Nội dung
Bô y tê khuyên cao nhưng điêu ngươi dân cân lam đê phong chông cum

Ảnh minh họa

Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C. Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch ..., bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.

Dịch cúm bùng phát tại Hoa Kỳ

Vi rút cúm mùa lưu hành ở hầu hết trên thế giới và thỉnh thoảng bùng phát thành những đợt dịch nhưng ít khi bùng phát thành các đợt dịch lớn. Tuy nhiên, theo thông báo ngày 26/01/2018 của Trung tâm Dự phòng và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (USCDC), trong những tuần cuối năm 2017 và đầu năm 2018, một đợt dịch cúm đã bùng phát tại 49/50 bang của Hoa Kỳ. Tính từ 01/10/2017 đến 20/01/2018 đã ghi nhận 11.965 trường hợp xác định mắc cúm và phải nhập viện. Trong đó có 37 trường hợp tử vong, trong đó riêng tuần thứ 3 của năm 2018 đã ghi nhận 7 trường hợp trẻ em tử vong.

Các trường hợp mắc trong thời gian qua tập trung chủ yếu ở người trên 65 tuổi (183,1/100.000 dân), tiếp đó là 50-64 tuổi (44,2/100.000 dân) và trẻ em 0-4 tuổi (27,0/100.000 dân). USCDC nhận định tình hình dịch cúm mùa trong năm 2017-2018 sẽ nghiêm trọng tương tự như đợt dịch năm 2014-2015 với ước tính có tới 710.000 trường hợp phải nhập viện và trên 43 triệu người có biểu hiện hội chứng cúm.

Trong số 1.445 trường hợp người lớn có các biểu hiện nặng, có 71,8% số trường hợp có các bệnh nền nặng như bệnh tim mạch, rối loạn chuyển hóa, béo phì và bệnh phổi mạn tính. Trong số 148 trường hợp trẻ em có các biểu hiện nặng, có 56,1% số trường hợp có các bệnh nền nặng như hen phế quản, rối loạn thần kinh và béo phì.

Phân tích theo các chủng vi rút cúm, tỷ lệ mắc cúm A là 88,7%, cúm B là 10,8%, 0,2% đồng nhiễm cúm A, B, và 0,3% không xác định phân típ. Trong số trường hợp mắc cúm A, có 86,4% là chủng cúm A(H3N2) và 13,6% là chủng cúm A(H1N1). Như vậy các trường hợp mắc đều nhiễm các chủng vi rút cúm mùa đã lưu hành trong những năm vừa qua. Kết quả xét nghiệm về sự kháng thuốc cho thấy, các chủng vi rút hầu hết đã kháng với nhóm adamantanes, tuy nhiên vẫn còn nhạy cảm với các thuốc oseltamivir, zanamivir và peramivir.

Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Hiện nay, các cơ quan chức năng của Hoa Kỳ đang triển khai các biện pháp quyết liệt để giảm sự lây lan của dịch cúm mùa trong cộng đồng bao gồm cả việc tiêm vắc xin phòng bệnh cúm mùa và khuyến nghị người dân có biểu hiện cúm nên chủ động theo dõi sức khỏe tại nhà để hạn chế lây lan cho người khác; tuy nhiên không khuyến khích việc đóng cửa trường học.  

Việt Nam là nước lưu hành các chủng vi rút cúm mùa và hàng năm vẫn ghi nhận khoảng gần 2 triệu trường hợp mắc hội chứng cúm. Theo kết quả giám sát của các điểm giám sát trọng điểm quốc gia, các chủng vi rút cúm mùa ở nước ta cũng chủ yếu gồm cúm A(H3N2), cúm A(H1N1) và cúm B. Hiện chưa phát hiện thấy chủng vi rút cúm mới hay sự đột biến nào làm tăng độc tính, gây kháng thuốc ở các chủng vi rút cúm lưu hành trên người.

Để chủ động phòng chống cúm mùa, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:

         1. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

          2. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.

         3. Tiêm vắc xin cúm mùa phòng bệnh.

         4. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.

         5. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Bô y tê khuyên cao nhưng điêu ngươi dân cân lam đê phong chông cum

Ảnh minh họa

Bộ Y tế yêu cầu khẩn trương phòng chống cúm

Theo Cục Y tế dự phòng -  Bộ Y tế, trong những tháng cuối năm 2017 và đầu năm 2018, tình hình dịch cúm trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Tại Trung Quốc tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc cúm A/H7N9, bùng phát dịch cúm mùa tại Mỹ và cúm A/H1N1 tại Triều Tiên.

Hiện nay, tình hình bệnh cúm tại nhiều địa phương trong nước cũng đang có xu hướng gia tăng, số trường hợp mắc bệnh cúm nhập viện đang gia tăng tại một số bệnh viện tuyến cuối.

Trước tình hình đó, để chủ động phòng bệnh cúm, không để lan rộng kéo dài, quá tải bệnh viện cũng như tình trạng lây chéo trong bệnh viện, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố khẩn trương đẩy mạnh việc tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh cúm; phát hiện sớm, cách ly, điều trị tại nhà, đến cơ sở y tế khi có diễn biến nặng.

Người dân hạn chế đến chỗ đông người khi có dịch để phòng lây lan, khi phải tiếp xúc với người bệnh cần đeo khẩu trang; Tăng cường vệ sinh cá nhân, che miệng khi ho, nâng cao thể trạng để phòng bệnh; chủ động tiêm vắcxin phòng bệnh cúm với các chủng đã có vắcxin.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở điều trị tổ chức tốt công tác phân luồng khám bệnh; thu dung cách ly, cấp cứu, thiết lập khu vực riêng để điều trị cho người bệnh cúm; thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, không để lây chéo trong bệnh viện.

Các cơ sở điều trị phát hiện sớm và điều trị tích cực các trường hợp diễn biến nặng, lấy mẫu và xét nghiệm để phát hiện kịp thời các tác nhân cúm độc lực cao; Kiểm soát chặt và chỉ định dùng thuốc kháng virus, tránh tình trạng khan hiếm ảo và tình trạng kháng thuốc.

Ngành y tế các địa phương phối hợp sở Giáo dục và Đào tạo, Ban quản lý các khu công nghiêp hỗ trợ các doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục vào đào tạo phát hiện sớm người mắc cúm, trong trường hợp cần thiết có thể cho người lao động, sinh viên, học sinh nghie làm, nghỉ học để cách ly điều trị tránh lây lan…

Bên cạnh đó, phối hợp cơ quan thú y và các đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ các ổ dịch cúm trên gia cầm, xử lý triệt để khi phát hiện ổ dịch, không để lây lan sang người và kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển gia cầm ốm, chết nhập lậu qua biên giới để phòng tránh bệnh cúm gia cầm.

Ngoài ra, các cơ sở y tế phải chuẩn bị đầy đủ, hỗ trợ kịp thời vật tư, trang thiết bị, thuốc, hóa chất để sẵn sàng thu dung điều trị và triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh.

Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục

Cách dùng chất béo với bệnh tim mạch

Bệnh tim mạch là một trong số những bệnh hay gặp của “thời hiện đại” và cuộc sống đô thị hóa.  Căn bệnh đó cũng liên quan rất mật thiết với chế độ ăn uống. Chất béo trong khẩu phần ăn đóng một vai trò đặc biệt.

Xem thêm  

Trúc Diễm khoe da trắng mịn màng

Chiều qua (10/11/2013) người đẹp Trúc Diễm đã góp mặt trong buổi tọa đàm về trò chơi giải trí trên thiết bị di động được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trúc Diễm lựa chọn mẫu trang phục...

Xem thêm  

Cách lựa chọn thực phẩm khôn ngoan

Để đảm bảo sức khoẻ, mỗi người cần phải biết chọn cho mình thức ăn phù hợp với tình trạng dinh dưỡng, sức khoẻ, điều kiện kinh tế, sở thích. Lựa chọn phù hợp Phù hợp với...

Xem thêm