Gia đình đưa cháu vào Bệnh viện Xanh Pôn cấp cứu trong tình trạng tỉnh nhưng kích thích, nôn nhiều. Kết quả siêu âm, chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính sọ não bé không thấy tổn thương đặc biệt.
Trẻ ngã cao thường bị đa chấn thương đe dọa tính mạng, tổn thương rất nặng có thể gặp như chấn thương sọ não, vỡ tạng, tổn thương lồng ngực, gãy cột sống... Trường hợp may mắn như cháu bé trên đây là rất hiếm gặp.
Thời gian gần đây có nhiều trẻ bị ngã cao, gặp tai nạn do các bậc phụ huynh để con chơi một mình ngoài tầm quan sát, hoặc cho trẻ ở nhà một mình rồi tranh thủ đi chợ hay ra ngoài làm một việc gì đó.
Theo các chuyên gia tâm lý và y tế, trẻ em ở mỗi độ tuổi có sự trưởng thành khác nhau nên luôn luôn cần có sự giám sát của người lớn. Không thể để trẻ dưới 6 tuổi ở nhà một mình hay tự chơi một mình. Trẻ từ 6 đến 10 tuổi có thể chơi độc lập nhưng cũng rất nguy hiểm khi ở nhà một mình. Trẻ từ 10 đến 16 tuổi có thể tự ở nhà, song bố mẹ cần phải chuẩn bị cho trẻ tinh thần sẵn sàng ở nhà một mình và biết đối phó với những tình huống khẩn cấp. Người lớn đồng thời có biện pháp giám sát trẻ thông qua các phương tiện như điện thoại, nhờ hàng xóm thăm hỏi...
Biểu hiện trẻ có khả năng ở nhà một mình:
- Trẻ ở độ tuổi đi học, thường từ 10 đến 16 tuổi.
- Có ý thức tự làm bài tập ở nhà khi được thầy cô giao bài; có ý thức hoàn thành công việc khi được bố mẹ giao như dẹp dọn nhà cửa, làm các việc vặt.
- Hiểu và làm đúng những lời bố mẹ dặn.
- Bình tĩnh khi xảy ra các tình huống bất ngờ. Biết cách xử lý các tình huống khẩn cấp như gọi điện thoại cho bố mẹ khi bị ốm đau, gọi cứu hỏa, gọi cứu thương...
- Có khả năng phán đoán tình hình, nhất là những tình huống có thể phát sinh rủi ro.
- Tự biết sơ cứu khi chảy máu, biết ngâm tay vào nước khi bị bỏng...
- Biết cách tránh và đề phòng những người lạ.
Bác sĩ Trần Văn Phúc
Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet