Vợ chồng chị đã hai lần tham gia các khóa học nuôi dạy con, nhưng về nhà vẫn chưa thống nhất được vì... không đi học cùng nhau.
Chị Minh (quận 12, TP HCM) cũng đang cảm thấy khó khăn trong việc áp dụng các phương pháp dạy con của Glenn Domann cho con gái đầu lòng. Bé mới 1 tuổi rưỡi, chị mua một bộ thẻ về cho con học. Tuy nhiên, chị đi làm cả ngày, tối vẫn phải check mail kiểm tra công việc, không có thời gian dành cho con. Anh chồng thì không đủ kiên nhẫn ngồi tráo đi tráo lại từng tấm thẻ cho bé.
“Có lẽ mình phải thuê gia sư về dạy bé, dù quan điểm của Glenn Doman là dạy trẻ học qua những tấm thẻ không chỉ giúp trẻ có kiến thức mà còn là cách để cha mẹ giao tiếp và gắn bó với con", chị Minh nói.
Mỗi đứa trẻ là một cá tính, một hoàn cảnh, cha mẹ nên cân nhắc lựa chọn phương pháp nuôi dạy phù hợp. Ảnh: BT. |
Tình trạng cha mẹ lúng túng trước rất nhiều phương pháp nuôi dạy con như chị Minh, chị Diệp không phải là hiếm tại Việt Nam, đặc biệt ở những thành phố lớn, nơi có rất nhiều lớp học làm cha mẹ.
Trong một buổi sinh hoạt của Hội quán các bà mẹ mới được tổ chức ở TP HCM, một bà mẹ đang mang bầu hy vọng sau này nuôi dạy con theo phương pháp của người Mỹ để con độc lập và có chính kiến. Một ông bố có con gần 3 tuổi cho biết sẽ áp dụng cách của người Do Thái để con thông minh, của người Mỹ để con tự lập và theo quan điểm của người Nhật để con luôn thấy hạnh phúc.
Thạc sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy, người đang làm nghiên cứu sinh với đề tài nuôi dạy con từ 0 đến 6 tuổi liệt kê hiện nay, tại Việt Nam tồn tại rất nhiều xu hướng nuôi dạy con: theo kiểu Nhật Bản, Mỹ, Do Thái, Glenn Doman, Montessorri… Mỗi phương pháp đều có ưu điểm riêng đáng để học tập.
Phương pháp của người Nhật là đề cao hạnh phúc của cha mẹ khi nuôi dạy trẻ, giúp con tự tin thông qua việc ghi nhận ưu điểm, tôn trọng sở thích cá nhân, chú ý đến sự đánh giá bản thân của đứa trẻ. Phương pháp này cũng nhấn mạnh đến việc yêu chiều chứ không phải là nuông chiều đứa trẻ, ví dụ muốn con ngủ ngoan, mẹ có thể bế cho đến lúc bé yên tâm ngủ say mới đặt xuống.
Phương pháp của người Do Thái chú ý tạo ra những đứa trẻ có trí thông minh vượt trội, tôn thờ trí tuệ, dạy con yêu sách, cho con học ngoại ngữ, học kinh thánh từ nhỏ, 3 tuổi con được nhận biết tiền và 5 tuổi con đã biết kiếm tiền…
Phương pháp của người Mỹ thì cố gắng tạo ra những đứa trẻ độc lập trong tương lai bằng việc ngay từ khi ra đời, bé đã được tập cho ngủ riêng, ngã tự đứng dậy, tự đi du lịch, tất cả đều dựa vào chính mình…
Nhưng dù là phương pháp nào, dù đề cao cá nhân như người phương Tây hay yếu tố cộng đồng gia đình như người phương Đông thì các phương pháp đều chú trọng giáo dục đạo đức cho trẻ, ví dụ trẻ em Mỹ được quan tâm giáo dục văn hóa ứng xử nơi công cộng: biết lịch sự, biết xếp hàng, chờ đến lượt mình. Trẻ em Do Thái được dạy lao động từ sớm, được dạy hòa đồng với bạn bè, trí tuệ phải được phát triển trong mối quan hệ hài hòa với người khác.
Và bản thân phương pháp nuôi dạy truyền thống của người Việt Nam cũng rất chú trọng dạy đạo đức cho con như: tiên học lễ hậu học văn, coi trọng đạo đức lễ giáo, sống có tình nghĩa, chăm chỉ lao động. "Tiếc rằng hiện nay, đây lại là lỗ hổng trong giáo dục ở nhiều gia đình Việt Nam", thạc sĩ Thúy nhận xét.
Việc lựa chọn cách dạy con nào là quyền của mỗi bố mẹ, tuy nhiên, phương pháp đó có phù hợp với môi trường sống xung quanh bé là điều bố mẹ nên cân nhắc. Chuyên gia giáo dục nhắc nhở phụ huynh không được quên con mình là người Việt, nói tiếng Việt, giao tiếp và tương tác trong môi trường, văn hóa Việt Nam. Thành công sau này của con sẽ phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ với xung quanh.
Thạc sĩ Thúy phân tích, dạy con tự lập là điều cần thiết. Tuy nhiên, trong xã hội Việt Nam, áp dụng phương pháp dạy con tự lập của người Mỹ có thể tạo lên những đứa trẻ tự tin thái quá, dẫn đến tự kiêu, trẻ sẽ không tuân theo các luật lệ, quy ước của gia đình, xã hội. Và nuôi dạy con theo kiểu Mỹ, bố mẹ cũng phải hình dung và chấp nhận tương lai về già của mình có thể là viện dưỡng lão.
Ngoài ra, khi chọn phương pháp nuôi dạy con, bố mẹ phải để ý đến tính cách của con. Có những cách giáo dục tốt với đứa trẻ này nhưng lại nguy hại với đứa trẻ khác. Mỗi đứa trẻ có một cá tính, hoàn cảnh sống riêng nên không có một phương pháp tối ưu nào cho tất cả phụ huynh. Thậm chí ngay trong một nhà, hai đứa con là hai tính cách khác nhau. Cùng là mắng con, nếu một đứa trẻ tự tin, bị mắng có thể khiến nó ngoan hơn, nhưng một đứa trẻ nhút nhát, nếu bị mắng, bé sẽ càng thu mình như vỏ ốc.
Để có một phương pháp giáo dục phù hợp với con mình, thạc sĩ Thúy đưa ra công thức 5W + 1H. Theo đó, cha mẹ cần trả lời được những câu hỏi: Ai - Con là ai, cha mẹ là ai?/ Tại sao - Dạy con với mục đích gì, mong muốn con sẽ trở thành người như thế nào?/ Cái gì - Nội dung dạy là gì?/ Khi nào - Thời điểm dạy, ví dụ nên dạy chữ khi nào, học kỹ năng sống thì phải học qua trải nghiệm/ Ở đâu - Ở gia đình, tốt nhất là trước lúc đi ngủ 30 phút/ Như thế nào - Cách dạy nào là phù hợp nhất với bé.
Và dù dạy con theo phương pháp nào cũng cần sự thống nhất của các thành viên trong gia đình, tránh tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược.
Khi áp dụng các phương pháp dạy con, cha mẹ đừng bao giờ bỏ qua sự nhạy cảm của bản thân. Nếu thấy không phù hợp với con thì hãy mạnh dạn dừng lại đừng vì thấy người khác làm được mà mình phải cố tiếp thu, biến đổi.
Kim Kim
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet