Nội dung

Những ngày này, nhà văn, cựu chiến binh Bảo Ninh đang cùng đồng đội về thăm chiến trường xưa. Ông cho biết, năm nào, vào dịp tháng ba, anh em cựu binh B3 (mặt trận Tây Nguyên) cũng muốn trở lại thăm chiến trường Buôn Ma Thuột, điểm mở màn chiến dịch mùa xuân 1975. Ông và đồng đội cũ thuộc Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 còn muốn đi lại những cung đường chiến đấu, trong đó có hành trình "tháng tư thần tốc", từ Nha Trang, Cam Ranh, Phan Rang, đèo Ngoạn Mục, Đơn Dương, Gia Nghĩa, Di Linh… vòng về tây bắc Sài Gòn. Năm xưa, ông và đồng đội đã theo cung đường này, tiến đánh ngã tư Bảy Hiền và cắm ngọn Quân kỳ quyết thắng lên đỉnh lầu chỉ huy không lưu của sân bay Tân Sơn Nhất, sáng sớm 30/4/1975. Ước muốn là vậy nhưng mỗi năm họ chỉ đi được vài nơi, do sức khỏe và kinh tế không cho phép.

Một cây bút kỳ cựu khác của dòng văn học chiến tranh - nhà văn Chu Lai - cũng là một cựu binh. Đại tá Chu Lai có 10 năm làm lính đặc công vùng ven Sài Gòn. Ông từng bỏ "thánh đường" sân khấu (diễn viên kịch đoàn Tổng cục Chính trị) và Đại học Quân y để ra trận.

Chiến tranh không bao giờ là ngày hội

Nhà văn Chu Lai (trái) và nhà văn Bảo Ninh - hai cây bút lớn của đề tài chiến tranh chống Mỹ và hậu chiến.

Trong số những nhà văn từng tham chiến còn có Nguyễn Văn Thọ. Ông trải qua 12 năm trong quân đội, tham gia chống Mỹ, với 4 chiến dịch lớn và 500 trận đánh. Nguyễn Văn Thọ có mặt ở Sài Gòn ngày 30/4, trong thời khắc đất nước hòa bình , để hiểu rằng từ đây ông cùng những binh sĩ Việt Nam sẽ không còn phải chết vì súng đạn.

Là nữ tác giả hiếm hoi thành công với đề tài chiến tranh, nhà văn Lê Minh Khuê cũng từng đi qua những năm tháng đánh Mỹ. Lê Minh Khuê kể, 1965 - 1968 là thời kỳ Mỹ tập trung đánh vào Thanh Hóa cho đến Quảng Bình, Vĩnh Linh (Quảng Trị). Lúc đó bà mới 15 - 16 tuổi, tham gia thanh niên xung phong, đóng quân ở những vùng ác liệt từ cầu Lau, cầu Vằng, vào đến Hoàng Mai, Khe Nước Lạnh... Sau đó, Lê Minh Khuê trở thành phóng viên chiến trường. Bà có mặt ở gần như tất cả sự kiện quyết định của cuộc chiến chống Mỹ, cho đến ngày chiến tranh chấm dứt.

Thế hệ hiểu đến cùng được - mất của chiến tranh

Trực tiếp tham chiến, các nhà văn hiểu hơn hết những gì con người trong chiến tranh phải chịu đựng. Nhà văn Chu Lai nói:

"Chiến tranh là ngày nào cũng chôn nhau nhưng chưa đến lượt chôn mình. Là 10 người ra đi 9 người không trở về, là cuộc hành binh trên những nấm mồ đẫm máu và nước mắt để ca khúc khải hoàn tức tưởi giữa thành đô. Chiến tranh không bao giờ là ngày hội".

Cuộc chiến dữ dội và khốc liệt đã có lúc khiến anh "nhà văn áo lính" nản chí.

"Trận nào cũng dữ dội, dữ dội đến nỗi có lần tôi đã nghĩ đến tự thương hoặc tự vẫn để trốn tránh nhưng tự thương thì sợ đau, tự vẫn thì sợ nhục. Cuối cùng tôi vẫn gượng dậy được nhờ có hơi ấm đồng đội, tình thương của bà con ấp chiến lược".

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ nhớ như in những tháng ngày cam go, khốc liệt. Ông kể có lần đơn vị ông làm nhiệm vụ cản đường bay của quân Mỹ vào Hà Nội. Quân Mỹ điên cuồng thả bom bi, nhưng thả vào nhà dân rất nhiều. Cả một đêm thức trắng trực chiến, ông nghe tiếng khóc ai oán. Sáng hôm sau đi chặt lá ngụy trang ông thấy cả một làng trù phú vùng đồng bằng sông Hồng người chết la liệt. Tiếng khóc đêm đó đeo bám ông vào chiến trường miền Nam. Khi đất nước thống nhất, ông lại chứng kiến cảnh người mẹ miền Nam bới rãnh tìm xác con trong một hố chôn tập thể. Nguyễn Văn Thọ nói:

“Chiến tranh đã xảy ra rồi, nhưng tiếng khóc của những bà mẹ Việt Nam ở đâu cũng như nhau, khốc liệt, đeo bám như vậy”.

Chu Lai cho rằng, để "non sông thái hòa, tổ quốc tự trọng", con người ta đã phải đánh đổi bằng những mất mát rất cụ thể, là tính mạng, tuổi trẻ, nỗi đau gia đình. Còn với Nguyễn Văn Thọ, cuộc chiến đã lấy mất tuổi thanh xuân của cả một thế hệ. Có những người vĩnh viễn nằm xuống trong chiến tranh.

Chiến tranh không bao giờ là ngày hội

Nhà văn Lê Minh Khuê.

Chiến tranh kéo dài hệ lụy cho tới hòa bình. Tác giả Nỗi buồn chiến tranh Bảo Ninh chia sẻ, vào ngày cuộc chiến chống Mỹ kết thúc, mừng vui, hạnh phúc trong lòng là điều hiển nhiên. Nhưng những buồn đau chất chứa 30 năm trời cũng giờ phút ấy trào dâng. "Nỗi lòng con người ta giờ phút ấy thật là khôn xiết kể. Có một bức ảnh diễn tả được cái nỗi niềm khôn xiết ấy. Bà mẹ già tóc bạc phơ ôm lấy con trai mình, ngã vào lòng con trai mình, người con trai vừa được giải phóng khỏi ngục tù Côn Đảo. Ai xem bức hình ấy lần đầu cũng muốn khóc luôn. Mà muốn khóc bởi vì mừng vui hay bởi vì buồn thương, chẳng thể tách bạch được", Bảo Ninh nói.

Tác giả Lê Minh Khuê chia sẻ, cảm nhận sâu sắc nhất về thời chiến là con người hầu như trở nên vô cảm trước cái chết, vì nó diễn ra hàng ngày, có tránh cũng không được. Nhà văn nhớ, năm 1972, B52 bắt đầu đánh trở lại miền Bắc. Bà trải qua những chuyến đi kinh khủng từ Hà Nội vào Quảng Bình, khi cả đêm máy bay đánh dọc đường Một mà xe cứ đi. Nhà văn cũng không quên thời gian Mỹ ném bom B52 ở Hà Nội, bà chứng kiến rất nhiều cái chết.

"Đêm đó ở Khâm Thiên, mọi người đang đi cùng Lưu Quang Vũ, anh Nguyễn Lâm và mấy người khác thì bom ném. Mọi người xô nhau, kêu khóc, mọi thứ lấm lem hết, không thể nhớ lại có những sự kiện gì mà chỉ chạy thế thôi”.

Thế nhưng, theo nữ nhà văn, thời kỳ đó, con người ta sống đơn giản hơn, không tham lam, tính toán, "vì mọi người chung điểm đến, công việc, chung nguy hiểm, chung ước vọng về hòa bình". Nữ nhà văn nhìn thấy một hệ lụy khác khi con người bước ra khỏi chiến trường. "Cuộc chiến tranh hết rồi, lại mở ra những ngày không vui vẻ gì. Mỗi người có những đau khổ riêng. Người miền Bắc đi theo đoàn, trên rừng họ có cái lãng mạn của thanh niên miền Bắc thời đó. Nhưng họ vào đến thành phố một cái là đổi khác ngay. Đời sống cá nhân bị đè nén, thiếu thốn lâu, những dục vọng cá nhân nổi dậy, nó biến đổi hẳn cảm giác của tôi về con người".

Dù vậy, theo Minh Khuê, hết bom đạn, hết chiến tranh là điều hết sức cần thiết.

"Không có ngày 30/4, không biết còn những chuyện bi thảm gì xảy ra", nữ nhà văn nói.

Từ chiến trường đến trang viết

Những trải nghiệm giúp Bảo Ninh, Chu Lai, Nguyễn Văn Thọ hay Lê Minh Khuê có góc nhìn đa diện về cuộc sống người lính, chiến trường, từ đó đi sâu vào những số phận cụ thể. Nhà văn Nguyễn Văn Thọ có 50 truyện ngắn, thì tới hơn 20 truyện về chiến tranh. Ông nói:

“Trong trận chiến, qua tay tôi khoảng 700 người đã chết. Tôi cũng chứng kiến có trận đánh hàng nghìn người chết một lúc. Bởi thế, tôi không chỉ nhìn từ một mặt anh hùng ca. Chiến tranh có những hiện thực đau buồn mà người trải qua như tôi không bỏ qua được”.

Chiến tranh không bao giờ là ngày hội

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ.

Đối với nhà văn Chu Lai, chiến tranh là một đề tài màu mỡ, càng khai thác càng phì nhiêu. Đề tài về chiến tranh chỉ chiếm một nửa số lượng tác phẩm của ông. Nhưng cảm hứng về chiến tranh vẫn là thứ cảm hứng mạnh mẽ nhất. Chu Lai quan niệm:

"Số phận con người gắn liền với số phận dân tộc, số phận người lính gắn liền với số phận cuộc chiến. Nhà văn làm lạc đi, méo đi là có tội với con người, là xúc phạm đến phẩm hạnh dân tộc".

Những năm tháng trên chiến trường cũng được nhà văn Lê Minh Khuê tái hiện trong nhiều tác phẩm.

"Chiến tranh mà viết khơi khơi về những trận đánh, chiến dịch thì đơn giản, dù thực ra chiến tranh nó chỉ thế, hai bên xông vào nhau. Nhưng hệ lụy của cuộc chiến thì lâu dài. Sự chịu đựng ăn sâu trong các gia đình và mỗi con người Việt Nam".

Tác phẩm Nhiệt đới gió mùa của Lê Minh Khuê khai thác câu chuyện đau đớn, khi hai người anh em trong một gia đình ở hai đầu chiến tuyến, phải trả thù nhau. Trên hết, thông điệp của tác phẩm là thù hận cần phải được hóa giải dần.

"Thù hận có giải quyết được gì đâu. Chả nhẽ lại có một cuộc chiến tranh nữa?", bà nói.

Nhà văn Bảo Ninh chia sẻ, trong một lần trò chuyện với Kim Lân, ông được cố nhà văn dạy một điều giản dị:

"Anh là cựu binh, vậy hãy dồn tâm lực viết về đời bộ đội và cuộc chiến tranh đã từng trải, nhưng phải gắng viết cho hay và nên nhớ, viết về chiến tranh, máu lửa, đời lính tức là viết về hòa bình, về tình yêu thương, về lòng nhân đạo và đức khoan dung".

Hoàng Anh - Thu Hiền

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục

Đi xe SH mới là đẳng cấp

"Trên thế giới chẳng còn nước nào quan tâm đến xe hai bánh, nó chỉ được coi là phương tiện 'thể thao nguy hiểm'. Ở ta vẫn quan trọng hóa vấn đề, rằng nó thể hiện đẳng cấp của người đi, thật...

Xem thêm  

10 status ấn tượng trong tuần trên Facebook

'Già rồi hãy sống và làm những điều mình yêu thích, đơn giản vì mình không còn nhiều thời gian', Kỳ Duyên viết. Status số 1 "Người đàn ông mang đến hoa hồng chỉ để vui chứ không nên quá coi trọng....

Xem thêm