Khả năng và nỗ lực là 2 yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến kết quả học tập của một đứa trẻ. Vì vậy, khen khả năng (chẳng hạn như “con thật thông minh”) và khen nỗ lực (chẳng hạn như “con chăm chỉ lắm”) cũng là điều cha mẹ cần phải chú ý. Đâu mới thực sự là một lời khen tốt nhất dành cho trẻ?
Khen ngợi về khả năng đem lại sự tiêu cực cho trẻ
Theo một cuộc khảo sát quy mô lớn tại Mỹ, 85% các bà mẹ tin rằng, việc khen ngợi khả năng có thể làm tăng động lực và sự tự tin của trẻ. Tuy nhiên, trên thực tế, việc càng khen con cái thông minh có thể khiến chúng sợ hãi trước những nhiệm vụ khó khăn và dễ dàng bỏ cuộc khi gặp thất bại.
Trong 20 năm qua, giáo sư Carol S. Dweck, nhà tâm lý học tại Đại học Stanford, Mỹ, đã thực hiện rất nhiều thí nghiệm tâm lý để chứng minh rằng, khen ngợi khả năng có tác động tiêu cực đến sự phát triển nhận thức, cảm xúc và hành vi của trẻ.
Khen ngợi khả năng có thể làm giảm sự quan tâm của một đứa trẻ đối với các vấn đề chúng đang gặp phải. 2 nhà tâm lý học Randy Sitz và Amy Dresscoll nói rằng, trẻ em sinh ra có tâm lý muốn học hỏi bẩm sinh, việc khen ngợi khả năng có thể bóp nghẹt động lực tự nhiên bên trong chúng, đẩy chúng tới chỗ học thuộc lòng, học vẹt.
Khi cha mẹ sử dụng “lời khen khả năng” để khiến trẻ tham gia vào một hoạt động hoặc phát triển một kỹ năng nhất định, lời khen sẽ trở thành lý do rõ ràng cho việc trẻ làm chỉ vì muốn được khen.
Việc khen ngợi khả năng có thể khiến trẻ quy kết thành công của mình là nhờ các yếu tố năng lực bẩm sinh, chẳng hạn như “con đạt điểm cao vì thông minh”. Tuy nhiên, khi gặp thất bại, chúng sẽ đưa ra những kết luận ngược lại khả năng của mình, chẳng hạn như “con không đạt điểm cao vì quá ngu ngốc”.
Sự khác biệt về trí thông minh tiềm ẩn
Khái niệm về trí thông minh tiềm ẩn được chia thành sự kiên cố trí tuệ và sự phát triển trí tuệ.
Trong số đó, những đứa trẻ có quan điểm về sự kiên cố trí tuệ sẽ cho rằng, trí thông minh là bẩm sinh và cố định, còn những đứa trẻ có quan điểm về sự phát triển trí tuệ sẽ cho rằng, trí thông minh có thể tăng lên thông qua nỗ lực của bản thân.
Khái niệm về trí thông minh tiềm ẩn là một hệ thống niềm tin rất quan trọng đối với trẻ em, nó ảnh hưởng một cách tinh vi đến hành vi của trẻ.
Nghiên cứu tâm lý đã phát hiện ra rằng, việc “khen ngợi khả năng” liên tục có xu hướng khiến trẻ giữ quan điểm cố chấp về trí thông minh. Chúng sẽ đặc biệt chú ý đến việc đánh giá khả năng của bản thân để chứng tỏ chúng "thông minh".
Khen ngợi về nỗ lực sẽ mở rộng những giới hạn của trẻ, khiến trẻ tin mình có thể vượt qua những giới hạn của bản thân. Thuyết giá trị bản thân tin rằng, điều con người sợ nhất không phải là thất bại, mà là phải đổ lỗi cho năng lực thấp kém của mình sau thất bại. Để tìm lý do biện minh cho thất bại của mình, họ sẽ tìm ra những lý do đã chuẩn bị sẵn, các nhà tâm lý học gọi đó là "sự tự giới hạn".
Cha mẹ nên khen ngợi như thế nào cho đúng?
Việc khen ngợi cần có số lượng và mức độ phù hợp. Nếu khen ngợi quá nhiều, giá trị của lời khen sẽ bị giảm sút, tác dụng mong đợi cũng sẽ không đạt như kỳ vọng. Vì vậy, cha mẹ nên khen ngợi con một cách thích hợp.
Đồng thời, cha mẹ không nên khen ngợi quá mức. Nếu trẻ rõ ràng cư xử không tốt nhưng cha mẹ lại muốn khen ngợi trẻ thì điều này sẽ gây áp lực tâm lý cho chúng, cảm thấy bản thân không xứng đáng được khen hoặc ảo tưởng bản thân là nhất.
Các nguyên tắc cơ bản của khen ngợi và phê bình là như nhau. Trong quá trình khen ngợi, cha mẹ nên chỉ ra nỗ lực của trẻ, việc chúng cố gắng như thế nào để hoàn thành mục tiêu hơn là khen ngợi về sự thông minh.
Lời khen nên càng cụ thể càng tốt, mang tính hướng dẫn nhiều hơn cho sự phát triển của trẻ.
Việc khen ngợi nên tránh tạo ra những tình huống cạnh tranh, chẳng hạn như so sánh với “con nhà người ta” hoặc so sánh với chị em trong nhà. Điều này sẽ dẫn tới tâm lý bất an, phản kháng ở trẻ, tác động xấu tới sự phát triển của chúng.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet