Bất cứ ông bố bà mẹ nào đang nuôi nấng và chăm sóc con nhỏ đều sẽ nhận thấy có những khoảng thời gian trẻ sơ sinh đặc biệt khó chịu, hay gắt gỏng, quấy khóc và khiến bố mẹ mệt mỏi vô cùng. Khái niệm “Tuần Khủng khoảng” (The wonder weeks ) – do hai bác sĩ Nhi khoa người Hà Lan Hetty van de Rijt và Frans Plooij nghiên cứu và thành lập – đã ra đời, nhằm dự báo những tuần lễ “bỗng dưng khó ở” của trẻ, giúp các bậc phụ huynh biết trước được sự thay đổi trong tâm trạng, hành vi, cảm xúc của con mình và có cách chăm sóc trẻ cho phù hợp, giảm bớt áp lực, căng thẳng trong chuyện nuôi con.
Dưới đây là các mốc “khủng hoảng” ở trẻ mà cha mẹ cần biết:
Tuần thứ 5
Bé yêu đang trong giai đoạn “thức tỉnh”, trở nên tỉnh táo hơn và chú ý đến thế giới xung quanh bé hơn. Vì thế, bé có cảm giác choáng ngợp và “khó ở” hơn hẳn là điều dễ hiểu.
Giai đoạn này, bé sẽ đặc biệt quấy khóc vào thời điểm từ 5 đến 10 hoặc 11 giờ tối (vì thế quãng giờ này còn có tên là “giờ ma thuật”). Mẹ sẽ cần cho bé ăn thường xuyên hơn vào buổi tối và vỗ về, vuốt ve bé nhiều hơn. Bé còn có thể sẽ trải qua giai đoạn tăng trưởng nhảy vọt (grow spurt) – giai đoạn bé tăng trưởng rất nhanh về vóc dáng, đòi ăn và quấy khóc rất nhiều.
Tuần thứ 8-9
Bé đang bắt đầu nhận ra và thực hiện một số hành vi lặp đi lặp lại. Có thể bé sẽ di chuyển cánh tay qua lại hoặc nhắc đi nhắc lại những âm thanh trong miệng.
Chính việc tò mò khám phá khiến bé trở nên khó ổn định để đi vào giấc ngủ, do đó, hãy tạo một môi trường ngủ thật thân thiện với bé: tắt hết ánh sáng và giữ yên tĩnh tối đa. Tuy nhiên, chính vì bé đang học lặp lại các động tác nên giai đoạn này cũng là thời cơ tốt để rèn cho bé thói quen ngủ theo lịch trình đều đặn. Hãy cho bé đi ngủ theo những khung giờ cố định và giống nhau trong tất cả các ngày.
Khái niệm “Tuần Khủng khoảng” (The Wonder Weeks) dự báo những tuần lễ “bỗng dưng khó ở” của trẻ, giúp các bậc phụ huynh biết trước được sự thay đổi trong tâm trạng, hành vi, cảm xúc của con mình. (Ảnh minh họa)
Tuần thứ 12
Việc di chuyển của bé trở nên nhịp nhàng và khéo léo hơn. Bé còn bắt đầu nhận ra những thay đổi của thế giới xung quanh mình và việc lặp đi lặp lại của những sự thay đổi đó (ví dụ như những lần máy sấy tóc được bật lên rồi lại tắt đi, những lần mẹ ra vào phòng)
Trẻ hoạt động nhiều hơn hẳn và do đó, lịch ngủ của trẻ cũng bị xáo trộn. Trẻ có thể sẽ không cần được quấn tã vì đã có “trò mới”: lật người từ lưng sang bụng.
Tuần thứ 15-19
Trẻ nhận ra nguyên nhân và ảnh hưởng của các sự vật xung quanh, nhờ đó mà có thể phán đoán kết quả. (chẳng hạn như bé bắt đầu nhận ra, nếu bé đánh rơi món đồ chơi này, nó sẽ rơi xuống đất còn bố sẽ đến và nhặt lên cho bé)
Mẹ chưa kịp hài lòng vì giờ giấc ngủ của bé đã vào nếp được bao lâu thì đã phải đối mặt với giai đoạn bé tiếp tục ngủ thất thường này. Lúc này, bé cũng có thể trải qua thêm một giai đoạn tăng trưởng nhảy vọt nữa.
Tuần thứ 23-26
Trẻ bắt đầu có nhận thức về khoảng cách, thế giới trở nên rộng lớn và có rất nhiều điều bé cần phải khám phá. Vì thế mà giai đoạn này bé bắt đầu lăn, trườn, bò.
Bé sẽ có cảm giác lo lắng, bất an khi thấy mẹ đi xa mất, vì thế mà việc dỗ bé đi ngủ trở nên khó khăn hơn.
Tuần thứ 33 -37
Bé có những tiến bộ lớn trong việc di chuyển, bò tốt hơn, đứng thẳng dễ hơn và có thể tập bước với sự hướng dẫn của những người lớn. Do đó, giấc ngủ của bé cũng bị ảnh hưởng nhiều. Bé học các thói quen mới rất nhanh nên mẹ cần tránh tạo ra bất cứ thay đổi nào trong giấc ngủ của trẻ, khiến bé càng ít ngủ hơn.
Tuần thứ 42-46
Bé bắt đầu có những bước tiến mới trong các công việc đơn giản như mặc quần áo, ăn cơm,...
Tuần thứ 52-55
Bé dần thể hiện sở thích cá nhân, chẳng hạn như thích đi tất hồng chứ không thích đi tất xanh. Vì sở thích cá nhân và tính cách độc lập bắt đầu bộc lộ nên việc đưa bé đi ngủ trưa và ngủ tối có thể gặp rất nhiều khó khăn và mẹ cần chuẩn bị sẵn tinh thần trước những cơn ăn vạ, chống đối của bé.
Tuần 61-64
Trẻ giai đoạn này tiếp thu rất nhanh từ những phản ứng của bố mẹ đối với hành động của chúng. Do đó, cha mẹ cần phải đưa ra những thông điệp chính xác, thiết lập khuôn khổ và đưa bé vào nề nếp. Vấn đề ngủ của trẻ không chỉ đơn thuần còn là chuyện đi ngủ nữa mà đã trở thành vấn đề làm thế nào để rèn bé đi vào kỉ luật.
Tuần 72-76
Trẻ đã biết thay đổi hành vi và thái độ cho phù hợp với các hoàn cảnh khác nhau. Đó là lí do vì sao bạn lại thấy con có thể rất ngoan ngoãn, dễ bảo khi ở bên cô trông trẻ nhưng lại hay cau có, quấy khóc khi ở bên bố mẹ.
Trẻ được 17-18 tháng rất dễ xảy ra hiện tượng “ăn vạ”. Dỗ trẻ đi ngủ thường rất mệt mỏi, đòi hỏi bố mẹ phải cương quyết và kiên nhẫn. Hãy “lên dây cót” tinh thần cho giai đoạn này vì đây có thể là thời điểm “khó nhằn” nhất.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet