Chị Phan Quỳnh Hương là một kỹ sư thiết kế công trình giao thông, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Chị là mẹ của các bé Quỳnh Anh (12 tuổi), Quốc Minh (8 tuổi) và Quốc Nam (gần 7 tháng tuổi). Gần đây, chị Quỳnh Hương đã chia sẻ thời gian biểu tự mình thiết kế dành cho các con và nhận được sự quan tâm từ nhiều gia đình đang có con nhỏ khác.
Một phần trong thời gian biểu do chị Quỳnh Hương lập ra.
Chị Quỳnh Hương cho biết, vào khoảng cuối tháng 4, khi tình cờ đọc được bài viết nói về các nguyên tắc nuôi dạy con thì chị bắt đầu nảy sinh ý định xây dựng một bảng nội quy gia đình, bao gồm những việc con có thể làm, thời gian học, thời gian chơi của con và những hoạt động khác nữa.
Chị Hương chú trọng dạy con biết tự chăm lo cho mình ngay từ khi còn rất nhỏ.
Để có thể xây dựng và đưa ra thời gian biểu sơ bộ, chị Hương mất gần 2 ngày. Sau đó, áp dụng thử trong vòng 3 ngày, trong 3 ngày này sẽ thường xuyên nhắc nhở và động viên các con rằng khi con làm như thế này là sẽ được thưởng, còn làm như thế kia là sẽ bị trừ điểm và bị phạt. Khi đã cho các con có thời gian làm quen rồi thì chị mới đưa vào áp dụng thật.
Việc lập ra thời gian biểu hợp lý đã là một cái khó, song để có thể áp dụng vào cuộc sống, các con vui vẻ làm theo thì là cả một quá trình. Về vấn đề này, chị Quỳnh Hương cũng đã có những chia sẻ hết sức thú vị.
Công tác chuẩn bị cho con trước khi quyết định áp dụng thời gian biểu này của chị là gì?
Thực ra không phải chỉ khi lập ra thời gian biểu này các con mới phải thực hiện những công việc được đề cập mà trước đó, mình cũng đã yêu cầu các con nấu cơm, rửa bát, dọn cơm, lau nhà, giặt quần áo nhưng đa phần các con làm tùy hứng, không có thời gian cố định để làm nên nhiều khi không kịp làm, nhà cửa không sạch sẽ gọn gàng. Vì thế mà lúc áp dụng thời gian biểu cũng không khiến các con quá bỡ ngỡ hay gặp khó khăn.
Các con có được thông báo và hỏi ý kiến về vấn đề này trước không hay mẹ là người đơn phương quyết định?
Bởi vì mục đích mình muốn hướng đến đầu tiên trong việc này đó chính là rèn luyện tính kỷ luật và trách nhiệm cho các con, nên trước khi áp dụng thời gian biểu, mẹ cũng có dành thời gian để nói chuyện với các con về phương pháp thời gian biểu, rằng trong đó sẽ quy định rõ giờ giấc dọn nhà, để nhà cửa sạch sẽ, dễ chịu hơn. Ngoại trừ bé út còn quá nhỏ, còn hai bạn còn lại thì khá hợp tác.
Trong thời gian biểu này mẹ cũng đưa ra hình phạt dành cho con đó là trừ điểm, rồi giảm bớt tiền tiêu vặt, vậy chị có nghĩ nó sẽ gây áp lực, khiến cho con miễn cưỡng thực hiện theo chứ không vui vẻ tự nguyện?
Với gia đình mình, các bạn được dạy làm việc nhà từ nhỏ (3 tuổi) nên các bạn khá hợp tác với làm việc nhà, chỉ đôi khi câu kéo giờ làm. Sau này thì mới có hình phạt là trừ điểm khi các bạn làm việc không đúng giờ. Dần dần các bạn hiểu được là nhà cần dọn dẹp, cơm cần nấu, bát cần rửa, quần áo cần giặt nên không miễn cưỡng làm việc.
Bên cạnh hình phạt thì mình có hình thức thưởng nếu các bạn làm việc tốt. Chính vì thế mà không có áp lực nào ở đây cả. Chỉ đôi khi cơn lười của con lên thì đành chấp nhận bị phạt thôi, nhưng những lần như thế không thường xuyên.
Kèm theo đó là hình thức thưởng/ phạt hợp lý dựa trên kết quả thực hiện của con.
Thời gian biểu là cho cả ngày và con phải làm theo khuôn khổ đó, vậy thời gian nào là lúc con được vui chơi, thoải mái theo ý thích của mình?
Đó là khoảng thời gian con được phép hoạt động tự do đã được ghi rõ trong thời gian biểu. Con có thể chơi đồ chơi, chạy nhảy, chơi cầu lông, đạp xe đạp, đọc sách, đi thư viện hay xem phim, chơi máy tính... Đó là khoảng thời gian riêng của con, con được phép làm điều mình thích mà mẹ hoàn toàn không can thiệp vào.
Tuy nhiên, để đảm bảo không có điều gì là quá thì mẹ vẫn sẽ theo sát và nhắc nhở con. Chẳng hạn như khi xem phim thì con được xem tối đa 1 giờ đồng hồ hay 45 phút chơi máy tính mà thôi, để bảo vệ cho mắt của con.
Đó là thái độ, hành vi của các con với thời gian biểu, thế còn những người lớn trong nhà như ông bà và bố thì sao?
Ông bà và bố rất hợp tác với thời gian biểu dù nó sẽ làm thay đổi hoàn toàn thói quen sinh hoạt. Chẳng hạn như gia đình ăn cơm sớm hơn, ông phải bế em nhiều hơn để mẹ và hai anh chị dọn dẹp nhà cửa. Nhưng do mọi người đều được phân chia công việc và trách nhiệm của riêng mình rõ ràng nên cả nhà đều cảm thấy dễ chịu, nhất là khi nhà cửa gọn gàng và sạch sẽ hơn.
Vậy chị định sẽ duy trì áp dụng thời gian biểu này đến bao giờ?
Chưa biết sau này như thế nào nhưng cho đến bây giờ, mình muốn áp dụng lâu nhất có thể. Trong quá trình đó, có thể thay đổi linh hoạt theo lịch học, lịch sinh hoạt của các con. Khi con lớn hơn thì cũng sẽ có những điều chỉnh công việc tương ứng mà lứa tuổi con có thể làm được.
Trong trường hợp có lịch đột xuất ngoài dự kiến như đi du lịch, đi nghỉ hay về quê thì sẽ ưu tiên hoạt động đó trước. Sau khi về nhà và nghỉ ngơi xong thì lại áp thời gian biểu.
Những hoạt động vui chơi, nghỉ ngơi nằm ngoài kế hoạch thường được ưu tiên.
Vậy theo chị, yếu tố nào giữ vai trò quyết định để cả gia đình có thể thực hiện tốt một kế hoạch bất kì nào, không chỉ là thời gian biểu chị đưa ra?
Để thực hiện tốt một kế hoạch bất kì, cả gia đình cần có chương trình thực hiện tốt. Giống như chuẩn bị cho một chuyến du lịch cần có chuẩn bị đồ đạc mang theo, địa điểm ăn ngủ, phương tiện tàu xe,… Mọi người cần có ý thức trách nhiệm về công việc của mình cũng như hỗ trợ lẫn nhau để đạt được kết quả tốt nhất.
Ngoài áp dụng phương pháp dạy con là dùng thời gian biểu thì chị còn dùng phương pháp nào nữa không?
Hiện tại, ngoài áp dụng phương pháp thời gian biểu, mẹ còn cùng con học toán trên Pitago, áp dụng phương pháp tổng hợp kiến thức tuần để ôn tập lại toàn bộ kiến thức bài học trong tuần cho con. Thưởng tiền cho các bài văn con viết, các bài tóm tắt nội dung sách để giúp con có động lực, hứng thú hơn với việc học của mình.
Dạy con làm việc nhà, hỗ trợ con việc học hành, thế mẹ giúp con phát huy năng khiếu riêng của con như thế nào?
Ngoài yêu cầu về dọn dẹp, làm việc nhà và học đầy đủ bài trên lớp, con được tự do hoạt động theo ý thích của mình. Vào dịp cuối tuần, mẹ sắp xếp cho con tham gia các lớp làm đồ handmade như làm đồ mộc, làm đồ da hoặc đi du lịch,…
Ngoài ra mẹ mua rất nhiều sách trên nhiều lĩnh vực để con tham gia khám phá. Hy vọng, thông qua sách và các trải nghiệm thực tế, con tìm ra lĩnh vực mình đam mê. Từ đó chú trọng phát triển đam mê, năng khiếu của con nhiều hơn.
Và mẹ không chỉ dạy con kỹ năng mà còn tạo điều kiện để con được thể hiện đam mê, năng khiếu riêng của mình.
Sau tất cả, chị dạy con nhiều kỹ năng như thế có phải muốn con sau này sẽ thành một người người hoàn hảo?
Việc mình dạy con nhiều kỹ năng không phải để mong muốn con thành người hoàn hảo mà là để con có sự phát triển độc lập, có thể chăm sóc tốt chính bản thân mình, chăm sóc tốt gia đình mình, sau đó trở thành người có ích cho xã hội. Sau này khi con lớn, có thể sẽ không có mẹ ở bên cạnh giúp con nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp; không có bố sửa xe, lắp máy hay thay bóng đèn… thì con hoàn toàn có thể tự xoay sở mà không gặp phải trở ngại gì.
Xin cám ơn chị đã chia sẻ!
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet