Theo tin từ bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), mới đây, một bé gái 10 tháng tuổi bị ngã vào xô nước được đưa đến viện trong tình trạng thiếu oxy não nặng, tổn thương phổi.
Được biết, trong lúc ngồi trông con, người cha đã ngủ quên, đến khi tỉnh dậy thì thấy bé đã ngã úp mặt vào xô nước. Ngay lập tức, người cha đưa con đến bệnh viện huyện Đa khoa khu vực Hóc Môn (TP.HCM) cấp cứu. Dù được các bác sĩ tại bệnh viện tích cực bóp bóng thở và chuyển đến bệnh viện Nhi Đồng 1 nhưng bệnh nhi vẫn không qua khỏi.
Thời gian vàng để cứu trẻ
Trả lời báo chí, BS. Đinh Tấn Phương (Trưởng khoa Cấp cứu, bệnh viện Nhi Đồng 1) cho hay: “Thời gian vàng để cứu trẻ ngập đầu vào nước chỉ 5 phút. Qua thời gian này, dù có cứu trẻ sống được thì hậu quả để lại cũng rất nặng nề như bị chết não, mất ý thức. Nếu quá 10 phút sẽ không thể cứu chữa. Vì vậy, quan trọng nhất là khâu sơ cứu tại chỗ.
Trẻ ngạt nước cần phải đặt nằm ngửa đầu lên, bóp ngạt, hồi sức hiệu quả như phải ấn đúng vị trí, chiều sâu của tim 100 lần/phút. Khi ấn thấy mạch trung tâm ở nách nảy lên là biết đã ấn đúng. Khi ấn tim, người lớn phải chú ý ấn trên lồng ngực và xương ức, tùy theo lứa tuổi để tránh làm gãy xương sườn của trẻ. Trong thời gian ấn tim, cha mẹ phải kết hợp hà hơi thổi ngạt cung cấp oxy lên não để bảo toàn tính mạng cho trẻ.
Trong quá trình đưa trẻ đến bệnh viện cũng cần phải liên tục hô hấp nhân tạo để cung cấp đủ oxy cho não hoạt động. Nếu quá 5 phút không được hô hấp thì rất khó cứu chữa".
Bác sĩ mô phỏng cách hô hấp cứu trẻ bị ngưng thở.
Các bác sĩ cảnh báo, số trẻ tử vong do ngã vào xô nước, chết ngạt ngay tại nhà đang gia tăng. Nước ta đang ở mùa nắng nóng nên trẻ tập đi hay tìm đến nước, chỉ cần cha mẹ lơ là vài phút đã không thể cứu được.
Lưu ý tại nạn phòng tắm dễ xảy ra với trẻ
Theo ghi nhận của PV báo Người Đưa Tin, bệnh viện Nhi Trung ương cũng đang điều trị cho một trẻ ở Hà Nội bị đuối nước trong bồn tắm. Sau 15 phút gia đình mới phát hiện và đưa con nhập viện cấp cứu. Tuy nhiên, hiện cháu bé đang rơi vào tình trạng nguy kịch, tiên lượng xấu.
Bác sĩ khuyến cáo, nước trong bồn tắm có thể trở thành nơi vui đùa nhưng cũng rất dễ khiến bé bị mất thăng bằng và rơi xuống nước, gây nguy hiểm. Vì thế, tốt nhất là nên có chậu tắm hoặc bồn tắm riêng cho bé, không nên cho bé sử dụng bồn tắm của người lớn.
Đừng để bé rời tầm mắt của bạn khi đang trong bồn tắm. Hãy chuẩn bị đầy đủ mọi thứ trước khi tắm cho con để không phải chạy ra chạy vào lấy đồ. Khi không tắm cho bé nữa, bạn cần đảm bảo chắc chắn là bồn tắm không có nước.
Dù có bất cứ việc gì, cha mẹ cũng tuyệt đối không để bé ngồi một mình trong nhà tắm vì bé rất dễ gặp phải những tai nạn thương tích đáng tiếc như ngã úp mặt xuống chậu nước.
Với các bé lớn hơn, mỗi lần cho các bé vào phòng tắm, mẹ có thể dạy cho bé chủ động phòng chống tai nạn thương tích trong nhà tắm bằng việc giải thích cho bé công dụng của những thứ thông thường, chẳng hạn như: Xà phòng được dùng để rửa tay, các chất tẩy rửa được dùng để giặt quần áo, vệ sinh bồn cầu… Dạy con cách nhận biết những vật dụng trong nhà sẽ giúp bé sử dụng đúng để không bị tai nạn gây thương tích.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet