Trẻ con hồi còn 2,3 tuổi thì ngoan lắm, mẹ bảo làm gì cũng nghe, cũng háo hức và sẽ chạy vụt đi làm cho mẹ. Vì sao? Vì chúng mới được biết đến khái niệm “việc nhà”, mới lần đầu được mẹ nhờ lấy cái này cái kia, lần đầu được nhặt rau, lần đầu được lau bàn. Vậy nhưng khi bắt đầu vào mẫu giáo, thế giới của trẻ được mở rộng với biết bao nhiêu trò vui: tivi, game, truyện tranh, hoạt hình, bạn bè, iphone…thì những việc nhà kia lại trở nên chán ngán. Và bắt đầu từ giai đoạn này, chị em sẽ nhận thấy việc sai bảo đứa con ham chơi của mình trở nên vô cùng khó khăn. Đôi khi chúng còn tị nạnh cả với mẹ, rằng thì là “Đây là việc của mẹ, sao lại bắt con làm?”. Những khi đó, chị em trả lời thế nào? Dạy thế nào cho con tâm phục khẩu phục mà đứng lên làm việc đây?
Nhiều mẹ Việt chọn cách quát nạt, hăm dọa, hay thậm chí trả lời rất “bất công” rằng là: Người lớn bảo thì phải làm. Theo tôi, dạy như thế trẻ sẽ càng lười. Và kết quả cuối cùng thì ta vẫn phải đi dọn dẹp đồ chơi hay đi vứt rác thay bọn trẻ. Đối phó với trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo thích tranh luận, mẹ phải có chiến thuật khác. Tôi đã từng một lần được chứng kiến cách giáo dục con của người Mỹ và phái thán phục họ vì những phương pháp đơn giản nhưng cực hiệu quả. Chị Helen, một đồng nghiệp, một người bạn khá thân thiết với tôi là một ví dụ điển hình.
Tôi may mắn đến nhà chị bạn chơi và được chứng kiến một màn dạy con khiến tôi nhớ mãi. Đơn giản một ngày chủ nhật bình thường, Bo – con trai chị được nghỉ học mẫu giáo nên ở nhà. Cuối tuần, bé tha hồ bày đồ chơi và xem tivi, nghịch ngợm. Lúc sáng khi tôi đến, chị Helen ra phòng khách tìm Bo và định bảo con đi vứt gói xôi con để trên bàn vào sọt rác. Chị chỉ gọi “Bo ơi” rồi sau đó không nói thêm nữa. Tôi thầm thắc mắc vì sao chị Helen không nói luôn “Bo ơi, đi vứt gói xôi đi” cho nhanh vì hai chị em đang chuẩn bị đi mua đồ.
Chờ một lúc, Bo mới nửa mắt xem tivi, nửa mắt nhìn mẹ rồi “dạ?”, chị bảo “Sáng con ăn xôi xong chưa đi vứt giấy kìa. Con vứt ngay đi nhé”. Thậm chí, chị còn yêu cầu Bo phải nhắc lại lời mẹ nói:
- Mẹ nhắc con làm gì í nhỉ?
- Đi vứt gói xôi ạ.
- Khi nào con đi?
- 30 phút nữa con xem xong tập này.
- Ok! Giờ mẹ đi chợ. 30 phút sau mẹ về kiểm tra.
Chị Helen và tôi lấy làn xuống siêu thị ngay dưới chung cư để mua vài món đồ lặt vặt chuẩn bị cho bữa trưa. Thắc mắc vì sao giao việc cho con mà cần phức tạp vậy. Chị bạn người Mỹ mới cười rồi giải thích cho tôi: “Vì lúc đó Bo vẫn đang dán mắt vào tivi, và chị thì cần con phải quay ra nhìn mẹ, lúc đó chị mới nói chuyện tiếp. Như vậy, ta sẽ tránh được cuộc chiến tranh luận với câu nói “Lúc đấy con có nghe thấy mẹ nói gì đâu”. Tôi nghe vậy thì gật gù, nhưng vẫn chưa hiểu rõ lắm.
Trẻ mẫu giáo rất thích lý sự và không chịu làm việc mẹ giao nếu mẹ không biết cách dạy dỗ (ảnh minh họa)
Khi tôi và chị mua xong đồ đạc và quay lại nhà, gói xôi vẫn còn nguyên trên bàn ăn và Bo thì vẫn đang dán mắt vào xem tivi. Lúc đó, tôi mới hiểu vì sao chị Helen biết trước sẽ xảy ra cuộc tranh luận với câu nói “Lúc đấy con có nghe thấy mẹ nói gì đâu”.
Trong trường hợp này, mẹ Việt sẽ làm thế nào? Quát con? hay tắt tivi và yêu cầu con đi vứt gói xôi ngay? Tôi sẽ làm như vậy nhưng mẹ Mỹ thì không. Việc của chị Helen, đơn giản là… cầm gói xôi đi vứt thay cho con. Tôi khá ngạc nhiên vì sao chị lại thoải mái làm thay con như vậy vì chị Helen vốn nổi tiếng rất nghiêm khắc ở công ty?
Sau khi vứt gói xôi của con, chị Helen mới ra nói chuyện với Bo “Mẹ đi siêu thị về rồi. Con quên chưa vứt gói xôi nên mẹ vứt luôn cho con rồi”. Bo lúc đấy mới nhớ ra việc phải vứt, thằng bé ngước lên nhìn mẹ rồi bảo “Ôi con quên mất! Con xin lỗi mẹ”. Lúc này thì có vẻ như xin lỗi không còn tác dụng nữa rồi. Chị Helen bảo với con rất thản nhiên “Mẹ đã làm việc của con rồi. Vậy nên con phải làm việc của mẹ thôi” và yêu cầu Bo đi nhặt rau vừa rửa rau để mẹ còn làm salat cho bữa trưa. Bo khá “sốc” rồi nhanh nhảu phản bác “Không công bằng. Nhặt rau với rửa rau khó lắm con không biết làm. Đấy là việc của mẹ cơ mà?”
Lúc đấy, chị Helen mới nghiêm mặt “Vậy có công bằng cho mẹ không khi mẹ phải đi vứt gói xôi thay con buổi sáng? Vì mẹ đã làm việc của con, nên con phải làm việc của mẹ thôi”. Bo bắt đầu đuối lý, cậu bé nhìn sang tôi với ánh mắt cầu cứu. Nhưng thực sự là tôi cũng chẳng có cái “lý” nào để cãi giúp cậu bé cả. Vậy là chị Helen thoải mái ngồi đọc báo, nói chuyện với tôi trong khi Bo lúi húi trong bếp nhặt rau và rửa rau. Đương nhiên vẫn với thái độ ấm ức.
Khi cậu bé xong việc, chị Helen mới gọi con ra, ôm Bo rồi phân tích cho bé: “Đi vứt gói xôi chỉ mất đúng 1 phút. Vậy nhưng vì con không làm,con lại phải ngồi nhặt ra và rửa rau hết tận 15 phút. Giờ thì phim hết mất rồi. Nếu con làm việc của mình ngay thì đã có thời gian xem phim. Việc của mẹ, mẹ luôn hoàn thành để Bo có cơm ngon ăn. Vậy nên Bo cũng phải hoàn thành việc của mình. Con đồng ý không?”. Lúc đấy, cậu bé mới thôi giận dỗi và lại toe toét ôm mẹ. Tôi biết, lần sau thì không có chuyện mẹ nhờ gì mà Bo không làm nữa cả.
Ai trong hoàn cảnh sai con làm mà bé vâng rồi cố tình lơ đi cũng rất bực, rất cáu. Nhưng cách giải quyết thế nào để chuyện này không tái diễn mới là mẹ khéo. Đừng quá chú trọng vào việc gói xôi đã được vứt hay chưa, mà hãy chú trọng vào việc dạy con nghe lời. Đó chính là bài học mà tôi đã học được của chị bạn – một phụ nữ Mỹ rất công bằng và nghiêm khắc.
Theo mail của độc giả thuhuong...@..........
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet