Bé thường quấy khóc, giận dữ khi đòi đồ chơi không được. Tôi dạy cháu điều gì thì chỉ được 2 câu là con lại bỏ đi hoặc quay đi chỗ khác không nghe. Bé chỉ copy lời nói của tôi chứ không hiểu gì cả. Bé có thể đọc bảng chữ cái từ A đến X, một số hình và một số màu, đếm được từ 1 đến 20. Cháu chưa bao giờ ngồi nói chuyện hay thắc mắc bất cứ thứ gì bé thấy không thích.
Ảnh minh họa: VTC. |
Con trai tôi rất kén ăn, mỗi ngày tôi phải ép và đút mới chịu ăn. Dạy dỗ cháu rất khó khăn. Trong khi tôi còn bận chăm sóc cho một đứa con gái nhỏ hơn, bởi vậy nhiều lúc con trai tôi chỉ ngồi chơi thui thủi một mình. Bình thường bé vẫn chơi với em gái và những đứa trẻ khác khi có dịp ra ngoài.
Xin hỏi bác sĩ, vậy bé có bị bệnh tự kỷ hay bất cứ rối loạn gì về mặt thần kinh, tâm lý không? Cách điều trị như thế nào? - (Thạnh).
Trả lời:
Chào chị,
Qua những thông tin chị cung cấp, rất khó để tôi có thể đưa ra một chẩn đoán hay một kết luận chính xác về tình trạng của cháu. Tuy nhiên, tôi hy vọng các thông tin tôi phân tích sau đây sẽ giúp chị có cái nhìn rõ hơn về tình trạng của con mình. Từ đó có thể đưa bé đến một cơ sở y tế nào đó để bác sĩ thăm khám và có kết luận chính xác hơn.
Trước hết tôi muốn lưu ý với chị về tuổi của trẻ, có 2 cách phân loại tuổi: Thứ nhất là tuổi đời (ở đây bé là 3,5 tuổi) và thứ hai là tuổi phát triển của trẻ. Tuổi phát triển của trẻ lại bao gồm 4 lĩnh vực: Vận động thô, vận động tinh, hoạt động ngôn ngữ và kỹ năng cá nhân xã hội. Tuổi phát triển của từng lĩnh vực nêu trên có thể ngang nhau hoặc không đều nhau giữa các bé.
Thông thường, một trẻ phát triển bình thường thì tuổi đời và tuổi phát triển sẽ ngang nhau. Tuy nhiên, nếu 2 tuổi này phát triển chênh lệch nhau, phần lớn là tuổi đời nhiều hơn tuổi phát triển thì các cháu thường rơi vào tình trạng chậm phát triển. Nhưng chậm phát triển được phân biệt là chậm ở lĩnh vực nào, để từ đó chúng ta có các kiểm tra khác để tìm hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng này và có hướng điều trị phù hợp.
Trong trường hợp con của chị, qua thông tin chị cung cấp, tôi chỉ mới nhận thấy sự bất thường của cháu ở hoạt động ngôn ngữ và hành vi.
Ở mặt hành vi, dường như bé có các cơn bùng nổ cảm xúc, chẳng hạn: Giận dữ khi đòi đồ chơi. Điều này có thể do sự nuông chiều từ cha mẹ lúc nhỏ hoặc cũng có thể là sự hoạt động bất thường của các hoạt động thần kinh hay là một nguyên nhân khác. Song, dù là nguyên nhân nào thì cũng cần được thăm khám và kiểm tra kỹ càng và có sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa chứ không thể kết luận vội vàng chỉ dựa vào thông tin mà chị cung cấp.
Ở mặt ngôn ngữ, sự phát triển của trẻ có từng bước: Đầu tiên tôi tạm gọi là biết nói, nghĩa là biết bắt chước, biết lặp lại lời nói của người khác. Tiếp đến là hoạt động tư duy của ngôn ngữ, nghĩa là trẻ sẽ nghe người khác hỏi và suy nghĩ trả lời. Chẳng hạn khi nghe câu hỏi "Con tên gì", bé sẽ nghĩ và trả lời "Con tên Nam" chứ không phải copy câu hỏi thành câu trả lời "Con tên gì".
Trong trường hợp này, tôi nhận thấy con chị đang chậm ở giai đoạn mới biết nói. Bởi về cơ bản, trẻ 18 tháng đã có thể nói và trả lời được những câu từ 3 đến 5 từ đơn giản.
Ngoài ra, tôi cũng lưu ý gia đình về một vấn đề khác xuất phát từ cách giáo dục. Tình trạng tập trung của trẻ còn phụ thuộc vào việc người lớn dạy dỗ bé như thế nào. Đây là điều đáng lưu ý nhưng tôi không thấy chị đề cập trong thư.
Vì thế, với những thông chị miêu tả, tôi chẩn đoán cháu có thể bị chậm phát triển, song để xác định được nguyên nhân thì cần phải kiểm tra cụ thể hơn. Ngoài ra bên cạnh sự chậm phát triển này, cũng cần kiểm tra xem có các rối loạn khác đi kèm cùng với sự chậm này không, như sự kém tập trung, sự bất thường hành vi…
Do đó để có thể có kế hoạch điều trị phù hợp, tôi mong chị sớm đưa cháu đến cơ sở y tế có khoa Tâm lý Nhi để được thăm khám cụ thể hơn. Từ đó sớm có kế hoạch trị liệu thích hợp cho cháu.
Thân ái!
Chuyên viên Tâm lý Trị liệu Nguyễn Trung Nguyên
Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu tâm lý thực hành
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet