Ông Văn Bá Thọ (sinh năm 1965, tại Quảng Nam) cùng hai con trai là Văn Bá Chương, 22 tuổi đã tốt nghiệp THPT và Văn Thiên Tường, 19 tuổi, học sinh Trung tâm GDTX huyện Hóc Môn, TP.HCM cùng đăng ký thi THPT quốc gia năm 2016.
Khâm phục ý chí không ngừng học của ba
Chúng tôi đã tìm gặp và ghi lại câu chuyện hiếm gặp của ba thí sinh cùng gia đình hai thế hệ này ở xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, TP.HCM. Sáng 11-5, PV gọi điện thoại hẹn gặp, Bá Chương bảo anh chạy về Hóc Môn chỗ gần nhà để trò chuyện vì còn bận đi làm xưởng may gia công ở Củ Chi. Đến nơi, Chương nói để em gọi ba em ra góp chuyện luôn cho vui. Chừng 10 phút sau, ông Thọ có mặt.
Sau ít phút ngần ngại, ông Thọ mới bộc bạch mình thích các môn tự nhiên từ nhỏ nhưng vì gia cảnh khó khăn nên ông đành tạm gác con đường học tập giữa chừng. Nay cơ hội thuận lợi hơn, con cái đã lớn, không còn nhiều áp lực như trước nên ông quyết định thi, với quyết tâm vào ngành y học cổ truyền để bốc thuốc, châm cứu cứu người.
Theo ông Thọ, trước đây đã từng theo học hai năm ngành y học cổ truyền nhưng vì gánh lo cho gia đình nên ông ngưng học giữa chừng với bao nuối tiếc, nay muốn thực hiện việc học còn lỡ dở. Việc ứng thí lần này của ba cha con đều có mục đích khác nhau, mỗi người có một định hướng rõ ràng. Riêng ông dù lớn tuổi nhưng vẫn quyết đeo đuổi nghề mình đã đam mê từ nhỏ.
“Tôi đi học để có ích không chỉ cho xã hội mà cả cho gia đình, không phải học để cho biết, vì như vậy vừa tốn công sức vừa tốn tiền của” - ông Thọ giải thích.
Tò mò hỏi lý do vì sao ba cha con cùng thi ban B với các môn toán, hóa, sinh, Bá Chương phấn khởi bảo: “Ba em học giỏi các môn tự nhiên từ nhỏ, hằng ngày ba em đi dạy kèm các môn này. Thời gian còn lại ba em cập nhật các bộ đề thi trực tuyến (trang hocmai.vn) sau đó truyền đạt lại cách giải bài cho hai anh em. Cũng vì phục ý chí học của ba nên từ nhỏ hai anh em quyết tâm theo đuổi nguyện vọng nghề nghiệp của mình”.
Ông Thọ và con trai Bá Chương (ảnh nhỏ) bày tỏ quyết tâm đạt kết quả cao trong kỳ thi THPT sắp tới. Ảnh: P.ĐIỀN
Vừa mưu sinh vừa đèn sách
Chương cho hay năm trước em thi được 19,5 điểm nộp xét tuyển vào ngành công nghiệp thực phẩm nhưng ngành này điểm chuẩn lấy hơn 20 điểm nên bị rớt. Lần này em vẫn quyết tâm thi vào vì sở thích. Chương kể: “Ban ngày đi làm, tối về cơm nước xong mệt quá thì lăn ra ngủ một lúc, sau đó ba cha con tập trung ôn bài cho kỳ thi đang cận kề”.
Nghe con tán chuyện học tập, ông Thọ bảo hai đứa con trai khá chăm học, riêng cậu út ngoài giờ học còn lo bán hàng qua mạng kiếm tiền trang trải học tập. Ông nói đề thi bây giờ khác lúc trước, vì hình thức trắc nghiệm phổ biến, không đánh đố như ngày xưa. Vì vậy nếu có định hướng ôn tập tốt, học kỹ thì kết quả thi sẽ đạt cao. “Với đề thi như các năm gần đây, sức học của tôi có thể đạt ba môn hơn 25 điểm” - ông Thọ tự tin nói.
Ông cho hay thường ngày đi dạy kèm nếu dồn toàn thời gian cũng có thu nhập kha khá nhưng nay đang giai đoạn ôn thi nước rút nên ông đi dạy ít lại, chủ yếu chỉ giữ những mối quen.
“Đi dạy cho người ngoài dễ hơn và rèn tính kiên nhẫn, lỡ học trò làm sai mình uốn nắn làm lại cho đúng. Còn cha dạy con có cái khó, lỡ con làm bài sai mình nổi nóng lên la mắng, con càng áp lực học bài không vào, học sau quên trước. Vì vậy, trong lúc cha con cùng học cần dung hòa, cái gì con chưa nắm thì mình có sẵn kiến thức, kinh nghiệm làm bài thi để hướng dẫn cho con cách làm các dạng bài thi” - ông Thọ chia sẻ.
Hai anh em Chương, Tường tiết lộ: “Do sức học của mỗi người một khác nên khi đăng ký tài liệu ôn thi trên mạng, ba khuyên hai đứa em đăng ký gói 5-7 điểm, mức trung bình. Riêng ba đăng ký gói 8-10 điểm, vì đây là gói nâng cao cần phải có kiến thức chuyên sâu mới giải hết các bài toán dạng khó”.
Khi được hỏi nếu kỳ thi lần này cả ba cha con cùng trúng tuyển vào các trường đại học thì sao, ông Thọ bùi ngùi: “Nếu trúng tuyển thì cả nhà sẽ rất vui nhưng cũng nhiều nỗi lo vì chi phí học tập sẽ rất lớn, trong lúc gia cảnh chưa phải dư dả gì nhiều. Tạm gác những lo toan, ba cha con tôi cứ động viên nhau học cật lực cái đã, đến lúc đi học sẽ ráng kiếm việc làm để trang trải chi phí học hành. Bà xã biết ba cha con cùng thi, dù lo lắng nhưng cũng động viên ba cha con tôi cùng ôn kỹ bài để thi cho tốt”.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet