Mùa tiếc nuối, mùa buồn, mùa tan trường đã đến, hãy cùng nhau điểm lại những bộ phim gợi nhớ về tuổi trẻ nói chung hay tuổi học trò nói riêng đầy ắp những kỉ niệm ngọt ngào về tình yêu, tình bạn, tình thầy trò. Những tác phẩm dưới đây tuy không màu mè, hoa mỹ, cũng không có những kĩ xảo hoành tráng, song lại là những tác phẩm khiến người xem day dứt khôn nguôi về tuổi trẻ tươi đẹp đã qua không thể nào níu giữ.
You Are the Apple of My Eye (2011)
You Are the Apple of My Eye (Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi) kể về Kha Cảnh Đằng (Kha Chấn Đông) cùng nhóm bạn thân bao gồm Lão Tào, Bột Khởi, Cai Biên và A Hòa đều cùng yêu thích một cô gái tên Thẩm Giai Nghi (Trần Nghiên Hi). Chuyện tình cảm của nhóm bạn kéo dài xuyên suốt những năm tháng trung học đến tận đại học, cùng với đó là những lần tình yêu tan vỡ đầy tiếc nuối của các bạn trẻ vì nhiều lý do khác nhau.
You Are the Apple of My Eye của đạo diễn Cửu Bả Đao là một tác phẩm xuất sắc, nội dung nhẹ nhàng nhưng tinh tế, những cảnh quay chân thật tuyệt đẹp, âm nhạc dịu nhẹ sâu lắng. Quan trọng hơn là diễn xuất ăn ý của bộ đôi Kha Chấn Đông và Trần Nghiên Hi đã thực sự khiến người xem trải lòng về chuyện tình tuyệt đẹp nhưng nhiều tiếc nuối của họ.
Gửi gắm những thông điệp giản đơn nhưng khiến người xem giật mình ngỡ ngàng khi cho rằng con gái mãi mãi trưởng thành hơn con trai cùng tuổi, tình yêu đẹp nhất là trong giai đoạn yêu thầm vì khi thật sự ở bên nhau rồi rất nhiều cảm giác sẽ biến mất. Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi của điện ảnh Đài Loan là sự trộn lẫn giữa những vui tươi hớn hở của tuổi mới lớn với những tiếc nuối khôn nguôi về thời thanh xuân tươi đẹp lặng lẽ qua đi.
Under the Hawthorn Tree (2010)
Under the Hawthorn Tree (Chuyện tình cây táo gai) của điện ảnh Trung Quốc xoay quanh mối tình trong sáng giữa cô học sinh thành thị xuống nông thôn thu thập tư liệu để hoàn thành bài tập và chàng thanh niên tri thức làm ở Cục mỏ địa chất trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa những năm 70 của thế kỷ trước.
Điểm nổi bật ở tác phẩm là những cảnh quay thiên nhiên vô cùng tươi đẹp, lối kể chuyện đơn giản, chậm rãi dẫn dắt người xem dõi theo mạch phim của mình. Ngoài ra, diễn xuất của Châu Đông Vũ và Đậu Kiêu cũng chính là điểm nhấn của phim, chính sự ăn ý của hai diễn viên đã vẽ nên chuyện tình trong sáng, thuần khiết với những cái nắm tay rụt rè, nụ hôn khẽ khàng lên mái tóc của Tịnh Thu và Lão Tam.
Under the Hawthorn Tree không chỉ đề cập đến những vấn đề tình cảm đơn thuần, mà song song với đó tác phẩm còn khắc họa sắc nét về thời cuộc lúc bấy giờ. Đạo diễn Trương Nghệ Mưu đã vô cùng thành công trong việc khắc họa mối tình nhiều tiếc nuối giữa Tịnh Thu và Lão Tam, đồng thời cũng truyền tải rõ nét bối cảnh của thời đại lúc bấy giờ, thời đại mà con người luôn bị kèm kẹp, luôn bức bối, không thể sống tự do với những ước muốn của bản thân.
The Classic (2003)
The Classic (Cổ điển) xoay quanh hai câu chuyện tình yêu cách nhau 3 thập kỷ. Ji Hye (Son Ye Jin) và Soo Kyung là đôi bạn thân thiết, trớ trêu thay họ cùng phải lòng một chàng trai. Soo Kyung tính tình bồng bột, nhờ Ji Hye viết thư tình giúp mình để gửi đến Sang Min (Jo In Sung), chính điều này đã giúp Soo Kyung và Sang Min đến được với nhau. Cũng từ đó mà Ji Hye luôn cảm thấy khó chịu và tìm cách né tránh Sang Min. Nhưng duyên số cũng rất tình cờ sắp xếp cho Ji Hye và Sang Min những lần gặp gỡ bất ngờ, khiến tình cảm giữa họ nảy nở như nụ hoa trong sương mai. Một lần dọn dẹp gác mái, Ji Hye đã bắt gặp chiếc hộp gỗ của mẹ cô, nơi lưu trữ nhật ký cũng như những lá thư của bà về mối tình đầu.
Không phải ngẫu nhiên mà The Classic lại được người bạn Hong Kong bầu chọn là một trong những tác phẩm hay nhất của điện ảnh châu Á. Đạo diễn Kwak Jae-yong đã vô cùng thành công trong việc vẽ nên bức tranh muôn màu về hai chuyện tình cách nhau 3 thập kỷ một cách tự nhiên và lôi cuốn. Sự thành công của The Classic không thể không kể đến diễn xuất ấn tượng của “Cựu tình đầu quốc dân” Son Ye Jin, Jo Seung-woo và Jo In Sung. Cùng nhau, cả ba đã tái hiện hai chuyện tình đẹp như mơ tưởng chừng chỉ có thể xuất hiện trên những trang sách.
Hệt như cái tên, mọi thứ diễn ra trong The Classic đều rất cổ điển, khẽ khàng len lỏi vào tâm trí người xem như một bài thơ, nhẹ nhàng dao động những con tim đang yêu như một bản nhạc không lời. The Classic như lát cắt muôn màu về những kỉ niệm tươi đẹp của tuổi trẻ, về tình yêu thuần khiết, tình bạn trong sáng, tuy ma mị nhưng lại man mác buồn, không khỏi khiến người xem day dứt.
Su-ki-da (2005)
Su-ki-da (Là yêu) xoay quanh cô bé Yu, Yu có cảm tình với cậu bạn Yosuke điển trai, người hay ngồi ở bờ sông đánh đàn ghi-ta. Lúc nào cũng vậy, Yosuke chỉ chơi một khúc nhạc duy nhất, tò mò thôi thúc, Yu luôn tìm đến bờ sông với niềm mong mỏi, đợi chờ và cả nỗi buồn không tên vì người mà Yosuke để tâm không phải là Yu mà là một người khác – chị gái của Yu. Ôm buồn đau vào lòng, Yu tìm mọi cách gán ghép hai người với nhau, tuy nhiên một tai nạn khủng khiếp xảy ra đã khiến chị gái Yu rơi vào trạng thái hôn mê. Kể từ đó, Yu và Yosuke không gặp lại nhau nữa mãi đến 17 năm sau.
Mọi thứ về Su-ki-da của đạo diễn Hiroshi Ishikawa đều trầm lắng, phim lấy tông màu tối chủ đạo, xuyên suốt phim hầu như không có bất kỳ một bản nhạc nền nào vang lên, song song với đó luôn là ánh mắt buồn man mác của nhân vật, chính những điều trên đã cuốn người xem vào một hành trình tình yêu lặng lẽ, day dứt khôn nguôi. Hai bộ đôi Aoi Miyazaki – Eita và Hiromi Nagasaku – Hidetoshi Nishijima trong vai đôi bạn Yu – Yosuke khi còn trẻ và khi về già đã thành công trong việc dẫn dắt người xem dõi theo hành trình tìm kiếm tình yêu của họ.
Su-ki-da của điện ảnh Nhật Bản như một món ăn lạ trong danh sách Những bộ phim gợi nhớ về tuổi học trò đầy kỉ niệm, cũng gợi nhớ về tuổi học trò, cũng gợi nhớ về tình yêu, tình bạn, nhưng ở Su-ki-da có gì đó rất lạ lẫm, tác phẩm tập trung khai thác sâu vào nỗi cô đơn của con người hiện đại, nhiều người trong chúng ta lặng lẽ sống qua từng ngày mà thậm chí còn chả nhớ được lần gần nhất mà bản thân cảm thấy hài lòng với chính mình là khi nào.
Like Stars on Earth (2007)
Tuyệt phẩm của điện ảnh Ấn Độ Like Stars on Earth (Cậu bé đặc biệt) xoay quanh cậu bé 8 tuổi Ishaan Awasthy (Darsheel Safary). Ishaan Awasthy sở hữu một đầu óc đầy nghệ thuật, song cậu lại có thành tích học tập đáng hổ thẹn ở trường lớp. Chính điều này đã khiến gia đình Ishaan quyết định gửi cậu đến một trường nội trú, cũng tại ngôi trường mới này, Ishaan đã gặp gỡ thầy giáo Ram Shankar Nikumbh (Aamir Khan), người đã phát hiện Ishaan mắc chứng khó đọc và luôn tìm cách để giúp cậu vượt qua khó khăn này.
Đừng quá bất ngờ khi có một tác phẩm liên quan đến trẻ con ở đây nhé, ngày Quốc tế Thiếu nhi đang đến rất gần rồi. Quan trọng hơn, Like Stars on Earth cũng là một tác phẩm gợi nhớ về tuổi thơ và ca ngợi tình thầy trò. Điểm ấn tượng nhất ở điện ảnh Ấn Độ chính là âm nhạc và vũ đạo, và với Like Stars on Earth những bản nhạc đã góp phần rất quan trọng trong việc truyền tải những bài học quý giá nhờ vào ca từ dễ hiểu, đáng yêu luôn vang lên vào thời điểm thích hợp.
Như chính cái tên Like Stars on Earth, mọi đứa trẻ đều đặc biệt, đều được ví như ngôi sao trên trời, tỏa sáng đẹp đẽ. Like Stars on Earth của đạo diễn Aamir Khan thực sự là một tác phẩm xuất sắc về trẻ con, về cách giáo dục trẻ con. Nếu bạn là một người yêu quý trẻ nhỏ và có trách nhiệm với trẻ nhỏ, thì đây chính là bộ phim dành cho bạn.
Những tác phẩm trên, tuy cùng thuộc chủ đề về tuổi học trò, nhưng mỗi tác phẩm là một câu chuyện rất riêng, một bài học rất riêng về cuộc sống, tình bạn, tình yêu, tình thầy trò. Hãy dành thời gian thưởng thức những bộ phim này, trân trọng hơn những gì đã có, đang có và cố gắng tận hưởng tuổi trẻ một cách nhiệt huyết nhất. Để nhiều năm sau, nếu có nhìn lại cũng không cảm thấy tiếc nuối vì ngày xưa vẫn chưa sống hết mình.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet