Nội dung

Ngày 30/5, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị Ban chỉ đạo nhà nước về du lịch. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp.

Báo cáo về tình hình du lịch Việt Nam trong thời gian qua, ông Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, năm 2013 tình hình trên thế giới diễn biến phức tạp với  những nhân tố khó lường, kinh tế thế giới phục hồi chậm và còn nhiều biến động, vấn đề biển đảo tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương diễn ra gay gắt, nhiều quốc gia mất ổn định chính trị. Tuy nhiên, du lịch thế giới vẫn giữ mức độ tăng trưởng 5%.

Xu hướng tăng trưởng liên tục về lượng khách quốc tế là cơ hội cho tất cả các điểm đến, nhất là điểm đến có nhiều tiềm năng phát triển du lịch như Việt Nam. Vấn đề đặt ra là các điểm đến phải khai thác có hiệu quả và phát huy được tài nguyên du lịch, tạo sự khác biệt và có chiến lược, biện pháp quản lý phù hợp để duy trì và tăng cường sức mạnh cạnh tranh bền vững. Ngành du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, một số yếu tố mới góp phần tác động không thuận lợi đối với phát triển du lịch như lệ phí visa tăng, mức giá dịch vụ du lịch cao so với các nước trong khu vực.

Các tỉnh hiến kế phát triển du lịch trước căng thẳng biển đông

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (giữa) chủ trì hội nghị Ban chỉ đạo nhà nước về du lịch. 

“Tình hình căng thẳng tại biển Đông từ đầu tháng 5 sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam và có những hành động khiêu khích đã tạo ra nhiều diễn biến phức tạp. Du lịch là ngành kinh tế nhạy cảm, ngay lập tức đã chịu ảnh hưởng nặng nề của tình hình trên và chịu thiệt hại lớn từ các tác động trực tiếp lẫn gián tiếp”, ông Tuấn cho hay.

Theo đó, lượng khách du lịch Trung Quốc vào Việt Nam bằng đường bộ qua các cửa khẩu quốc tế như  ở tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng thời gian qua hầu như không còn. Các hãng lữ hành Trung Quốc đã thông báo hủy toàn bộ các tour đưa khách trung quốc vào Việt Nam bằng đường không; thị trường khách nói tiếng Trung như Hong Kong, Đài Loan cũng khuyến cáo người dân không sang Việt Nam du lịch. Các thị trường du lịch khác cũng có nhiều ảnh hưởng. Một số công ty báo cáo đã có khoảng hơn 30% lượng khách đoàn hủy tour, thị trường Asean có dấu hiệu sụt giảm khách đến từ Malaysia, Indonesia, Singapore…

“Nếu không có các giải pháp nhạy bén, kịp thời và đúng hướng, chắc chắn du lịch Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do sụt giảm lượng khách nghiêm trọng”, ông Tuấn nói.

Lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề xuất với Chính phủ các giải pháp ứng phó như tạm dừng các hoạt động xúc tiến quảng bá tại Trung Quốc, điều chuyển ngân sách quảng bá sang một số thị trường trọng điểm khác, tăng cường nắm bắt tình hình, đẩy mạnh công tác truyền thông, chuyển hướng thị trường để bù đắp sự sụt giảm khách từ Trung Quốc, khuyến khích các tour khuyến mại, kích cầu.

Về lâu dài sẽ chủ động xây dựng kế hoạch quản lý rủi ro, xây dựng phương án chuyển hướng thị trường du lịch quốc tế, đẩy mạnh các hoạt động kích cầu du lịch nội địa, tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách vào Việt Nam du lịch…

"Cần định hướng lại thị trường du lịch, tăng cường quảng bá xúc tiến trong thời gian tới nhằm bù đắp sự sụt giảm từ khách Trung Quốc, phát triển thị trường Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc. Quan hệ với hai quốc gia này đang rất tốt, hai thị trường này đông khách và khả năng chi tiêu lớn", ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, có ý kiến.

Ông Dũng cũng cho biết Hà Nội đang có kế hoạch với Hiệp hội Du lịch Việt Nam khai thác tối ưu thị trường Nhật Bản, mở văn phòng đại diện tại Nhật Bản. Ngoài ra còn đưa ra các sản phẩm phù hợp để thu hút một số thị trường như Singapore, Czech, Hungary, Nga....

Cũng tại hội nghị, một số ý kiến cho rằng việc sụt giảm lượng khách Trung Quốc không đáng lo ngại, bởi công dân nước này đến Việt Nam trước đây tuy đông nhưng thường đi theo tour hạng trung và chi tiêu không nhiều, vì thế doanh thu từ thị trường này chưa phải là lớn. 

"Nên chọn lựa một số hội chợ uy tín, tổ chức roadshow, mời các đoàn farm trip, khuyến khích các doanh nghiệp tích cực tham gia kích cầu du lịch trong nước, giảm giá nhưng không giảm chất lượng, tiếp tục tạo thuận lợi về việc cấp visa, đầu tư sâu vào các thị trường tiềm năng", đại diện của TP HCM phát biểu ý kiến.

Đại biểu này cũng cho rằng cần tập trung vào thị trường Trung Đông. Đây là thị trường có thu nhập cao, có tiềm năng nhưng chúng ta vẫn chưa đầu tư. Ngoài ra cần quảng bá du lịch trong lòng các thị trường du lịch như Ấn Độ, Indonesia...

Kết luận tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng ngành du lịch những năm qua đã có những bước phát triển đáng kể, sự việc biển Đông gần đây đã khiến cho ngành du lịch bị ảnh hưởng xấu. 

"Bằng những biện pháp cụ thể, nhất định không để doanh thu du lịch ảnh hưởng nhiều, bị sụt giảm trong năm nay. Đương nhiên trong thời điểm này là khó khăn nhưng phải quyết tâm, bù lại bằng những việc khác", Phó Thủ tướng nói.

Ông cũng yêu cầu Bộ giải quyết dứt điểm những việc mình chưa làm tốt như taxi dù, hàng lậu, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, giao thông, visa...

Anh Phương

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục

Thành viên mới cần lưu ý khi phượt.

Đối với mình phượt là những chuyến đi thú vị trải nghiệm thực tế để giải thoát tinh thần chứ không phải phượt để hành xác. Các bạn phải biết tôn trọng bản thân và sức khỏe của mình đi...

Xem thêm  

Phượt Đất Mũi - Cà Mau

Là người Cà Mau, sinh ra và lớn lên nơi tận cùng tổ quốc vậy mà chưa một lần mình đặc chân tới đất mũi vì vậy sáng hôm đó mình nói với bà xả "2 đứa mình đi Đất Mũi" "Thiệt hả anh, khi nào...

Xem thêm  

8 lưu ý cho chuyến đi gia đình.

Trên nước ảnh cũ, hình ảnh xe đẩy bán hàng rong, gánh quà vặt, sạp ăn ven đường giúp bạn khám phá nhiều điều thú vị về ẩm thực vỉa hè Sài Gòn của thế kỷ trước. ​​Qua khung ảnh xưa, hình...

Xem thêm  

Đi phượt Phú Quốc bạn cần biết?

Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất Việt Nam nằm ở phía nam của tổ quốc. Là một huyện đảo thuộc tỉnh Kiên Giang, có nhiều đảo lớn nhỏ nằm rải rác xung quanh đảo chính Phú Quốc. Du lịch Phú Quốc...

Xem thêm