Một số phượt thủ từng leo núi Fansipan cho biết, có 3 đường để đi trên Fansipan, hầu hết đều là đường mòn, nguy hiểm thì có nhưng cũng không quá khó đi. Và dù đi bằng đường nào thì cũng có 2 láng trại để nghỉ đêm. Theo tình hình hiện tại, Phạm Ngọc Anh mất tích ở láng trại có độ cao 2.800m, là khu vực có địa hình hiểm trở với nhiều triền đá và vực sâu, thời tiết khá lạnh, nhiệt độ khoảng 10°C và hiện tại đang có nhiều mưa.
Trong khi đó, theo một bình luận trên diễn đàn khác, Ngọc Anh không mang gì trên người, thức ăn điện thoại và các vật dụng đều để lại cho porter (người dẫn đường, khuân vác).
Hầu như đoàn phượt Fansipan nào cũng phải đi chung với người dẫn đường.
Anh Thế Trung đang sống và làm việc tại TP.HCM, từng là trưởng đoàn của một nhóm phượt Fansipan cho biết: “Nếu là trưởng đoàn, chắc chắn mình sẽ không đồng ý để thành viên trong đoàn tự ý đi trước một mình như vậy. Mình nghĩ bạn ấy đi lạc là do tâm lý nóng vội, chủ quan, cứ đinh ninh là mình đã biết đường. Nhưng sự thật là cảnh khi bạn ấy nhìn từ dưới lên khác hoàn toàn với cảnh từ trên nhìn xuống, chưa quen đường rất dễ lạc. Với lại, với thời tiết mưa gió của Fansipan hiện tại, Ngọc Anh sẽ vừa mất sức lại vừa không có khả năng giữ ấm, vì quần áo đã ướt hết. Vấn đề lớn là khi giày bị ẩm ướt suốt, có khả năng cả móng chân cũng bị tuột ra, lúc đó thì việc đi lại càng khó".
Phượt thủ Thế Trung nói tiếp: "Đường đi ở Fansipan ban ngày thì khá an toàn nhưng vào ban đêm rất nguy hiểm vì bạn sẽ khó quan sát và định hướng, đèn pin chỉ chiếu sáng được khoảng 50m trở lại, đâu là đá đâu là vực thì cũng cần tinh thần ổn định và thật bình tĩnh mới nhận biết được. Mà khi bị lạc một mình như vậy, ít ai không bị sa sút tinh thần. Mong cho Ngọc Anh bình an”.
Thế Trung trên núi Fansipan, khi là trưởng đoàn của một nhóm phượt Fansipan. Anh mong tin tốt lành từ Ngọc Anh.
Anh Thanh, người từng bị lạc đoàn trên Fansipan thì chia sẻ: “Hôm mình leo Fan, cũng đi lạc một đoạn vì rất nhiều đường mòn. Có những con đường do dân địa phương mở để đi, đường này không dẫn lên đỉnh hay xuống núi. Đi lên ít ai lạc vì không dám đi một mình. Nhưng đi xuống, ai cũng đinh ninh biết đường rồi nên rất dễ lạc. Kinh nghiệm của mình là đi một đoạn mà thấy đường lạ, khó đi thì phải quay lại ngay. Nếu không định hướng được thì trở về đường mòn gần nhất mà mình biết. Nếu không được nữa thì không nên đi tiếp mà chờ người đến tìm, đội cứu hộ sẽ dễ khoanh vùng mất tích của bạn hơn. Cũng nhờ kinh nghiệm, bình tĩnh và tập trung nên mình mới tìm về đoàn được”.
Anh Thanh cũng cầu mong điều kỳ diệu sẽ xảy ra và Ngọc Anh sẽ trở về an toàn.
Từng bị lạc đoàn trên Fansipan, nhưng nhờ và kinh nghiệm và bình tĩnh, anh Thanh
đã an toàn trở về sau chuyến chinh phục nóc nhà Đông Dương. Anh cầu mong điều kỳ diệu sẽ xảy ra với sinh viên Ngọc Anh.
Anh Quốc Tiến, vừa leo Fansipan cách đây 2 tháng, cho rằng: “Có lẽ bạn Ngọc Anh đã đi lạc đường. Đói, lạnh, kiệt sức, ngất, bị ngã - rất nhiều nguy cơ có thể xảy ra”.
Anh Quốc Tiến trên Fansipan. Anh vừa chinh phục Fansipan ở tuổi 41. Anh cũng mong Ngọc Anh sẽ sống sót thần kỳ sau hơn 1 tuần mất tích
Nữ phượt thủ chuyên leo núi Bích Thùy cũng cho biết: “Nếu là nữ, khi leo Fansipan nên chú ý đi cùng các bạn nam và các hướng dẫn, tuyệt đối không xé lẻ. Và cũng như nam, các bạn nữ phải trang bị tốt các kỹ năng. Kinh nghiệm nhỏ của mình là nên mang theo dây ruy băng để đánh dấu lại những đoạn không chắc. Riêng về bạn Ngọc Anh, người bản làng ở Sapa thường chăn bò trên núi, hi vọng bạn ấy sẽ may mắn được người dân bản làng tìm thấy và may mắn được cứu an toàn”.
Bích Thùy bên cột mốc 3.143m. Thùy hi vọng Ngọc Anh sẽ sớm được người dân bản làng tìm thấy
Anh Phạm Vũ, phượt thủ nổi tiếng với vai trò thuyền trưởng trong chuyến “Vượt biển đêm bằng xuồng hơi” thì nhận định: “Sau một tuần mất tích thì tin dữ nhiều hơn tin lành rồi. Nếu sau 15 ngày mà không có tin tức gì thì khả năng sống sót bằng không. Hiện giờ thì vẫn còn hi vọng. Vì một người bình thường có thể tồn tại trong môi trường tự nhiên khoảng 10 ngày mà không ăn gì, bây giờ là mùa mưa nên không ngại vấn đề nước. Nhưng Ngọc Anh sẽ gặp khó khăn lớn về tầm nhìn, nhất là vào ban đêm".
Phạm Vũ phân tích: "Bình thường đứng ở cánh đồng hoặc địa hình thoáng tầm nhìn của mình khoảng từ 3-10km, nhưng ở trong rừng thì tầm nhìn chỉ còn 10 - 100m, lại đang là mùa mưa nên đường rất trơn trượt. Mong Ngọc Anh không bị lạc đường”.
Hiện tại, các lực lượng cứu hộ của huyện sa pa vẫn đang tiếp tục tìm kiếm bạn Phạm Ngọc Anh. Mong là sẽ sớm có tin tốt lành từ phượt thủ này.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet