Đối với trẻ em cũng như người lớn, sự đa dạng luôn là gia vị của cuộc sống. Vì thế mẹ không những phải đảm bảo chế độ ăn uống cho trẻ có cả món chính và món tráng miệng, mà cần phải cho bé ăn nhiều loại thức ăn khác nhau như thịt đỏ, thịt gia cầm, cá, các loại rau và trái cây, ngũ cốc…
1. Chất đạm (Protein)
Protein là yếu tố cấu tạo nên hệ cơ, da và các cơ quan trong cơ thể. Trong chế độ ăn, nó giúp cơ thể thay thế và tái tạo lại các tế bào. Chất này đặc biệt quan trọng đối với trẻ nhỏ vì ở độ tuổi này, trẻ đang trong giai đoạn phát triển liên tục.
Protein còn giúp các vết thương lành nhanh, cân bằng chất lỏng và axit trong cơ thể. Trong 2 năm đầu đời, 50% protein trong khẩu phần ăn của bé được sử dụng để phát triển, 50% còn lại được dùng để duy trì các mô và cơ. Đến năm 3 tuổi, 11% lượng protein thu nạp được dùng để phát triển cơ thể.
Chất đạm có nhiều trong thức ăn có nguồn gốc động vật như thịt, cá, sữa, trứng, tôm, cua…và thức ăn có nguồn gốc thực vật như đậu, đỗ, lạc, vừng, gạo…
Trong bữa ăn hàng ngày, cần cân đối tỷ lệ chất đạm có nguồn gốc động vật và thực vật. Ở trẻ lứa tuổi mầm non tỷ lệ đạm động vật/đạm tổng số cần đạt ở mức từ 50 – 70% (tùy theo lứa tuổi).
Thịt cung cấp chất đạm hằng ngày cho bé (Ảnh minh họa)
2. Chất béo
Trong 6 tháng đầu, cần cung cấp chất béo cho trẻ thông qua sữa mẹ. Sau 6 tháng bé bước vào độ tuổi ăn dặm thì thức ăn cần được bổ sung trực tiếp chất béo do đây là nguồn cung cấp năng lượng dồi dào cho cơ thể trẻ, là thành phần của màng tế bào và mô não và giúp hấp thu các chất hòa tan trong dầu như vitamin A, D, E, K…
Năng lượng do chất béo cung cấp trong tổng năng lượng khẩu phần của bé dưới 6 tháng tuổi là 45-50%, bé 7-11 tháng tuổi cần 40%, bé 1-3 tuổi là 35-40%.
Chất béo nguồn gốc động vật gồm: sữa mẹ, mỡ, sữa, bơ, lòng đỏ trứng…Thực phẩm có nguồn gốc thực vật có hàm lượng lipid cao là dầu thực vật, lạc, vừng, đậu tương, hạt điều, hạt dẻ, cùi dừa…
3. Canxi
Canxi là thành phần thiết yếu của tổ chức xương và răng. Nhu cầu canxi ở trẻ em rất cao vì cần cho quá trình cốt hóa, phát triển chiều cao. Canxi còn tham gia vào quá trình đông máu, điều hòa hoạt động thần kinh, hoạt động của cơ bắp...
Thực phẩm giàu can xi là sữa và các chế phẩm của sữa (bơ, pho mát), một số loại ngũ cốc (hạt lúa mì, ngô, mạch) đậu đỗ, tôm, cua, cá, một số loại rau có màu xanh thẫm.
4. Chất sắt
Sắt cần thiết cho tất cả mọi người, nhưng đối với trẻ em sắt vô cùng quan trọng, vì trẻ em là đối tượng dễ bị thiếu sắt nhất do nhu cầu tăng cao, nhu cầu sắt ở trẻ còn bú mẹ tăng gấp 7 lần so với người lớn tính theo trọng lượng cơ thể.
Vai trò quan trọng nhất của sắt là cùng với protein tạo thành huyết sắc tố (hemoglobin) vận chuyển ôxy cho nên thiếu sắt dẫn đến thiếu máu dinh dưỡng là bệnh phổ biến ở trẻ em.
Để bé hấp thu đủ chất sắt, mẹ nên bổ sung vào bữa ăn những nguồn cung cấp như đậu, bánh mì, thịt bò, hải sản, gia cầm, các loại rau có lá xanh sậm. Để bé hấp thụ chất sắt tốt hơn, mẹ cũng cần kết hợp với các loại thực phẩm giàu vitamin C.
Một số phủ tạng động vật (tim, gan, thận, tiết) chứa nhiều chất sắt nhưng cũng chứa nhiều cholesterol, do vậy chỉ nên ăn 1-2 lần mỗi tuần.
Tổng hợp mẹo chăm con để "mùa đông không ốm"
Cách bảo quản đồ ăn dặm không mất chất
Mẹ đoảng cho con ăn cháo dinh dưỡng
Lỗi dinh dưỡng mẹ hại con “lùn tịt”
5. Chất bột đường
Chất bột đường hay còn gọi là glucid là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể, tạo đà tốt cho sự phát triển của trẻ, 1gam glucid cung cấp 4 Kcal. Glucid tham gia cấu tạo nên tế bào, các mô và điều hòa hoạt động của cơ thể.
Nguồn thực phẩm cung cấp chất bột đường chủ yếu từ ngũ cốc (gạo, bột mì, ngô, khoai, sắn, mì sợi, miến…), các loại hoa quả tươi có vị ngọt (chuối, táo, xoài, cam, củ cải đường …), đường, mật, bánh, kẹo...
6. Vitamin A
Vitamin A có vai trò trong quá trình tăng trưởng, giúp trẻ phát triển bình thường, tham gia vào chức năng nhìn, bảo vệ đôi mắt, chống bệnh quáng gà và khô mắt, bảo vệ niêm mạc và da; tăng sức đề kháng của cơ thể, chống lại các bệnh nhiễm trùng.
Thức ăn có nguồn gốc động vật có nhiều vitamin A như trứng, sữa, cá, thịt, gan lợn, bầu dục, tôm…
Thức ăn có nguồn gốc thực vật như rau có màu xanh đậm (rau ngót, muống, dền, diếp, xà lách…) và các loại củ quả có màu vàng, da cam (gấc, cà rốt, bí đỏ, quả chín như xoài, đu đủ, hồng…) có chứa nhiều beta caroten – là tiền chất của vitamin A, khi vào cơ thể tạo thành vitamin A.
Vitamin A có vai trò trong quá trình tăng trưởng, giúp trẻ phát triển bình thường, tham gia vào chức năng nhìn, bảo vệ đôi mắt (Ảnh minh họa)
7. Vitamin C
Vitamin C tham gia vào rất nhiều chức năng sinh lý bảo đảm cho sự phát triển và hoạt động của cơ thể; làm tăng sức đề kháng, giúp cơ thể phòng chống bệnh tật, nhất là các bệnh nhiễm trùng; tham gia vào quá trình tạo máu…
Mẹ nên bổ sung vào bữa ăn của con những thực phẩm có chứa nhiều vitamin C như: cam, quýt, bưởi, ổi chín, đu đủ, xoài, dây tây; và các loại rau xanh (bắp cải, súp lơ, rau bia, rau ngót, rau muống…).
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet