Hầu hết trẻ em đều có lúc nhút nhát hoặc thiếu tự tin. Khi bé sợ hãi quá mức trong các tình huống xã hội thông thường, có thể bé đang bị rối loạn lo âu xã hội . Trẻ bộc lộ sự sợ hãi mãnh liệt và dai dẳng khi người khác nhìn mình hoặc bị phê bình, luôn sợ rằng hành vi của mình sẽ khiến bản thân rơi vào tình huống khó xử hoặc bị bẽ mặt.
Sự sợ hãi của bé có thể mạnh đến nỗi ảnh hưởng nghiêm trọng vào công việc, học tập hay những hoạt động khác. Một số tình huống xã hội mà bé thường tránh né nhất là: Nói chuyện trước đám đông/ Làm việc khi ai đó đang nhìn mình/ Nói chuyện trên điện thoại/ Gặp người lạ/ Hẹn hò/ Ăn ở nơi công cộng/ Trả lời câu hỏi trong lớp học...
Trẻ con thường sợ hãi nhiều thứ. Ảnh: Shutterstock. |
Dưới đây là những chia sẻ đăng trên Parentables của Armanda Freeman, một bà mẹ Mỹ có cô con gái 6 tuổi từng bị mắc chứng rối loạn lo âu xã hội..
Sau khi được gửi ở hai nhà trẻ khác nhau, bắt đầu đi mẫu giáo, con gái Maia của tôi bỗng nhiên mắc chứng lo âu xã hội nghiêm trọng. Là một người mẹ, thỉnh thoảng tôi chế giễu bé bằng cách đẩy bé ra không cho bé trốn sau lưng mình. Con bé thường xuyên bám vào chân tôi mỗi khi gặp một người lớn mà bé không quen biết. Tuy nhiên, bây giờ chỉ sau 15 phút, bé đã có thể nói chuyện với mọi người và có thể vui vẻ ăn trưa ở trường.
Và đây là những điều tôi rút ra được sau cả năm làm việc cùng với các cô giáo mầm non và các bác sĩ chuyên khoa, để giúp con thoát khỏi nỗi sợ hãi xã hội này.
1. Không tạo áp lực cho bé: Trước đây, việc làm đầu tiên của tôi là quát mắng và trừng phạt nếu bé tỏ ra thô lỗ hoặc không trả lời khi có ai đó hỏi chuyện. Một phần nguyên nhân của điều này là tôi cảm thấy xấu hổ và lúng túng với người khác trước hành vi có vẻ không ngoan của con. Tuy nhiên, khi các cô giáo của bé và tôi không ép bé phải chào hỏi mọi người vào mỗi buổi sáng đến trường, bé bắt đầu tự nguyện tìm một câu gì để nói.
2. Tìm những nơi bé thấy thoải mái: Lo âu xã hội của Maia chỉ xuất hiện khi bé gặp người lớn, chứ không hề có lúc bé giao tiếp với trẻ em. Tôi đưa bé đến một sân chơi dành cho trẻ em bất kỳ, chỉ hai phút sau bé đã kết thân được với một bé khác trạc tuổi mình. Vì thế, các cô giáo khuyên tôi nên cho bé đi học thường xuyên, nếu đến lớp có đầy đủ các bạn quen biết, bé sẽ cảm thấy thoải mái hơn. Tôi thậm chí đã lên một kế hoạch cứ hai tuần một lần, gửi thiệp mời các bạn học của bé đến nhà mình chơi.
3. Chuẩn bị, chuẩn bị và chuẩn bị: Đã qua rồi những ngày tôi chẳng chuẩn bị gì khi đưa con gái mình vào một môi trường không quen thuộc (như đến sinh nhật một ai đó). Bây giờ, tôi nói chuyện với bé về nơi bé muốn được đến, về những gì bé muốn được làm và những người bé muốn gặp khi đi đến một nơi nào đó. Khi ghi danh cho bé vào một lớp học mới, ví dụ lớp học múa, tôi cho bé đi kiểm tra lớp học trước cùng mình.
4. Hãy cho mọi người biết: Khi tôi tự mình thoát khỏi cảm giác bối rối của bản thân, tôi phát hiện ra thật hữu ích nếu tôi gọi điện trước và chuẩn bị tinh thần cho các giáo viên cũng như các vị phụ huynh khác. Phần lớn mọi người đều rất nhiệt tình và dễ thương, những hiểu biết của họ đã giúp Maia dễ dàng mở miệng. Chẳng bao lâu sau, bố mẹ của các bạn Maia đã gọi điện thông báo cho tôi biết bé đã cười đùa. Tôi cũng giữ liên lạc thường xuyên với các cô giáo của bé để ghi nhận sự tiến bộ của bé.
5. Chú ý ngôn ngữ của bạn: Các bác sĩ điều trị cho bé khuyên tôi không nên dùng những từ như “nhút nhát” và “lo lắng” khi miêu tả về Maia (đặc biệt khi nói trước mặt bé). Thay vào đó, chúng tôi đề nghị Maia giải thích bằng chính ngôn ngữ của bé rằng bé cảm thấy thế nào trong các tình huống khác nhau và điều gì khiến bé thoải mái. Sẽ là rất hữu ích nếu bắt đầu một câu nói với: “Khi con cảm thấy không thoải mái con...” và sau đó bé có thể nối vào bằng những thứ như “Con ôm mẹ”, “Con hành động hơi kỳ lạ”... Các bác sĩ sau đó giải thích rằng đây là những cách làm tốt nhất để khiến bé thoải mái hơn và dần xóa được những rối loạn lo âu xã hội.
Kim Kim
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet