Sau giai đoạn bú sữa mẹ hoàn toàn, trẻ cần được ăn bổ sung để cung cấp đủ nhu cầu về năng lượng và dinh dưỡng. Giữa vô vàn các phương pháp ăn dặm phương Đông, phương Tây,...nhiều chị em bỉm sữa bị loạn và không biết nên chọn ăn bổ sung như thế nào cho cân đối, hợp lý để trẻ được phát triển tốt.
Với những bà mẹ đang và sắp có ý định cho con ăn dặm kiểu Nhật, nhất định những kinh nghiệm và trải nghiệm từ bà mẹ 9x Phương Thảo (Hà Nội) sẽ rất đáng tham khảo. Thảo có một cậu con trai rất bụ bẫm, đáng yêu tên Tôm. Tôm đã và đang hợp tác với mẹ rất tốt trong quá trình tập ăn dặm kiểu Nhật.
- Hiện nay có rất nhiều phương pháp ăn dặm, Thảo lựa chọn cho bé phương pháp ăn dặm nào?
Mình cũng tìm hiểu phương pháp ăn dặm rất lâu từ hồi còn bầu, thấy có 3 phương pháp ăn dặm chủ yếu được các mẹ áp dụng là ăn dặm truyền thống (ADTT), ăn dặm kiểu Nhật (ADKN) và ăn dặm tự chỉ huy (BLW). Sau quá trình tìm hiểu, mình thấy phương pháp ADKN rất hay, giúp con được tự do khám phá đồ ăn; có tính kỷ luật (không ăn rong), không ép con ăn khi không còn nhu cầu, biết nhai sớm, ăn thô đúng giai đoạn và đặc biệt là cung cấp đủ chất dinh dưỡng từ thịt cá và các loại rau củ quả để khi lớn con sẽ quen với mùi vị các loại rau.
Mình cũng cho con thử ăn dặm theo cả phương pháp BLW nhưng sau vài lần cảm giác con không ăn được lắm nên mình dừng lại. Phương pháp BLW thì các mẹ sẽ để 1 khay đồ ăn cho bé gồm rất nhiều loại: rau xanh, củ quả luộc, thịt cá trứng chiên hoặc nướng, hấp tuỳ ý căt theo vừa tầm tay bé nắm. Nhưng bé nhà mình mỗi lần để đồ ăn ra trước mặt là cầm nhìn tìm hiểu, cắn nhai qua loa xong lại cầm vứt đi nên mình nghĩ bé không hợp với kiểu BLW lắm. Nếu bé nào ăn được kiểu này cũng rất tốt, tập cảm giác cầm nắm nhai thô và nuốt thức ăn nhưng bé nhà mình lại nghịch cầm xé bóp nát rồi vứt đi.
Sau mình kết hợp giữa ADKN và ADTT vì không có nhiều thời gian chăm con như trước.
- Theo Thảo, cho bé ăn dặm kiểu Nhật có những ưu điểm và nhược điểm gì?
Nếu bận rộn thì mọi người thường cho ăn theo kiểu truyền thống, nhưng mình có thời gian chăm con hơn nên cho con ADKN. Sau vài tháng cho ăn dặm thì cũng thấy phương pháp này rất nhiều ưu điểm:
+ Cho bé ăn thô đúng thời điểm: độ thô của cháo sẽ tăng dần theo độ tuổi. Như ban đầu, mình nấu cháo tỉ lệ 1-10. Các loại thức ăn khác như rau, thịt cũng được chế biến riêng với độ thô phù hợp.
+ Ăn riêng từng loại thức ăn: Bé nhà mình ăn dặm từ lúc 5 tháng 15 ngày. Mình xay từng loại rau vào 1 bát nhỏ, cứ 1 thìa rau lại 1 thìa canh,1 thìa củ gì đó hoặc hoa quả để cho con nhận biết dần vị của từng loại thức ăn từ rau củ sau đến thịt cá
+ Theo ADKN thì tuyệt đối không ăn mặn, ăn nhạt tốt cho thận nên mình không cho gia vị vào thức ăn lúc tập ăn. Dần lớn 1 tuổi có thêm chút nước mắm của bé vào để tăng dần mùi vi
+ Đọc sách thấy ADKN dựa trên tinh thần ngồi ghế, không phải rong nên từ lúc bé biết ngồi mình chỉ cho ngồi yên trên ghế ăn dặm. Trộm vía bé nhà mình cứ ngồi vào ghế ăn chỉ 5-10 phút là hết bát cháo.
Còn nhược điểm thì mình thấy ăn theo phương pháp này mẹ sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức giai đoạn đầu. Chuẩn bị cho con từng món ăn riêng biệt, chế biến và bảo quản. Vì mình có thời gian nên ăn bữa nào làm bữa đấy, nhiều mẹ làm ra khay dự trữ đông trong ngăn đá 3 ngày.
Nhiều hôm muốn mua 1 loại rau hay củ gì đó như măng tây, củ dền đỏ phải ra siêu thị cách nhà 1 đoạn để mua vì chợ không có loại cần.
- Thời gian đầu cho bé ăn, bạn có gặp phải khó khăn gì không, bé có hợp tác với mẹ hay không?
Không biết do con mình dễ hay hợp thì ngay từ ngày đầu ăn từng loại rau củ, món gì con cũng ăn hết, hợp tác rất tích cực. Nhiều khi cứ tưởng con vẫn thèm định đi làm tiếp nhưng sợ quá khẩu phần nên mình lại thôi. Mỗi lần ăn cứ liếm mép chẹp chẹp nên tưởng vẫn đói nhưng trẻ con dưới 1 tuổi, dinh dưỡng chính vẫn là sữa, ăn dặm chỉ là tập làm quen cho bước đệm ăn thô, nhai cơm. Bình thường cho cơm là con nhai nuốt nhưng mình sợ không tốt cho dạ dày và hệ tiêu hoá nên không cho ăn cơm sớm.
- Khi bé không chịu ăn, bạn có ép cho bé ăn hết khẩu phần ăn của mình hay không?
Khi bé không chịu ăn, mình cũng xót ruột lắm, từng đổ không biết bao nhiêu bát cháo đi vì có giai đoạn con không ăn cháo, cho là lắc rồi gào thét. Lúc đấy mình không cho bé ăn 2 ngày kế tiếp, giảm lượng cháo đi. Có lần còn không cho ăn luôn thì 2 hôm sau con lại ăn rất bình thường. Nếu theo phương pháp ADKN thì dựa trên tinh thần thoải mái, không căng thẳng áp lực, không ép bé ăn, không ăn là mình không cho ăn luôn. Bao công sức mình nấu mà con không ăn cũng thấy xót nhưng ép cũng không được nên tốt nhất để con đói là tự ăn.
- Bạn có mất nhiều thời gian để chuẩn bị các bữa ăn cho con hay không?
Mỗi bữa ăn mình chuẩn bị cũng không mất nhiều thời gian lắm mà chỉ đau đầu trong thay đổi các loại thực phẩm hàng ngày để làm sao để không lặp lại các món ăn trong 1 tuần. Nhưng được cái bé nhà mình ăn rất ngoan. Đến bây giờ thì cứ ngồi vào ghế ăn tập chung thì 10-15 phút là xong bát cháo nên mình cũng có nhiều động lực hơn để cho con ăn.
- Việc phân bổ các món ăn để bé không thấy ngán mà vẫn đủ chất khiến nhiều bậc phụ huynh "đau đầu nát óc". Bạn đã giải quyết tình trạng đó như thế nào?
Như nói trên mình có nghiên cứu từ sách ăn dặm kiểu Nhật, trong đó hướng dẫn rất nhiều món mà mẹ có thể chế biến cho con theo kiểu các mẹ ở Nhật chăm con. Nhưng thực ra nhiều thực phẩm trong sách ở Việt Nam lại không có nên mình đã ngồi nghiên cứu các loại thực phẩm nào có thể kết hợp với nhau, tránh những loại kết hợp với nhau độc hại. Ví dụ như thịt bò có thể kết hợp ăn cùng với khá nhiều loại rau: bí đỏ, ngô, đậu hà lan, cà rốt, măng tây,... Mỗi bữa mình thường cho ăn 1 loại rau, 1 rau 1 loại củ hoặc 2 loại rau.
- Trong quá trình cho bé theo BLW, bạn kết hợp các bữa sữa như thế nào để bổ sung thêm dinh dưỡng cho bé?
Sữa vẫn là nguồn cung cấp dinh dưỡng chính cho bé dưới 1 tuổi nên mình vẫn coi trọng việc uống sữa. Mình chia nhỏ thời gian hấp thu thức ăn và thời gian uống sữa. Trộm vía bé nhà mình cũng uống được sữa ngoài. 6 tháng đầu tiên, mình cho con bú mẹ hoàn toàn, sau đó có bổ sung thêm sữa công thức và ăn dặm.
- Thường thì các mẹ chỉ hay áp dụng một phương pháp ăn dặm nhất định cho con, nhưng bạn lại kết hợp giữa ADKN và ADTT, điều này có ảnh hưởng gì đến cách ăn và dinh dưỡng của con hay không?
Ban đầu mình nghĩ nên cho con ăn theo một phương pháp. ADKN lại rất nhiều loại rau. Ban đầu hồi mới tập ăn, mình cho bé ăn từng loại một, 1 thìa rau lại 1 thìa củ, 1 thìa hoa quả để cho bé dễ nhận biết và mình có thể phân biệt được loại nào con thích ăn, loại nào không thích ăn.
Tuy nhiên, nhiều lúc bận rồi còn thời gian đi làm nên không thể chu đáo được như thời gian vẫn còn ở nhà nên mình cho con ăn kết hợp kiểu ăn truyền thống. Vẫn từng đó rau, từng đó củ xay nhuyễn nhưng khi khuấy cháo mình đổ chung vào nấu thành một. Được cái con cũng khá quen với kiểu ăn truyền thống này. ADNK thì rất cầu kì nấu xong xay xong mỗi loại riêng biệt, điều này rất bất tiện cho mẹ bận bịu công việc. Còn nếu ai muốn rút ngắn thời gian nấu nướng thì ăn theo kiểu truyền thống mình thấy vẫn tốt miễn sao đảm bảo đủ loại dinh dưỡng cần thiết cho 1 ngày của bé là được.
- Có nhiều mẹ lo sợ khi để con tự ăn như thế con sẽ ăn ít, ảnh hưởng đến sự phát triển. Từ khi ăn dặm chiều cao, cân nặng của bé nhà bạn phát triển có ổn định không?
Từ khi ăn dặm thì bé nhà mình vẫn phát triển rất đều. Có lần bế con ra siêu thị để mua đồ ăn người ta còn trêu cho ăn thế bảo sao không dài rộng. Hiện tại thì con cân nặng vẫn đạt chuẩn còn chiều cao thì cao hơn chuẩn 2 - 3 cm gì đó. Con sinh ra có 2,9kg nhưng tháng nào con cũng tăng từ 0,2 tới 0,5kg. Hiện giờ thì vẫn thừa hơn 1kg so với bảng chuẩn của WHO.
Cảm ơn những chia sẻ rất bổ ích của Thảo, chúc bạn và bé luôn khỏe mạnh!
Cùng xem thực đơn mỗi bữa ăn dặm theo phương pháp ADKN của mẹ Thảo dành cho bé Tôm:
Cháo hoa thiên lý với tôm.
Cháo chim câu, rau mầm và cà rốt.
Cháo rau mầm và cá hồi.
Cháo củ dền, cà rốt và thịt lợn.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet