Là một bà mẹ đang nuôi con nhỏ, tôi thường xuyên phải nghe ngóng đủ loại thông tin trái chiều, tốt có, xấu có từ những vụ việc về chất lượng sữa – nguồn thực phẩm quan trọng số 1 cho trẻ. Cún con gái tôi, mới tròn 13 tháng mà đã phải đổi tới…5 loại sữa. Một đứa trẻ mới hơn 1 tuổi đã trở thành ‘nhà thẩm sữa..bất đắc dĩ' cho những lỗ hổng đáng sợ trong khâu sản xuất, kiểm duyệt của các hãng sữa và các cơ quan chức năng. Cứ mỗi một lần tôi và Cún quyết tâm ‘gắn bó cuộc đời’ với một loại sữa, y như rằng sẽ có một vụ ‘scandal’ xảy ra. Đến bây giờ thì tôi đã thực sự ‘bó tay’. Tôi chẳng còn biết phải chọn sữa gì cho con.
Sữa ngoại xách tay
Ngay từ khi mới sinh bé Cún, tôi chưa kịp quyết định gì thì đã thấy mẹ chồng liên tục nhắc nhở phải mua sữa ngoại, mà đặc biệt là sữa Nhật, sữa Pháp cho con. “Người Nhật thông minh lắm, họ là nước tiên tiến, luôn có quá trình kiểm duyệt và yêu cầu rất khắt khe với chất lượng sữa bột – nguồn dinh dưỡng quan trọng sẽ nuôi sống chính con cháu họ. Đắt một tí nhưng con khỏe con thông minh, con ạ” mẹ chồng tôi ân cần dặn dò. Nhìn xung quanh mình, bạn bè tôi ai ai cũng dùng sữa ngoai, chê hàng nội. Tôi nào ‘dám’ không cho con không được bằng bạn bằng bè. Nhỡ nó uống sữa nội, sau không thông minh, chân không dài…lại quay ra trách mẹ. Tôi quyết định lao vào vòng xoáy sữa ngoại.
Cùng là sữa được sản xuất ở nước ngoài, nhưng sữa đi theo con đường xách tay sẽ được đảm bảo chính xác là sản xuất theo tiêu chuẩn dành cho trẻ em nước ngoài. Chính vì thế, cùng một nhà sản xuất nhưng sữa xách tay được tôi và chồng ưa chuộng hơn cả. Đương nhiên, tốt thì cũng kèm theo đắt. Một hộp sữa cùng hãng, nếu nhập chính ngạch có giá khoảng 470.000 VNĐ thì nếu xách tay, tôi thường phải trả thêm xấp xỉ 100.000 VNĐ.
Đắt là vậy nhưng mới dùng được đến hộp thứ hai, tôi giục chồng đi mua thì cô bé bán hàng thản nhiên nói ‘Hết hàng chị ơi. Phải tuần sau mới có chuyến. Mà bên đấy cũng khan hàng lắm rồi’. 10h tối, con khóc đòi sữa, tôi cùng chồng đi gõ cửa từng hàng xách tay, gọi điện cho hàng chục số điện thoại bán hàng trên mạng, không một nơi đâu có hàng. Mãi đến khi tôi tưởng như bỏ cuộc, thì chồng tôi cũng tìm được một địa chỉ xách tay nói là có sữa. Mừng như bắt được vàng, hai vợ chồng hồ hởi đến mua. Hộp sữa đã bị bật nắp bảo vệ, méo mó nhưng người bán hàng vẫn khăng khăng đảm bảo với chúng tôi là hàng xịn, do xách tay về nên bị xô lệch vậy thôi. Ở vào thế cùng đường, tôi đành mua về cho Cún uống mà vừa pha vừa run. Lên mạng tìm hiểu, được biết rất nhiều hàng sữa xách tay nguồn gốc mập mờ, bị tẩy ‘date”, tráo hộp. Tôi sợ quá, quyết định thôi từ nay ‘tạm biệt’ sữa xách tay.
Sữa nhập khẩu
Cùng là sữa ngoại nhưng ít nhất có công ty nhập khẩu về, xem chừng hàng hóa ổn định, lại được thêm một lần kiểm duyêt, hẳn sẽ ‘ngon lành’. Tôi quyết định chuyển cho Cún sang dùng sữa dê của Pháp, do một công ty nhập khẩu ở Việt Nam làm trung gian. Cún có vẻ hợp sữa, con uống liền một tuần 2, 3 hộp. Tôi mừng lắm.
Ấy vậy mà một ngày đẹp trời, tôi lên mạng và ‘tá hỏa’ khi nhìn thấy những thông tin về loại sữa ‘thân yêu’ tôi hay cho con uống hàng ngày, hóa ra không phải là sữa. Giá nhập có mấy chục mà thành bán mấy trăm. Tôi lại như quay cuồng trong sự vụ cãi nhau về chuyện thế nào là sữa, thế nào là thực phẩm bổ sung. Quay ra nhìn cô con gái, tôi như chết điếng vì hóa ra bao lâu nay, tôi đã cho con ăn loại sữa không đủ chất dinh dưỡng. Xót tiền thì một mà xót con thì mười. Tôi vô cùng bất bình và bức xúc trước những sự mập mờ thông tin gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.
Vậy là lần thứ hai, tôi phải đổi sữa cho Cún.
Thực phẩm bổ sung lại 'trá hình' thành sữa? (ảnh minh họa)
Sữa ngoại sản xuất tại Việt Nam
Mất niềm tin vào các công ty nhập khẩu sữa nhưng vẫn cố gắng muốn cho con uống sữa ngoại. Tôi quyết định chuyển sang dùng sữa sản xuất tại Việt Nam của công ty Abbott Hoa Kỳ. Vậy nhưng sự đời trớ trêu hay do số tôi xui xẻo, con gái mới uống được nửa hộp thì tôi hay tin sữa bột Similac gainplus EyeQ của hãng Abbott dính nghi vấn nhiễm khuẩn gây liệt cơ.
Ngày hôm đó thì không đẹp trời tẹo nào cả. Cơn bão “sữa bột nhiễm khuẩn của công ty Abbott” làm ‘tê tái’ lòng tôi. May mắn thay, số lô sữa dưới đáy hộp sữa của con tôi không phải là 1 trong 10 lô sữa được công ty yêu cầu thu hồi. Vậy nhưng, liệu có bậc phụ huynh nào dám ‘can đảm’ dùng tiếp hộp sữa đó. Tôi biết, hành động của công ty Abbott là hoàn toàn đúng đắn. Thay vì ỉm đi, họ đã dũng cảm công bố yêu cầu thu hồi sữa kém chất lượng của chính công ty mình vì sức khỏe của trẻ em Việt Nam. Tuy nhiên, sữa có thể thu hồi, nhưng sức khỏe của các con, liệu có ai đảm bảo đây?
Công ty nơi tôi làm viêc như xảy ra một ‘cơn bão’ mới. Hàng loạt các bà mẹ tỏ ra nghi ngờ sữa của mình đang dùng cho con. Họ lo lắng, liên tục gọi điện về nhà yêu cầu kiểm tra mã số lô sữa. Những chị em không dùng sữa của Abbott thì ngay lập tức vào website của công ty Forterra, các site của những hãng sữa có sản phẩm phân phối tại Việt Nam để kiểm tra xem họ còn cung cấp bột đạm whey cho những đối tác nào. Các hãng sữa thân thuộc của một số bạn bè tôi lại liên tục phát đi những thông tin nhằm trấn an dư luận, những tin nhắn đến từng số máy cá nhân để khẳng định công ty họ không sử dụng sản phẩm của Forterra.
Buồn bã, tôi lại vứt đi hộp sữa Similac mới mua.
Sữa nội
Biết chọn sữa gì cho con (ảnh minh họa)
Sữa nội liệu có ‘lên ngôi’ sau scandal này? Liệu tôi có ‘nên duyên’ với loại sữa này không? Bỏ qua nhưng tin đồn về sữa có đỉa, sữa vón cục, sữa có mốc, thậm chí là công nhân dùng…xẻng để xúc sữa, hôm nay, tôi vừa chọn cho con một dòng sữa khá phổ biến của một hãng sữa chiếm thị phần lớn nhất thị trường. Tuy nhiên, trái với mong đợi của tôi. Cún nhất định không uống, con còn khóc ầm lên và liên tục nhè sữa. Lấy làm lạ, tôi nếm thử bình sữa mới pha của con. Sữa quá ngọt. Có lẽ, con gái tôi đã quen dùng loại sữa nhạt của nước ngoài, giờ đây, khi phải uống sữa nội, với hàm lượng đường cao, Cún từ chối ngay lập tức.
Tôi ‘khóc dở mếu dở’ với tình huống sao quá ư oái oăm này. Nhìn đi nhìn lại, cuối cùng tôi vẫn phải bật ra câu hỏi “Biết chọn sữa gì cho con?”. Có lẽ, cho đến thời điểm này, chỉ có sữa mẹ mới là Hàng Việt Nam chất lượng cao, là nguồn sữa giàu dinh dưỡng và an toàn nhất cho trẻ nhỏ. Vậy nhưng, đối với những mẹ không có sữa, ít sữa hay đã cai sữa mẹ…như tôi đây. Chúng tôi biết chọn sữa gì cho con? Biết đặt niềm tin của mình vào đâu?
Theo chia sẻ của độc giả Nguyễn Thu Hà (Trung Hòa Nhân Chính, Hà Nội)
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet