Những sai lầm này có thể làm mất thời gian ở khâu khám, điều trị bệnh và ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của con trẻ. Vì vậy, phụ huynh nên "nằm lòng" và sớm loại bỏ những sai lầm sau.
1. Chuẩn bị đồ nhập viện sơ sài
Sợ mang đồ lỉnh kỉnh nên nhiều phụ huynh chuẩn bị đồ nhập viện cho con khá sơ sài. Khi vào viện rồi mới thấy thiếu đủ thứ và cuống cuồng chạy đi mua. Để tiết kiệm chi phí, công sức, cha mẹ nên chuẩn bị một số thứ cần thiết ở nhà như vài bộ đồ sạch cho mẹ và bé, khăn xô, khăn ướt, chăn mỏng, bỉm, đồ uống và đồ ăn nhẹ cho mẹ. Đừng quên mang theo sổ bảo hiểm y tế của trẻ.
2. Nhập viện sai tuyến
Một phần do tâm lý phụ huynh bao giờ cũng coi con mình là bệnh nặng nhất, phần khác do cha mẹ không thể phán đoán được mức độ nặng nhẹ của bệnh để chuyển con đến bệnh viện nào nên họ sẵn sàng vượt tuyến, đưa con đến những bệnh viện lớn hơn. Trong những trường hợp này, nếu nghi ngờ con có bệnh, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám. Nếu nhận thấy trẻ cần được chuyển đến những nơi có chuyên môn cao hơn thì cơ sở y tế sẽ chuyển viện chứ phụ huynh không nên tự ý đưa con vượt tuyến, vừa mất thời gian vừa tốn tiền nếu bệnh của trẻ là bệnh nhẹ.
Bên cạnh đó cha mẹ nên dành thời gian tìm hiểu rõ các bệnh viện gần nơi mình ở, tránh luống cuống mất thời gian đi tìm địa chỉ của bệnh viện. Nếu không phải trường hợp khẩn cấp nên lấy hẹn khám trước, đi bệnh viện vào buổi chiều sẽ có ít bệnh nhân hơn.
3. Không nắm bệnh sử của con
Khi đưa con đến bệnh viện, một số cha mẹ quá bối rối nên không thể nhớ rõ bệnh sử, thời điểm đầu tiên nghi ngờ con bệnh là khi nào? Ngày đầu tiên khởi bệnh của trẻ ra sao? Trẻ đã từng ăn thức ăn gì trước đó? Diễn biến bệnh ở ngày thứ mấy? Tiền căn từng bị mắc bệnh gì? Đã chủng ngừa chưa? Trong gia đình hoặc ở lớp của bé đã có ai từng bị những triệu chứng như vậy?... Những việc này sẽ gây khó khăn hơn cho bác sĩ trong việc chẩn đoán. Người mẹ nên có một cuốn sổ ghi lại tình trạng sức khỏe, nhiệt độ của trẻ, những loại thuốc mà trẻ từng uống. Tốt nhất nên mang theo cuốn số ấy, đơn thuốc để bác sĩ điều trị tham khảo giúp bé có cách điều trị thích hợp nhất.
4. Quên mang khẩu trang
Rất ít phụ huynh chịu đeo khẩu trang cho con và ngay cả bản thân mình cũng vậy. Lý do có thể do vội đi, thời gian quá gấp gáp nên quên mang hoặc họ không có thói quen đeo khẩu trang vì cảm thấy nó bất tiện… Nhưng việc đeo khẩu cho trẻ rất quan trọng vì nó giúp ngăn chặn những mầm bệnh lan ra môi trường xung quanh từ mũi, miệng và ngăn không cho những vi sinh vật thường trú ở đường hô hấp của người khỏe mạnh lây lan sang người của bé (do cơ thể người bệnh bị suy giảm sức đề kháng, dễ bị mắc thêm bệnh). Đồng thời cha mẹ cũng cần phải đeo để tự bảo vệ mình tránh bị nhiễm các bệnh đường hô hấp.
Tốt nhất phụ huynh nên chuẩn bị sẵn một hộp khẩu trang y tế vì nó có thể lọc được các tác nhân gây bệnh và không thấm dịch từ bên ngoài bắn vào. Hãy để nó trong túi xách tay của mình để bất cứ khi nào cần gấp thì sẽ có ngay sử dụng. Với loại khẩu trang này chỉ nên dùng một lần, tránh dùng lại.
5. Không thay giày dép
Không phải lúc nào cha mẹ cũng trực bên giường con 24/24 giờ, sẽ có khoảng thời gian phụ huynh đi ra ngoài mua cơm, vật dụng cá nhân… Nếu phụ huynh không thay giày dép trước khi ra ngoài sẽ vô tình mang mầm bệnh phát tán ra khỏi bệnh viện. Ngược lại cũng có thể “rước” thêm mầm bệnh từ bên ngoài về cho con mình. Vì thế để phòng ngừa bệnh, cần chuẩn bị hai đôi dép, dùng để đi trong nhà và ra ngoài dành cho cả bệnh nhân và người chăm sóc.
6. “Lười” rửa tay
Chỉ rửa chân tay cho con khi tắm vẫn chưa đủ, những thời điểm nên rửa tay cho bé để ngừa nhiễm trùng và vi khuẩn lây lan đó là sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn, dùng tay bịt miệng sau khi ho, hắt hơi hoặc sổ mũi. Với một số bé bị bệnh hô hấp, một ngày bé sẽ ho liên tục cả chục lần, để tiện hơn, cha mẹ có thể mua nước rửa tay khô cho bé. Ngoài ra phụ huynh cũng nên rửa tay trước, trong và sau khi chuẩn bị thức ăn, trước và sau khi chăm sóc người bệnh hoặc có vết thương hở; giúp trẻ đi vệ sinh hoặc thay tã cho em bé; sau khi đi ra ngoài…
7. Chăm con bằng miệng
Thấy con ốm, lười ăn nhiều bà mẹ sẵn sàng dùng miệng nhai thức ăn cho con. Trong nước bọt của mỗi người có rất nhiều các loại khuẩn khác nhau và nó giúp cân bằng cũng như ổn định các chất trong cơ thể. Tuy nhiên với trẻ em thì dạ dày vẫn còn rất non yếu, nếu người lớn vô tình để trẻ nhiễm nhiều vi khuẩn thì rất dễ gây ra nhiễm trùng. Còn có trường hợp một số trẻ quá nhỏ chưa có khả năng hỉ mũi, thay vì dùng dụng cụ hút mũi, người mẹ giúp trẻ hỉ mũi bằng miệng mình cũng dễ lây bệnh truyền nhiễm.
- 16/05/15 15:25 Khoảng cách đáng suy ngẫm giữa giàu và nghèo trên Instagram
- 16/05/15 15:20 Lóa mắt với cuộc sống "sang chảnh" của thú cưng trên Instagram
- 16/05/15 15:18 5 lý do không nên giới thiệu người yêu với bạn thân
- 16/05/15 15:00 Hot vlogger JVevermind bị mẹ cho "ăn đòn" vì chuyện yêu đương
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet