Ai gặp Ảo Ngọc (tên thật: Nguyễn Bảo Ngọc, sinh năm 1984) lần đầu đều chắc chắn sẽ bị thu hút bởi sự thông minh, dí dỏm trong cách nói chuyện và cả gương mặt xinh đẹp đầy sức sống. Vậy nhưng, trái ngược với ngoại hình sang chảnh giống hệt một cô nàng tiểu thư tuổi 20 quen sống nhàn nhã, Ngọc lại là một bà mẹ tuổi 30 rất cừ khôi.
Cùng gia đình sang Đức định cư từ cấp hai, tốt nghiệp Đại Học rồi về Việt Nam đi làm, lập gia đình đến khi bầu bí, Ngọc vẫn bay đi bay lại cho đến khi 8 tháng bụng mới chịu "ngồi yên" tại Đức để sinh bé. Sinh con xong, 3 tháng sau, Ngọc và con trai nhỏ lại quyết định quay trở lại Việt Nam làm việc và sinh sống.
Không chỉ tự tay quản lý chuyện kinh doanh hàng mỹ phẩm và thực phẩm chức năng và một công việc trong lĩnh vực truyền thông, cô nàng còn rất khéo nuôi dạy con trai nhỏ. Điều khiến mọi người ngưỡng mộ, đó là dù ở bất cứ vị trí nào, làm kinh doanh, làm phụ nữ hay là làm mẹ, Ảo Ngọc vẫn luôn tự tin, quyến rũ và giữ được cho mình một cuộc sống đầy thi vị.
Trái ngược với ngoại hình sang chảnh giống hệt một cô nàng tiểu thư, Ảo Ngọc lại là một bà mẹ tuổi 30 rất "cừ khôi".
Tất cả phụ nữ khi có con đều đẹp lên
Dù đã làm mẹ nhưng trông chị vẫn rất trẻ trung xinh đẹp, bí quyết là gì vậy?
Mình nghĩ bà mẹ một con nào cũng đẹp hơn ý (cười) Mà thời đại này, bà mẹ hai con, ba con mà biết chăm sóc cơ thể, làm đẹp đúng cách thì cũng đều xinh đẹp trẻ trung bất ngờ. Cái quan trọng là ý thức giữ gìn hàng ngày. Đơn giản nhưng cần bền bỉ mà thôi.
Bí kíp cho làn da ngoài 30 vẫn tươi sáng, căng mịn là rửa mặt tẩy trang đúng cách, dưỡng da sớm bằng serum và huyết thanh tươi, uống nước đầy đủ, không bao giờ quên dùng kem chống nắng khi ra ngoài và ngủ đúng giờ.
Thế còn về vấn đề giảm cân sau sinh thì sao, chị đã làm thế nào?
Nhắc đến vẫn còn hoảng vì sau sinh mình to bằng…2 con gấu (cười) tận 73kg. Chế độ ăn nghiêm ngặt loại bỏ hoàn toàn đường, ít tinh bột giúp mình giảm được 15kg khó khăn đầu tiên. Sau đó thì tập, tập và tập thôi. Mình hạ quyết tâm vác thân đến phòng tập và chỉ số kết quả thật không ngờ: Tuổi sinh học của mình đến tận gần 40 vì lượng mỡ nội tạng quá cao. Sau một thời gian luyện tập, dần dần đam mê thì mình đã quay về với chỉ số sinh học bình thường.
Mình biết các chị em nói đến tập bao giờ cũng ngại, nhưng mình tin khi đã cảm nhận được sự thay đổi khi cơ thể săn chắc, không cần nhịn ăn phi lý mà người vẫn gọn gàng thì ai cũng đam mê luyện tập thôi.
Chế độ ăn nghiêm ngặt loại bỏ hoàn toàn đường, ít tinh bột giúp Ngọc giảm được 15kg khó khăn đầu tiên sau sinh.
Theo bà mẹ một con, bí quyết làm đẹp không gì bằng ý thức giữ gìn hàng ngày. Đơn giản nhưng cần bền bỉ.
Coi việc chăm con như chăm "Cây"
Lý do vì sao chị lại gọi bé là “Cây” – một nickname rất thú vị?
Nếu ra đường, người quen gặp mình vẫy chào thì mình thường xuyên không nhận ra được vì mắt lúc nào cũng chỉ mải ngắm cây cối hoa lá thôi. Từ bé đến giờ lúc nào cũng mê mẩn, vậy nên mình luôn biết nếu sinh con trai sẽ đặt tên là Cây, mà bé gái thì là Lá (cười). Ông bà cằn nhằn sợ tên Cây sau này con khẳng khiu nhưng mình thấy cây nào rồi cũng sẽ lớn, sẽ to nếu được chăm sóc mà, phải không ? (cười)
Vậy chị đã chăm bé như thế nào để thoát khỏi cảnh "Cây khẳng khiu"?
Cân nặng của con có lẽ là vấn đề muôn thủa của các bà các cô ở nước mình nhỉ? Việc gặp phải khó khăn trong việc cho con ăn hay không là do tùy mẹ quan niệm thôi chứ mình tin rằng bà mẹ nào cũng đã cố hết sức chăm con mình cách tốt nhất có thể rồi. Bé nhà mình không “bụ bẫm” như tiêu chuẩn ông bà và nhiều người ở Việt Nam đặt ra. Đi đâu cũng bị chê là mẹ ăn hết phần con ý chứ. Nhưng theo dõi của bác sĩ bên Đức của con cũng như bác sĩ ở Việt Nam đều cho thấy con phát triển tốt, chiều cao cân nặng, chỉ số các vòng và kỹ năng theo độ tuổi là đúng chuẩn.
Mình cũng không lo lắng nhiều vì con có niềm vui trong ăn uống, thích sữa, thich khám phá món ăn mới và mẹ chưa bao giờ cố ép con ăn thứ gì con không muốn, chỉ cố gắng cho con thử nhiều vị thôi, khi con lắc đầu và nói "Không" thì có nghĩa là con đã no không nên ép thêm. Quan trọng là bố trí khẩu phần ăn con đủ chất, phong phú và đa dạng để con có hệ đề kháng tốt và phát triển toàn diện.
Bé Cây được mẹ cho thoải mái và tự chủ trong việc ăn uống
Đối với Ngọc, cây nào rồi cũng sẽ lớn, sẽ to nếu được chăm sóc.
Có con trai phải dạy con gallant
Sống nhiều năm cuộc đời tại nước ngoài nhưng lại quay về và sống tại Việt Nam, chị lựa chọn và chọn lọc cách nuôi dạy con theo kiểu “Tây” hay “Ta”?
Mình vẫn nghĩ, mình là một bà mẹ Việt, lớn lên và sống cùng bố mẹ ông bà nội ngoại đều thuần Việt. Có khác các cụ hồi xưa là thế hệ mình tràn ngập kiến thức thông tin điện tử nên mình có nhiều lựa chọn trong cách nuôi dạy con sao cho phù hợp thời đại và hoàn cảnh hơn thôi. Lúc bầu bí và mới sinh mình cũng bị “sách vở” lắm, con đầu lòng mà. Nuôi dạy con theo cả cách Tây và Ta đều có cái tốt, tuy nhiên mình ở đâu thì còn phải lựa chọn để phù hợp với môi trường xung quanh nữa.
Mình tập trung nhất vào dạy con kỹ năng thích nghi với môi trường dù là mới cũ, có mẹ hay không có mẹ đều phải tự lập, biết bảo vệ bản thân và gallant, lịch sự.
Tự lập, biết bảo vệ bản thân...là những điều bất cứ bà mẹ nào cũng muốn dạy cho con. Tuy nhiên, dạy con gallant thì có vẻ như chị đang là người hiếm hoi đề cập đến vấn đề này. Vì sao chị nghĩ cần dạy con gallant, và chị sẽ dạy 1 cậu bé mới lớn phải gallant như thế nào?
Theo mình, xã hội càng phát triển thì ngoài kiến thức và kỹ năng lũ trẻ cần được quan tâm giáo dục tốt hơn nữa về mặt tâm hồn. Bọn trẻ là những người nhạy cảm và có chỉ số EQ cao nhất mình từng biết nên mình luôn muốn hướng con trở thành một người đàn ông tinh tế, có cảm nhận tốt về âm nhạc, hội họa, cái đẹp từ lúc con nhỏ.
Gallant với bé nhà mình là những thói quen nho nhỏ như biết hôn và chúc người thân ngủ ngon trước khi đi ngủ, xoa cho mẹ đỡ đau khi mẹ bị ngã (cười) khen bạn gái mặc váy hồng xinh xinh, và biết kiên nhẫn chờ mẹ khi mẹ nói đang bận làm việc. Những thói quen này sẽ giúp con lớn lên ra xã hội được mọi người yêu mến hơn, con cũng biết yêu thương quan tâm mọi người hơn, mình mong là như vậy.
Ngọc luôn muốn hướng con trở thành một người đàn ông tinh tế, có cảm nhận tốt về âm nhạc, hội họa, cái đẹp từ lúc con nhỏ.
Về vấn đề tự lập thì sao? Bà mẹ nào cũng muốn con tự lập nhưng không phải ai cũng dạy được con như vậy. Chị đã làm thế nào?
Mình nghĩ, tự lập là kỹ năng quan trọng nhất để một đứa trẻ có thể phát triển toàn diện những kỹ năng còn lại. Trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống mình đều cố gắng dạy con tự lập từ giấc ngủ đến bữa ăn, vệ sinh cá nhân. Nói thì dễ mà làm thì không dễ và không bao giờ hoàn hảo như sách viết đâu.
Trẻ con đúng là một tờ giấy trắng, thói quen tất cả đều do cha mẹ đặt nền móng những nét đầu tiên, nên cái gì con đã được tạo thói quen từ nhỏ, sau này rất dễ, cái gì để muộn là khổ sở uốn lại. Bé Cây nhà mình, ngủ riêng từ lúc mới sinh, bé “đành” phải học việc tự ru mình vào giấc ngủ, lớn chút thì bé được học cầm bình tu sữa, tự cầm cốc uống nước, xúc cơm ăn, đánh răng.. cứ thế từng bước từng bước một thôi, miễn sao hai mẹ con không nản không bỏ cuộc là sẽ làm được. Mới đây thì con đang học tự đi giày và cởi giày chân phải chân trái.
Làm mẹ không đồng nghĩa với việc bỗng nhiên biến thành hoàn hảo
Chị có gặp khó khăn trong việc nuôi dạy con cái? Nhất là với trẻ đang ở độ tuổi bướng bỉnh và thích làm theo ý mình?
“Khủng hoảng tuổi lên 3” là chủ đề mình và nhiều bà mẹ thật sự đang gặp phải. Con bỗng nhiên bướng bỉnh, đòi hỏi mẹ phải chú ý tới mình bất kỳ lúc nào dù mẹ đang nấu ăn hay bận việc cũng không chịu chờ đợi mà khóc lóc ăn vạ kinh hồn ý chứ. Đôi lúc mình phải thốt lên rằng mình cần phải đi gặp bác sĩ tâm lỹ để học cách đối phó với con mới được (cười).
Trải qua quãng thời gian này, mình thấy khó khăn nhất là sự kiên trì của chính người mẹ. Con mình đang ở giai đoạn có thể tranh luận, nêu ra y muốn hay từ chối việc bé không muốn, nên càng cần sự kiên trì giải thích đúng sai, được và không được. Bé rất lì lợm, hai xoáy mà, nên mẹ có nghiêm khắc quá cũng hỏng. Mình thường phải đánh lạc hướng câu chuyện và giải thích dần dần, nói ngọt mới chịu.
Nếu tự nhận xét về một sai lầm trong cách nuôi con ngày trước của mình, theo chị đó là gì?
Làm mẹ không đồng nghĩa với việc bỗng nhiên biến thành hoàn hảo. Bạn đặt câu hỏi này khiến mình phải nghĩ rất lâu để tìm ra sai lầm lớn nhất trong nhiều sai lầm mình từng vấp phải trong cách nuôi dạy bé Cây.
Có lẽ đấy là việc mình đã giữ con bên mình quá lâu trong vòng tay. Bé 2 tuổi rưỡi mẹ mới cho đi học mặc dù lúc trước khi sinh quyết tâm là 18 tháng. Bé quen ở nhà có mẹ, người thân nên đi học những ngày đầu rất khó khăn, chàng ý khóc lóc rồi lý luận đòi về đủ kiểu. Ngày đầu mẹ vừa về đến nhà đã thấy cô gọi nói Cây khóc nhắc cô gọi điện cho mẹ Ngọc yêu, Cây không ngủ, Cây đợi mẹ Ngọc yêu. Ôi, sáng nào cũng là một trận đấu trí. (cười).
Trải qua mất 3 ngày đầu con khóc khi mẹ về và lúc mẹ đón thôi. Các cô và mẹ kiên trì giải thích rằng mẹ và mọi người phải đi làm, Cây đi học sẽ rất vui và con sẽ được mang theo bạn chó bông thân thiết theo mỗi ngày. Sau khoảng vài tuần bây giờ con đã vui vẻ hơn, biết tự ngồi vào bàn ăn cơm, xếp đồ chơi gọn gàng khi chơi xong và thưa gửi dạ vâng lễ phép lắm. Mình rất vui và an tâm làm việc. Mong con sẽ luôn vui vẻ và có hứng thú với trường lớp sau này.
Xin cám ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị!
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet