Đường đến trường đầy chông gai
Những ngày này, gia đình ông Trương Phú Một (xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) vừa mừng vừa lo khi đứa con trai cả Trương Hùng Anh (SN 1990) đỗ đại học. Ông Một chia sẻ: “Là bậc cha mẹ, con đỗ đại học là mừng. Nhưng, Hùng Anh bị khuyết tật, không biết vào môi trường đại học có theo kịp bạn bè hay không?”.
Giọng hiu hắt, ông Một kể, may mắn trở về từ chiến trường rồi kết hôn với bà Trần Thị Lệ Hương. Ngày vợ mang thai, ông mừng vô kể. Thế nhưng, ngày Hùng Anh được sinh ra đời, người cha cảm thấy buồn và thương vô hạn. Buồn bởi di chứng chiến tranh in hằn lên đứa con trai, thương vì con bị mắc chứng bại não, tay chân co quắp…
Hùng Anh cùng em trai
Giấu nỗi buồn vào trong, vợ chồng ông cố gắng nuôi Hùng Anh nên người. Sau đó, bà Hương sinh thêm hai người con là Trương Ánh Diệu và Trương Phước Thiện. Thiện cũng ảnh hưởng di chứng chất độc da cam, không thể đi lại được, tất cả mọi hoạt động đều phải nhờ người thân. Riêng Diệu, chỉ ảnh hưởng nhẹ, sức khỏe bình thường và rất thông minh.
Ngày Diệu đến trường, Hùng Anh cũng đòi đi theo. Ông Một thương con, đến trường xin cho Hùng Anh đi học. Thầy cô thấy cậu bé bị bại não nên ái ngại nhưng vẫn chấp thuận. Hùng Anh vui vẻ đến trường nhưng con chữ trở nên bất trị. Dù cố gắng, cậu vẫn không chinh phục được những nét chữ ngoằn ngoèo. Sau cùng, cậu đành bỏ ngang mơ ước.
Hàng ngày, Hùng Anh chỉ ở trong bốn bức tường, chăm sóc đứa em út. Dù khó khăn, nhưng cậu vẫn cố tạo niềm vui cho em. Dù vậy, khao khát đến trường vẫn in hằn trong tâm trí cậu.
Năm Diệu bước lên cấp 2, Hùng Anh lại ngỏ ý muốn được đến trường. Một lần nữa, ông Một đến trường THCS Trần Qúy Cáp (xã Điện Bàn) xin cho con trai vào học. Ban giám hiệu đồng ý cho Hùng Anh vào học dự thính nhưng không có học bạ.
Hùng Anh tỏ ra là học sinh thông minh. Cậu hào hứng với các môn tự nhiên, đặc biệt môn toán. Bất kể bài toán nào khó, không giải được ở nhà, cậu lại lăn tăn, cố gắng tìm được đáp án. Riêng các môn xã hội cậu học không được tốt.
Được đến trường nhưng chữ viết vẫn là một thử thách rất lớn đối với Hùng Anh. Do tay chân quặt quẹo, cậu không thể viết kịp bài ở trường. Sau mỗi buổi học, cậu lại mượn vở của bạn, mang về nhà nhờ mẹ chép lại để học. “Các môn văn, lịch sử… tôi chép rồi đọc thì có thể hiểu đôi phần rồi giảng lại cho con. Riêng môn tiếng Anh, tôi chẳng biết gì nên chỉ chép theo vở của bạn con”, bà Hương thành thật.
Tốt nghiệp cấp 2, con đường đến trường của Hùng Anh có nguy cơ phải dừng lại vì không có học bạ. Ông Một thương con, viết bức tâm thư gửi đến ban giám hiệu trường THPT Nguyễn Duy Hiệu. Cảm nhận được tấm lòng hiếu học của Hùng Anh cũng như tình thương bao la của người cha, nhà trường chấp thuận để cậu vào học lớp thường.
Không khuất phục số phận
Chỉ trong vài tháng, Hùng Anh đã chinh phục được thầy cô. Cậu luôn là một trong những học sinh đạt điểm cao nhất các môn tự nhiên ở trong lớp. Sang năm 11, cậu được đặc cách vào lớp chuyên. Được sự công nhận của mọi người, cậu càng cố gắng hơn.
Lên cấp 2, trường và nhà gần nhau, bà Hường có thể đưa con đến lớp. Riêng cấp 3, trường cách nhà hơn 10 km. Hàng ngày, bà Hương dẫn con ra đường lớn xin xe đến trường. Nhiều hôm, người đi đường ái ngại vì bệnh tật không chấp nhận cho đi. Cả hai mẹ con chỉ biết rơm rớm nước mắt.
Em Hà Anh Khánh ở cùng xã, thấy vậy rất cảm động. Một hôm, Khánh đề nghị, từ nay sẽ tự nguyện chở Hùng Anh đến trường. Từ đó, gánh nặng đường xa vơi đi phần nào. Đồng thời, tình cảm của đôi bạn ngày càng thắm thiết. Sau mỗi giờ học, Hùng Anh giảng lại các bài toán khó cho bạn.
Dù tật nguyền, Hùng Anh vẫn không khuất phục số phận
Cùng khoảng thời gian này, Diệu đỗ vào trường đại học Y dược Huế. Diệu trở thành tấm gương và là động lực cho Hùng Anh đến trường. Cậu đặt ra mục tiêu phải đậu đại học, sau này có thể tự kiếm tiền nuôi bản thân để sống không cần dựa dẫm vào người khác.
Tổng kết lớp 12, Hùng Anh đạt số điểm rất cao: Toán 9,3; Lý 9,4 và Hóa 7,2. Thầy cô tâm sự, cậu học các môn tự nhiên tốt, nhưng chữ viết rất khó đọc, chỉ những người quen mới có thể nhận dạng được. Giáo viên lo sợ nếu thi tốt nghiệp chung, rọc phách, cơ hội của nam sinh tật nguyền không có.
Do đó, bà Hương có ý định xin đặc cách cho con trai vào đại học. Hùng Anh biết được, không đồng tình. Cậu cho rằng, đã học là phải thi. Điểm dù cao hay thấp thì cũng là của mình. Nếu, không đủ điểm đậu vào trường đại học thì sẽ học cao đẳng hoặc trung cấp.
Hùng Anh vẫn ôn bài đi thi. Tổng điểm các môn khối A của cậu là 19,95 điểm. Cùng với hai điểm cộng, cậu đậu vào ngành công nghệ thông tin trường đại học Bách khoa Đà Nẵng.
Từ ngày biết con trai đậu đại học, ông Một không tài nào ngủ được. Bởi ông lo, không biết giúp đỡ con trai bằng cách nào, đồng thời lấy tiền đâu cho con bước vào giảng đường. Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông đến trường đại học Bách khoa Đà Nẵng trình bày hoàn cảnh của mình, đồng thời ngỏ ý muốn xin việc làm. Sau khi xem xét, ban giám hiệu đồng ý nhận ông làm nhân viên giữ xe cho sinh viên. Nhờ đó, ông vừa có thu nhập nuôi Hùng Anh lại vừa kế cận, giúp đỡ con.
Ông Trương Phú Hòa (Trưởng thôn Nhị Dinh 3, xã Điện Phước) cho biết, gia đình ông Một là một trong những hộ nghèo của địa phương. Mặc dù hoàn cảnh khó khăn, có hai đứa con bị tật nguyền nhưng gia đình này vẫn cố gắng cho các con đến trường. Hiện chính ông Hòa cũng lo lắng trong thời gian tới không biết gia đình ông Một sẽ lấy tiền đâu cùng lúc nuôi hai đứa con học đại học.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet