Không gì khiến kiến trúc sư lừng danh thế giới Bill Bensley thích thú bằng việc nghiên cứu và tìm tòi ý tưởng cho mỗi dự án. Cách Hà Nội 13 km về phía bờ trái của Sông Hồng, làng gốm Bát Tràng là điểm đến của Bill Bensley khi ông tìm cảm hứng trang trí các mảng tường cho khu nghỉ dưỡng.
Nơi đây ẩn giấu mọi thứ mà ông tìm kiếm, với hàng nghìn mẫu bát đĩa, bình hoa, tượng phật Di Lặc… trong từng con hẻm nhỏ, từng lò gốm mà ông đến thăm. Thậm chí, hình ảnh những người thợ Bát Tràng nặn bánh than đen, tròn bằng tay trước khi hong khô cũng được Bill tái hiện trên bức tường của nhà hàng Citron.
Ứng dụng gốm Bát Tràng trong thiết kế nội thất tại intercontinental danang sun peninsula resort . Ảnh: Krishna Adithya |
Bao lần Bill ghé thăm làng gốm Bát Tràng, rảo bước trên những con đường lót gạch tinh tươm, hay lạc lối giữa những con đường bùn đất dẫn vào lò gốm. Ông thích hít hà mùi của đất nung, cảm nhận hơi nóng từ lò gốm tỏa vào da thịt và ngắm nghía những ống khói đen. Vị kiến trúc sư người Mỹ còn đùa rằng chỉ có ống khói ở làng gốm mới cao hơn ông.
Bill chia sẻ rằng, Bát Tràng khiến ông có cảm giác như được nhìn thấu qua tấm màn nhung nhiệm màu của vị phù thủy xứ Oz. Thường thì khách du lịch nước ngoài khi đến Việt Nam đều tìm đến các ngôi đền nghi ngút khói hương hay đài tưởng niệm lịch sử, ít ai tìm thấy cái chất riêng và cuốn hút mà Bill Bensley phát hiện được nơi đây.
Ông thích thú với những tường vôi ố màu in dòng chữ “khoan cắt bê tông”, âm thanh sành sứ va vào nhau, những chồng gạch nâu đỏ, bức tượng gốm sặc sỡ… Mọi nơi mà Bill Bensley để mắt đều thể hiện nét đẹp bình dị nhưng đậm chất nghệ thuật chỉ Bát Tràng mới có. Ông đã mua về vô số giỏ đan, vật dụng gốm sứ… vì yêu mến và ngưỡng mộ.
Ấm trà do các nghệ nhân Bát Tràng thiết kế. Ảnh: Krishna Adithya |
Theo như Bill Bensley tìm hiểu, làng Bát Tràng làm gốm từ những ngày đầu thành lập, khởi nguồn từ thời kỳ đồ đá. Làng được phú cho nguồn đất sét trắng dồi dào từ 72 ngọn đồi bao quanh. Khi Vua Lý Thái Tổ dành quyền cai quản đất nước vào năm 981 sau công nguyên, triều Lý dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long vào năm 1010, nơi đây đã trở thành xưởng sản xuất và cung cấp mọi vật dụng thiết yếu làm bằng gốm sứ.
Qua những truyền thuyết dân gian, Bill còn biết được 3 vị hiền nhân được nhà Lý cử sang Trung Quốc trong triều đại Bắc Tống (960-1127) có công khai phá kỹ thuật tráng men mới. Nhờ những cơn bão lớn trì hoãn kế hoạch hồi hương, mà 3 vị đã học hỏi kĩ thuật tráng men của thợ gốm Trung Quốc và mang về Bát Tràng truyền dạy cho địa phương. Kỹ thuật tráng men còn được mở mang hơn, sau khi triều Tống thất bại trước quân Mông Cổ xâm lược vào năm 1279. Nhiều thợ gốm Trung Quốc di cư sang Việt Nam, mang theo bí quyết tráng men và nung gốm ở nhiệt độ cao.
Gốm sứ Việt xuất hiện ở nhiều nơi trong khu nghỉ dưỡng. Ảnh: Krishna Adithya |
Dạo quanh làng gốm, Bill Bensley bị mê hoặc bởi những chiếc bát phỏng theo hình hoa sen, ấm trà sứ, hay bình hoa được tô vẽ chi tiết. Nhiều món đồ gốm được tráng đủ các loại men, trong đó có loại men rạn do nhiều thế hệ thợ gốm Bát Tràng nghiên cứu ra.
Kỹ thuật gốm Bát Tràng phủ khắp Việt Nam. Khi Bill Bensley du lịch từ Bắc chí Nam để tìm cảm hứng thiết kế, ông đã bắt gặp chiếc chân đế đèn, ống xông trầm vẽ hoa và rồng uốn lượn trong những ngôi đền cổ. Ký hiệu cho thấy món đồ cổ thế kỷ thứ 16 có xuất xứ từ Bát Tràng. Chính bề dày lịch sử và những yếu tố văn hóa thú vị đã khiến Bill Bensley quyết định đưa gốm sứ bát tràng trở thành chất liệu cho khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort.
Minh Tân
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet