Nếu ai đó hỏi nỗi đau lớn nhất của một đứa trẻ là gì? chắc chắn tôi sẽ trả lời đó là sự mơ hồ về bố mẹ của mình, thật đau đớn khi biết được chính những người sinh ra mình lại chối bỏ mình, chối bỏ tình yêu thương dành cho mình. Năm 25 tuổi, tôi quen chồng tôi. 3 năm liền sau kết hôn áp lực mọi thứ cũng như chưa có con, chồng rủ tôi về quê anh ấy để xin việc vào một công ty may. Ở quê anh cũng có nhà của bố mẹ, cuộc sống bình dị cũng đủ đùm bọc nhau sống qua ngày.
Vừa về quê được ít ngày thì bỗng mẹ chồng tôi cũng đang làm việc trên thành phố trở về nhà. Bà mang theo một đứa bé gái và nói nhặt được đứa trẻ ở trước cổng một ngôi chùa nhưng mãi không có ai đến nhận. Nhìn đứa trẻ còn đỏ hỏn, là một bé gái xinh xắn, trắng trẻo nên bà thương tình mang nó về quê chăm sóc. Sẵn tiện vợ chồng tôi bao năm vẫn chưa có con, thế thì hãy coi đứa trẻ này như con ruột của mình để cầu may mắn.
Dù nghèo khó nhưng vợ chồng tôi không chê đứa trẻ còn đỏ hỏn này. Ảnh minh họa
Cứ vậy, đứa trẻ được mang ra xã làm giấy khai sinh chứng thực là con ruột của vợ chồng tôi vì chúng tôi đi làm ăn xa quê cũng đã lâu, khi trở về mang theo một đứa nhỏ cũng không ai nghi ngờ đó không phải là con của chúng tôi.
Đúng là may mắn do số trời, 1 năm sau khi nuôi đứa trẻ bị bỏ rơi ấy tôi bất ngờ có thai tự nhiên và sinh ra một bé trai vô cùng kháu khỉnh, đáng yêu.
Chuyện sẽ chẳng có gì phải thắc mắc nếu như mỗi một ngày hai đứa nhỏ lớn lên tôi lại càng thấy sự khác biệt của mẹ chồng tôi. Bà yêu thương hai đứa nhỏ nhưng lúc nào cũng cưng chiều, chiều chuộng bé gái hơn. Thậm chí khi cả hai đứa cùng phạm lỗi, chồng tôi lúc nào cũng trách phạt con trai mà nâng niu, xuýt xoa bé gái. Còn mẹ chồng tôi cũng khỏi phải nói, bà có món gì ngon, quần áo đẹp đều nhường hết cho cháu gái, còn cháu trai thì chỉ ở mức vừa phải.
Mọi thứ của hai đứa có sự chênh lệch khá lớn đã khiến tôi nảy sinh nghi ngờ. Phải chăng đứa trẻ là kết quả của một cuộc tình vụng trộm của chồng tôi mà mẹ chồng là người vạch ra tình huống nào đó để che giấu cho con trai. Tôi quyết định hỏi cho ra nhẽ nhưng cả chồng và mẹ chồng đều nói rằng không phải, cả hai yêu thương hai đứa trẻ công bằng nhau, làm gì có sự hơn thua. Trước những lời nói của mẹ chồng và chồng, tôi vẫn chưa tin và định bụng sẽ lén đi làm xét nghiệm ADN để xem kết quả như thế nào, anh có còn chối cãi được không. Thế nhưng khi chưa kịp đi làm ADN thì bỗng mọi thứ được sáng tỏ qua lời tường thuật của mẹ chồng tôi.
Nghi ngờ đứa trẻ là con riêng của anh nên tôi định làm giám định ADN. Ảnh minh họa
Bà tuổi cao nên sau một trận ốm nặng đã không thể qua khỏi. Trước lúc mất, bà gọi cả hai vợ chồng tôi đến đưa cho một cuốn sổ tiết kiệm trong đó có một số tiền vô cùng lớn mà cả đời chắc chắn cả nhà tôi cũng không làm ra được. 2 tỷ đồng khiến vợ chồng tôi vô cùng hoang mang liệu mẹ tôi lấy số tiền này từ đâu?
Trong tiếng thều thào trước khi lâm chung, bà nói:
- Đây là 2 tỷ đồng mẹ trao lại cho hai đứa hy vọng các con sẽ nuôi đứa trẻ ấy nên người. Đứa trẻ ấy là con của bà chủ nơi mẹ làm thuê trước kia trên thành phố. Mẹ cứ nghĩ mẹ sẽ mang sự thật này mà đi xuống dưới kia nhưng thương đứa bé, mẹ nghĩ sẽ có ngày nó cần phải biết bố mẹ ruột của mình là ai. Cuối cuốn sổ có tên bố mẹ đẻ của con bé, địa chỉ nhà. Các con tùy cơ ứng biến.
Bà đã trút hơi thở cuối cùng và ra đi nhẹ nhàng vì không còn lăn tăn điều gì nữa. Hóa ra đứa trẻ không phải bị bỏ rơi trước cổng chùa cũng không phải là "con rơi" của chồng tôi mà là một đứa trẻ bị mẹ ruột của nó nhẫn tâm cho đi, đưa thêm cho mẹ chồng tôi 2 tỷ đồng để hy vọng sự thật vĩnh viễn không được nói ra.
Hóa ra đứa trẻ thơ ngây ngày ngày gọi tôi là mẹ kia lại có một gia thế giàu có đến vậy nhưng lại bị người lớn sắp đặt đưa đến một vùng quê nghèo khó, sống một cuộc đời khổ cực như thế này. Không biết là niềm vui hay nỗi buồn đối với nó. Tôi có nên nói cho nó biết sự thật rằng nó không phải là con đẻ của tôi, nó bị mẹ nó bỏ rơi vì tôi hiểu nỗi đau của một đứa trẻ không được biết bố mẹ mình là ai. Hay tôi nên mãi mãi chôn vùi sự thật này, để nó sống dưới danh nghĩa là con ruột của vợ chồng tôi?
Tâm sự từ độc giả hoaoaihuong...@gmail.com
Nỗi đau lớn nhất của những đứa trẻ chính là bị bố mẹ của mình bỏ rơi. Trẻ không được hưởng tình yêu thương, sự giáo dục dịu dàng của bố mẹ. Nhất là với những đứa trẻ sau khi bị bỏ rơi phải vào trại trẻ mồ côi và bắt đầu cuộc sống thiếu thốn, tăm tối.
Trẻ sẽ còn đau đớn hơn nữa khi biết được sự thật người mà hàng ngày nuôi nấng mình lại không phải bố mẹ đẻ của mình và bố mẹ ruột đã bỏ rơi mình khi còn đỏ hỏn. Tuy nhiên sự thật vẫn là sự thật và trẻ có quyền được biết điều đó. Do đó tùy vào hoàn cảnh và tuổi tác của đứa trẻ mà bố mẹ quyết định sẽ nói cho con biết sự thật và để cho trẻ thời gian để chấp nhận sự thật ấy.
Bên cạnh đó, trước khi đưa ra bất kì quyết định nào, người làm cha làm mẹ cần quan tâm đến cảm nhận của con cái. Một vết thương lòng với trẻ sẽ mãi mãi không bao giờ lành được dù cho bao nhiêu năm đi chăng nữa, bố/mẹ có quay trở lại tìm con.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet