Cũng như bao vùng quê sông nước khác ở miền Tây Nam bộ, mắm đã trở thành món ăn không thể thiếu trong bữa ăn của người bình dân vùng châu thổ. Có nhiều loại động vật được dùng làm mắm. Từ tép, cua đồng, ba khía đến cá chốt, cá trê, cá rô và đặc biệt là cá lóc.
Mắm cá lóc và đồ chưng (ảnh tác giả)
Những con cá lóc đồng cỡ cườm tay người lớn được làm sạch, ướp muối rồi trộn với thính là gạo rang vàng xay nhuyễn, chao với mật ong, cơm rượu,… Mắm để cỡ nửa năm mới có được những con mắm đỏ au, da dẻo, thịt chắc.
Mắm cá lóc thường được bà con đem chưng trong nồi cơm. Dở con mắm ra, để khoanh tròn trong tô, xắt nhuyễn hành lá, hành củ, gừng, tỏi, ớt chín, rắc thêm ít tiêu xay, niêm đường, bột ngọt,… Đặc biệt, người ưa béo thì cho thêm vô tô mắm nhiều tóp mỡ heo thắng. Có người lại nạo dừa khô vắt nước cốt chế nào.
Sau khi đã chắt nước cơm thì để tô mắm vào, đậy kín nắp, dần nồi trên bếp than đỏ rực. Cơm chín, mắm cũng chín. Bưng tô mắm ra dọn kèm với dĩa rau rừng như lá sộp, lá lụa, cù nèo, bắp chuối, lá xoài, rau càng cua,… hay bắp chuối, chuối chát, khế chua,… hoặc với dĩa dưa củ cải trắng làm chua. Mắm chưng ăn với cơm nóng, tận dụng luôn nước cơm sôi vừa chắt làm canh. Món ăn dân dã vậy mà no quên thôi.
Tô mắm cá lóc chưng nước cốt dừa (ảnh tác giả)
Từng miếng mắm dẻo quện lấy đũa, béo ngậy kèm thêm những thứ rau rừng khiến người thưởng thức như thấm từng hơi thở với quê hương hiền hòa mà ấm áp nghĩa tình sâu nặng.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet