"Trẻ càng cá biệt, càng côn đồ... thì càng cần được yêu thương" là một trong những thông điệp ý nghĩa được thạc sĩ Hoàng Khắc Hiếu (Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) truyền tải thông qua bộ ảnh đáng suy ngẫm về cách mà chúng ta cư xử với trẻ con hằng ngày.
Ngay từ khi mới đăng tải, bộ ảnh đã nhận được rất nhiều sự hưởng ứng của người xem vì thông điệp và tính nhân văn mà nó mang đến. Bộ ảnh gồm 11 bức hình được thầy Khắc Hiếu thực hiện nhân dịp lễ Quốc tế Thiếu nhi 1/6. Mỗi bức hình như một lát cắt của cuộc sống, mang đến một câu chuyện, một dẫn chứng sinh động về cách đối xử của người lớn dành cho trẻ nhỏ.
Được xây dựng trên sự tương phản, bộ ảnh nhằm làm nổi bật sự “không công bằng” mà không ít người lớn dành cho trẻ nhỏ. Họ có thể: “sẵn sàng chơi game cả tiếng, facebook hàng giờ mà chẳng có thời gian chơi với em mình một phút” hoặc “vượt cả chục km vui sướng đi đón “gấu” nhưng lại bực bội đến tận tế bào khi phải đi vài km để đón em”…
Trong những bức ảnh của mình, thầy Hiếu cũng không quên đưa ra những lời khuyên về cách giáo dục con cái. Đó là: “la mắng để giáo dục, trách phạt để răng đe, đừng đánh trẻ con để ta hả giận”, hay như “trẻ càng cá biệt, càng côn đồ, càng quậy phá càng cần được yêu thương, đừng để các em chìm sâu vào cái hố mang tên cá biệt”.
Theo thầy Hiếu, nhân cách trẻ con là kết quả dạy dỗ của gia đình, giáo dục của nhà trường, ảnh hưởng từ xã hội. Dù có “xấu xa” thế nào, xét đến tận cùng, trẻ con cũng chỉ là những nạn nhân. Cuối cùng, thầy Hiếu đưa ra lời khuyên sâu sắc: “Đừng bao giờ để công việc làm tổn thương con, tiền không thể lấp đầy trái tim của chúng. Thời gian cũng không thể nào xóa sạch những ký ức đau thương như việc giặt sạch một vết bùn vây trên áo trắng. Hãy quan tâm em mình thay vì quan tâm game hay facebook, hãy chăm sóc con mình thay vì mải miết phục vụ những người không thật sự quan trọng với mình. Bạn bè thì có nhiều, công việc mất đi thì có thể tìm lại, nhưng đứa con ấy, ta chỉ có một mà thôi. Trẻ con sinh ra là để người lớn chúng ta học cách yêu thương”.
Được xây dựng trên sự tương phản, bộ ảnh nhằm làm nổi bật sự “không công bằng” mà không ít người lớn dành cho trẻ nhỏ.
Bộ ảnh được thực hiện nhân ngày quốc tế thiếu nhi sắp tới. 11 bức hình là 11 cung bậc cảm xúc thay lời muốn nói của người anh, người chị với những đứa em.
Theo thầy Hiếu, món quà này như một lời hối lỗi của anh, chị vì đôi lúc vô tâm, bỏ mặc em mình. Hình ảnh minh họa ngộ nghĩnh do chính giảng viên ĐH Sư phạm TP HCM và bạn bè thực hiện.
“La mắng để giáo dục, trách phạt để răng đe, đừng đánh trẻ con để ta hả giận”
Đừng bao giờ để công việc làm tổn thương con, tiền không thể lấp đầy trái tim của chúng.
Thời gian cũng không thể nào xóa sạch những ký ức đau thương như việc giặt sạch một vết bùn vây trên áo trắng.
Sau khi xem xong bộ ảnh, nhiều bạn đã có những bình luận riêng về cách cư xử hằng ngày của mình đối với em út trong nhà. Hằng Lê viết: “Em có một thằng em trai, nó bướng lắm. Nhiều lúc nó làm em phát điên lên, nhưng em biết mình là chị thì phải yêu thương em. Nếu mình có đánh mắng thì cũng chỉ làm nó bướng thêm thôi. Lúc đó nó lại càng không phục mình. Phải dùng tình yêu thương của mình để khuyên nhủ, dạy bảo nó. Để làm được điều đó em nghĩ mình phải kiên nhẫn nữa. Bộ ảnh này như tiếp thêm niềm tin cho em, để em có thể làm tốt vai trò người chị trong gia đình”.
Lan Phương thì bình luận: Em thấy giờ đây không chỉ bố mẹ mà ngay cả anh chị cũng bận rộn hơn với công việc của mình. Họ không dành thời gian cho trẻ con nữa. Nhiều người cảm thấy phiền khi chơi cùng trẻ con. Em nghĩ, trẻ con sinh ra là để được yêu thương và không chỉ yêu thương chúng vào mỗi ngày 1/6. Vẫn còn nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, cần được sự quan tâm nhiều hơn của xã hội. Vì vậy, hãy yêu thương trẻ bằng cả tấm lòng. Nếu chúng ta dành cho chúng tình yêu thương thật sự thì chắc chắn sẽ nhận về cho mình những điều tốt đẹp.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet