Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng khoa Nhi - BV Bạch Mai) cho biết, bệnh giao mùa năm nay đáng lo nhất vẫn là sởi.
Trong thời điểm giao mùa năm nay, đáng lo ngại nhất vẫn là bệnh sởi với những diễn biến phức tạp hơn những năm trước. Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai), trước đây, những biến chứng thường xảy ra sau khi sởi bay. Những biến chứng như viêm phổi, viêm tai, tiêu chảy, viêm não, viêm màng não…Tuy nhiên, năm nay, nhiều trường hợp bị biến chứng viêm phổi rất nặng do virus sởi tấn công vào phổi trong khi đang mọc ban trên cơ thể.
“Với diễn tiến như vậy, khiến bệnh lây lan nhanh, dẫn đến suy hô hấp nặng, điều trị vất vả. Thậm chí, phải huy động thêm bình oxi và máy thở với trường hợp nặng. Qua kiểm tra, có trường hợp khi lấy hai kháng thể chủ đạo trong hệ thống miễn dịch dịch thể là IgA và IgG, nhận thấy hai kháng thể này đều giảm. Khi hai chỉ số này giảm sẽ dẫn đến virus sởi tấn công vào phổi, khiến cho bệnh nặng hơn.
Nhiều gia đình đã biết được diễn tiến của sởi năm nay, thậm chí do sởi tấn công vào phổi ngay nên khi bế trẻ đến bệnh viện sớm cũng đã là nặng, còn nếu đến muộn thì tiên lượng càng xấu. Do đó phụ huynh phải cảnh giác, khi nghi trẻ bị sởi cần đi khám ngay”, bác sĩ Dũng nhấn mạnh.
Giao mùa là thời điểm trẻ dễ mắc bệnh nhất (Ảnh minh họa).
Ngoài bệnh sởi, trong thời điểm giao mùa, viêm đường hô hấp là nhóm bệnh phổ biến thường gặp với trẻ.
Với viêm đường hô hấp trên: Thường nhẹ, triệu chứng sốt, ho, chảy nước mũi, nhiều khi trẻ bị nôn thứ phát do nước mũi chảy vào họng. Việc nôn như vậy gây phiền toái cho trẻ và bố mẹ. Thông thường viêm đường hô hấp trên không đáng lo ngại vì sẽ tự khỏi.
Viêm đường hô hấp dưới: Đây là bệnh nguy hiểm hơn, có triệu chứng khó thở, thở khác thường, thở nhanh, co rút lồng ngực… Thở khác thường có thể là thở phát ra tiếng, thở khò khè, đầu gật gù, mũi phập phồng… Dấu hiệu tiếp theo có thể là tím tái, trẻ bú kém… Với viêm đường hô hấp dưới phải chú ý quan sát trẻ để khi có dấu hiệu không đỡ cần đưa đến bệnh viện.
Sốt virus cũng thường gặp vào thời điểm giao mùa. Với trẻ bị sốt virus, khi chưa có bội nhiễm hay biến chứng cần hỏi ý kiến bác sĩ để dùng thuốc hạ sốt, uống nước và ăn hoa quả để bù điện giải. Phụ huynh theo dõi cẩn thận, nếu sốt cao, cần đưa đến cơ sở y tế chuyên khoa để được khám cụ thể.
Bên cạnh sốt, tiêu chảy cũng cần được phụ huynh lưu tâm. Nguyên nhân có thể là do rotavirus. Khi trẻ bị tiêu chảy, phụ huynh cần đưa con đến bác sĩ để kiểm tra xem có bị mất nước không để bù nước kịp thời.
Bác sĩ Dũng lưu ý, với trẻ bị sốt hay bị các bệnh khi giao mùa cần được ăn uống đầy đủ và nghỉ ngơi. Bởi, hiện nay, một số phụ huynh vẫn cố ép trẻ đi học khi đang bị sốt hoặc ốm. Như vậy, hiệu quả học tập cũng bị ảnh hưởng mà có thể dẫn đến trẻ bị biến chứng nặng hơn.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet