Chia sẻ về phương pháp "Đẻ không đau" tại một lớp học tiền sản do Hội quán các bà mẹ TP HCM tổ chức, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc cho rằng, từ lâu trong dân gian câu “mang nặng, đẻ đau” đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác khiến các bà mẹ không muốn tin cũng không được.
Có một thời ở Âu Mỹ người ta giúp bà bầu tránh sự đau đớn khi sinh nở bằng cách đánh thuốc mê, mổ hoặc can thiệp lấy đứa bé ra. Phương pháp này đúng là không gây đau nhưng hiện nay một số bà mẹ phản đối. Họ không muốn có một đứa con “từ trên trời rơi xuống” như vậy nữa. Họ muốn chính mình sinh ra con, muốn được đau bụng, được rặn và nếm trải cảm giác “xổ lồng”... Để rồi sau đó có đứa con mũm mĩm nằm bên cạnh bú vú mẹ kêu "chùn chụt" thú vị như thế nào.
Các thai phụ tham gia lớp học "Đẻ không đau" do Hội quán các bà mẹ TP HCM tổ chức. Ảnh: Thi Ngoan. |
Theo bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, để làm được như thế, đầu tiên thai phụ cần hiểu rằng sinh đẻ là chuyện bình thường và là chức năng sinh lý của người phụ nữ, do đó không có gì nghiêm trọng. Đây không phải là chuyện dơ bẩn đến phải “trốn” hàng tháng trong buồng tối, hay phải giấu giếm lúc giặt phơi quần áo. Nó cũng không phải là chuyện sợ hãi đến nỗi lo lắng quá đáng, không đau cũng cố tỏ vẻ đau.
Cách sinh nở tự nhiên của phụ nữ Việt Nam được các bác sĩ đánh giá rất cao và là mong ước của nhiều bà mẹ ở các nước tiên tiến. Tuy nhiên, trên thực tế một bộ phận người Việt ccòn xem chuyện sinh đẻ là bí mật, xấu xa, ghê gớm. Chẳng hạn người ta không dám cho bà bầu ở trong nhà vì sợ "xui", hoặc không cho thai phụ đi dự một số sự kiện trọng đại...
Các bác sĩ sản khoa khẳng định, khi bà bầu được học tập, hiểu biết quá trình sinh nở diễn tiến ra sao, biết rõ về bản thân mình, về đứa con thì họ sẽ không còn lo âu sợ hãi. Thậm chí họ còn mong mỏi đến ngày được nhìn thấy mặt đứa con yêu càng sớm càng tốt. Nghĩ như thế, tâm lý chị em sẽ thoải mái, cảm thấy việc mang thai không còn nặng nề và sinh nở không còn là nỗi ám ảnh.
Những "người mẹ lạc quan" như thế sẽ cảm thấy mang thai không nặng, là vì lúc có mang họ khỏe mạnh, ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ, chứ không phải nặng nề theo cách hiểu trước đây. Thai phụ vẫn tiếp tục công việc bình thường, vừa sức, trừ trường hợp đe dọa sẩy thai hay có ý kiến của thầy thuốc khuyên. Họ vẫn đi lại, chơi thể thao nhẹ, tập thể dục với các động tác nhẹ nhàng.
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc lưu ý thai phụ như sau:
- Từ tháng thứ 8 trở đi, thai phụ nên có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, giữ vệ sinh thân thể tốt, mặc thoáng mát, rộng rãi, chú ý chăm sóc răng, có sâu răng thì phải chữa sớm. Nên ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn nhiều chất sắt (rau muống, đậu que, đậu đũa, rau dền, mè….) để bổ máu cho cả mẹ lẫn con. Ăn nhiều chất calcium (trứng gà, vịt, tôm, cua…). Cần phải đảm bảo thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc xuất xứ.
- Thận trọng khi dùng thuốc, càng ít dùng thuốc càng tốt trừ trường hợp có ý kiến của bác sĩ. Thay vì uống thuốc xổ để chữa táo bón thì nên vận động ăn rau củ, trái cây.
- Không cần tập thói quen uống thuốc bổ thai, dưỡng thai, rượu bổ. Không nên nghe theo những lời khuyên kiêng kỵ như: ăn cua sinh ngang, ăn thỏ sinh trẻ sứt môi…
- Chuẩn bị cho con bú mẹ: Lau rửa đầu vú mỗi ngày, xoa bóp nhẹ ở núm vú, kéo nhẹ núm vú ra nếu núm thụt lõm vào. Khi có sữa non, nặn ra vài giọt rửa đầu núm và cũng là cách thông tia sữa về sau. Khi bé sinh ra thì cho bú ngay vì sữa non rất quý, có khả năng chống bệnh tốt.
- Bà mẹ lên cân chừng 10 đến 12 kg trong thai kỳ là vừa. Khi thấy lên cân đột ngột hay phù cần phải đi khám bệnh ngay. Tốt nhất nên khám thai định kỳ ở trạm xá hộ sinh hoặc một cơ sở y tế.
Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, bà bầu ở TP HCM có thể tham dự buổi nói chuyện "Mang không nặng, đẻ không đau" vào 9h sáng ngày 23/3 tại 126 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP HCM. Bác sĩ Nguyễn Ban Mai (Bệnh viện phụ sản Từ Dũ) sẽ hướng dẫn kiến thức chăm sóc mẹ và con, dinh dưỡng cho thai phụ, chuẩn bị những gì trước giờ vượt cạn... Chuyên gia huấn luyện thiền và yoga Tố Hải sẽ hướng dẫn các mẹ thực hành các động tác thiền giúp ích cho quá trình sinh nở.
Thi Ngoan
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet