Hôm đó, Bi đang ngồi ăn kiwi, chị hàng xóm đi ngang, nựng: “Bữa nào Bi cũng được ăn ngon, sướng quá ta”. Bà nội liền khoe: “Bi là cục vàng, thứ gì mà chẳng được ăn, chỉ có mỗi… trứng trời là chưa từng ăn thôi”. Cu Bi nghe vậy liền bỏ dở đĩa kiwi, đòi bà nội cho ăn trứng trời. Dù bà nội đã giải thích là chỉ nói đùa thôi, ông trời ở cao lắm, nhưng Bi cứ giãy đành đạch, khóc khan, nhất định đòi cho được. Ông nội liền nảy ra sáng kiến: chạy vù ra chợ tìm mua… hai quả trứng ngỗng. Ông chỉ lên cây mận trước nhà, bảo: “Để ông nội hái trứng trời cho con nha”. Bữa đó thiệt tội nghiệp thân già của ông nội, liều mạng leo lên cành mận chót vót, dùng sào khua khoắng một hồi rồi giả bộ kêu lên: “A, ông hái được trứng trời rồi”. Nhìn thấy hai quả trứng to đùng, Bi mới chịu cười, còn dặn: “Mai hái trứng trời nữa nha ông nội”.
chiều con quá đôi khi làm hại con
Tối hôm đó, Bi xem phim người dơi, thấy chú người dơi rất oai phong, Bi thích lắm, liền đòi đóng vai người dơi. Ba tỉ mẩn làm cho Bi chiếc mặt nạ, mẹ thì lấy khăn tắm làm áo choàng. Bi chê cái áo xấu hoắc, không giống. Lục tung một hồi, Bi phát hiện ra chiếc áo dài đỏ của mẹ làm áo khoác là giống nhất, nên nằng nặc đòi mẹ cắt ra. Mẹ hứa sáng mai sẽ ra chợ mua khúc vải đỏ cho Bi làm áo khoác, cu cậu nhất định không chịu. Cái màn giãy nảy khóc khan lại tái diễn.
Nhà có khách tới chơi, ông nội liền bày ra chai rượu mà ông khoe là “hàng xách tay từ bển về, ngon số dzách”. Bạn bè của ông sau khi uống thử đều gật gù công nhận “quá ngon”. Nhìn ly rượu sóng sánh màu cánh gián thật hấp dẫn, lại nghe mọi người cứ tấm tắc khen ngon, Bi liền đòi uống thử. Ông nội sợ đứa cháu cưng lại làm mất mặt với khách nên đành chiều, đưa ly rượu cho Bi, dặn: “Cay lắm nha con, liếm thử cho biết chứ đừng uống”. Cầm ly rượu trong tay, Bi cứ sợ thứ ngon mà ông nội không cho uống nhiều nên lật đật ực một hơi cạn sạch, ông nội giật lại không kịp. Mọi người hoảng hốt làm mọi cách cho Bi ói ra, nhưng vô hiệu. Chỉ lát sau, mặt mũi Bi đã đỏ như tôm luộc, tay chân mềm oặt, khóc không ra hơi, mọi người vội chở Bi đến bác sĩ…
Gia đình anh Hoàng nhận ra việc chiều chuộng Bi quá mức là sai lầm, nhưng muốn sửa chữa không phải dễ. Lúc Bi còn nhỏ, chẳng ai nỡ nói “không” với Bi, cũng chẳng ai dạy Bi cái này là không được phép, cái kia có hại… Bi thì phát hiện “vũ khí” nước mắt của mình rất có uy lực, nên thường sử dụng để buộc mọi người làm theo ý mình. Khi Bi lớn hơn một chút, còn tự “sáng tạo” thêm cảnh tự cào vào mặt mình, đập đầu vào tường… khiến mọi người lo sợ, lập tức đáp ứng.
Người lớn thường chủ quan khi nghĩ rằng: “Con còn nhỏ, biết gì, cứ chiều nó cho yên, lớn lên từ từ dạy”. Khi trẻ càng lớn, có thể những đòi hỏi ngày càng nhiều và phi lý; khi không được đáp ứng, mức độ phản ứng của trẻ càng tiêu cực. Những đứa trẻ ấy lớn lên có nguy cơ trở thành những cậu ấm cô chiêu chỉ biết xài tiền, sống ích kỷ, vô trách nhiệm, lúc đó cha mẹ hối hận thì đã muộn. Ông bà vẫn thường nói: “Dạy con từ thuở còn thơ”.
Theo Phunuonline.com
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet