Theo trang The Star, cậu bé 8 tuổi Mohd Azmar Tahkim Mohd Asri được phát hiện bất tỉnh trong phòng ngủ của gia đình tại Alor Setar, Kedah vào ngày 5 tháng 3 năm 2015 vừa qua. Mẹ của em, bà Sarinah Akob, 40 tuổi đang ngủ ở phòng bên cạnh khi vụ việc xảy ra.
Theo lời một giáo viên giấu tên của em tiết lộ, cậu bé 8 tuổi đã cố gắng sạc pin cho chiếc xe đạp điện của anh trai bằng cách lấy dây cáp cắm vào ổ điện trong phòng ngủ. Kết quả, ổ điện bị chập, gây ra một luồng điện đẩy cậu bé văng xa tới 1 mét và tử vong sau đó.
Cậu bé 8 tuổi xấu số
Ổ sạc xe đạp điện đã gây ra cái chết thương tâm cho cậu bé.
Câu chuyện đau xót được các trang báo Malaysia đưa tin như một bài học cảnh báo tới cha mẹ cần lưu ý bảo vệ trẻ khỏi những nguy hiểm về ngay trong gia đình.
Theo đó, để phòng tránh tai nạn trẻ nhỏ ở gia đình, cha mẹ cần lưu ý:
1. Cất tất cả những đồ vật nguy hiểm xa tầm với của con
Những món đồ được coi là độc hại, nguy hiểm như thuốc men, chất tẩy rửa và các đồ dùng cắm điện cần được giữa và khoá ở nơi trẻ không thể chạm tay đến. Hãy chắc chắn sau khi sử dụng, cha mẹ cần cất chúng về đúng nơi qui định.
2. Thiết lập các rào cản an toàn
Các khu vực nguy hiểm trong nhà như phòng bếp, nhà tắm, ban công nên có rào chắn giới hạn trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi không nên bước vào để giảm thiểu nguy cơ chấn thương, bỏng và ngộ độc. Cách tốt nhất là mẹ có thể lắp các rào chắn bằng gỗ, như vậy, mẹ vừa có thể làm việc vẫn có thể quan sát con.
3. Che chắn cẩn thận các ổ cắm điện
Khi trẻ bắt đầu biết đi, bé sẽ tò mò về tất cả mọi thứ và luôn muốn sờ mó, khám phá. Đặc biệt, trẻ nhỏ lại rất dễ bị thu hút bởi những cái phích cắm và ổ điện.
Để tránh cho con bị điện giật, mẹ nên lắp các thiết bị chặn lỗ ổ điện, tránh cho bé tiếp xúc tay trực tiếp hoặc chọc các vật kim loại vào ổ điện như chìa khoá, phích cắm...
4. Nói chuyện với con về những qui tắc an toàn
Nếu trẻ đã có thể nhận thức, mẹ nên đặt ra với con một số qui tắc an toàn trong gia đình, nói với con việc gì nên và không nên, đi kèm với những rủi ro. Ví dụ như không được sờ vào ổ điện khi tay đang ướt, không được ngậm đầu dây sạc điên thoại....
Ứng xử ra sao khi phát hiện con bị điện giật?
Trong trường hợp phát hiện trẻ bị điện giật, mẹ không nên ngay lập tức lao điến giật con ra, trừ khi đã chắc chắn không còn dòng điện nào đang chạm vào con. Lưu ý này nhằm tránh điện sẽ truyền sang cả người mẹ khi đang cứu con.
Cách ứng xử tốt nhất là:
- Tắt toàn bộ nguồn điện, công tắc điện ngay lập tức.
- Sử dụng các vật liệu không dẫn điện như nhựa hoặc gỗ khô để tách nguồn điện ra khỏi cơ thể trẻ.
- Kiểm tra hơi thở và nhịp tim của con. Nếu con bất tỉnh, gọi cấp cứu ngay lập tức
- Nếu con còn tỉnh táo nhưng trông tái và yếu, nhẹ nhàng đặt con nằm. đầu hơi thấp hơn ngực, nhấc chân cao. Cách làm này nhằm tránh trẻ bị sốc lần nữa.
- Có thể dùng dung dịch sát trùng và băng y tế để sơ cứu vết bỏng điện trên cơ thể trong khi chờ cấp cứu.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet