháng. “Sau khi lành sởi, con tôi lại bị viêm phổi do sởi vào phổi làm cho phổi yếu hơn”, chị Hiền nói thêm.
Chị Hiền cũng chia sẻ, các mẹ nên hạn chế cho bé ra ngoài, dùng máy lọc nước trong thời gian con bị sởi và tuyệt đối kiêng nước lã.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet