Nhiều bậc phụ huynh phàn nàn rằng họ đã chọn loại sữa đắt nhất, tốt nhất nhưng khi cho con dùng thì con vẫn bị tiêu chảy hoặc gặp các vấn đề tiêu hóa khác. Đôi khi nguyên nhân không phải do chất lượng sữa mà là cách bảo quản sữa của bạn chưa đúng cách. Dưới đây là những lưu ý khi bảo quản sữa bột.
Không nên để sữa trong tủ lạnh
Để sữa bột trong tủ lạnh không phải cách bảo quản hợp lí, vì môi trường trong tủ lạnh thường ẩm ướt mà sữa bột lại rất dễ hút ẩm. Nếu bảo quản sữa bột trong tủ lạnh lâu sẽ khiến sữa của bé bị ẩm mốc, hơn nữa còn làm cho sữa bị vón cục, biến chất, mất đi hiệu quả sử dụng. Vì vậy, dù là trong mùa hè nóng, bạn chỉ cần để sữa ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp là được.
Sữa bảo quản trong tủ lạnh dễ bị vón cục. (Ảnh minh họa)
Đậy chặt nắp sau khi sử dụng
Để tránh sữa hút ẩm và bị vón cục, sau khi pha sữa cho con, bạn nên đóng chặt nắp. Vào những ngày thời tiết có độ ẩm cao, bạn có thể để vài viên đường viên vào hộp sữa. Đường viên sẽ hút ẩm, tạo môi trường an toàn để bảo quản sữa. Nhưng mẹ phải lưu ý không pha chung đường vào sữa của bé.
Không để nước rơi vào sữa của bé
Khi pha sữa, bạn phải đảm bảo tay mình hoàn toàn khô ráo, tránh nước rơi rớt vào trong hộp sữa. Nắp hộp, muỗng múc sữa cũng phải giữ khô, không để tiếp xúc với hơi nước, dễ khiến sữa ẩm ướt. Đặc biệt, khi bỏ sữa ra pha cho con, nếu thấy sữa bị vón cục, đổi màu hoặc có mùi lạ, bạn tuyệt đối không tiếp tục cho bé sử dụng.
Sữa bột của bé cần được bảo quản khô ráo hoàn toàn để tránh bị mốc, biến chất. (Ảnh minh họa)
Sữa bột sử dụng tốt nhất trong vòng một tháng sau khi mở
Thông thường thời hạn sử dụng của sữa bột hộp giấy là khoảng 18 tháng, sữa đóng hộp thiếc là 2 năm. Tuy nhiên, sau khi đã mở nắp hộp, bạn không nên sử dụng theo thời hạn này. Hầu hết các hộp sữa đều có lưu ý trên bao bì về thời gian sử dụng tốt nhất. Vì sự an toàn của bé, bạn nên bỏ đi khi sữa vượt quá khoảng thời gian này.
Bé bú sữa bột để lâu dễ bị các bệnh về đường tiêu hóa. (Ảnh minh họa)
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet