Khi tây bắc bước vào mùa xuân là lúc những chàng trai Mông rộn ràng hẹn bạn chuẩn bị cho ngày đi "cướp vợ" (còn gọi là kéo vợ). Theo nhiều người nơi đây, tục kéo vợ có từ rất lâu đời. Những đôi trai gái đến tuổi cập kê phải lòng nhau, hẹn hò ở trên rừng, trên đường, hay phiên chợ rồi đến xế chiều, chàng trai nhờ một vài người bạn lên điểm hẹn kéo cô gái về nhà mình.
Mặc dù đôi trai gái yêu nhau, ước hẹn chung sống cả đời nhưng không có cô gái nào tự bước chân về nhà chồng, chàng trai phải tổ chức kéo thì cô gái mới chịu về. Đám kéo nào càng nhiều bạn bè tham gia giúp, kéo càng quyết liệt, thì đôi vợ chồng đó càng hạnh phúc và sống lâu, càng đông con, nhiều của...
Sắc xuân tràn ngập trên núi rừng Tây Bắc. Ảnh: N.Cúc |
Thường đối với người dân tộc Mông, khi trai gái đã "ưng cái bụng", họ sẽ về báo cáo với gia đình hai bên. Nếu mọi chuyện suôn sẻ, nhà trai sẽ mời ông mối sang nhà gái thưa chuyện rồi làm lễ dạm hỏi, lễ ăn hỏi (hẹn cưới) và cuối cùng là lễ cưới (đón dâu). Đám cưới thường được tổ chức vào mùa xuân, khi mà đất trời giao hòa, vạn vật sinh sinh sôi nảy nở.
Nhưng thực tế trong cuộc sống có rất nhiều đôi trai gái yêu nhau mà không lấy được nhau, chủ yếu là cha mẹ cô gái không đồng ý. Vậy nên tục kéo vợ là giải pháp hữu hiệu cho họ. Vào một ngày đẹp trời nào đó, chàng trai sẽ hẹn cô gái đến tâm tình, rồi nhờ người thân, bạn bè bí mật giúp sức, kéo cô gái về nhà mình. Cô gái dù biết trước mọi chuyện vẫn cảm thấy bất ngờ, kêu toáng lên giả vờ kêu cứu, khóc lóc để người nhà mình biết đến cứu.
Người ta cho rằng người con gái bị kéo về làm vợ mà không khóc lóc, kêu la thì bị coi là hư hỏng, bị gia đình và làng xóm coi khinh. Khi người nhà gái mang gậy gộc đến cứu cô gái, các bạn của chàng trai sẽ xông ra đỡ đòn để chàng trai mang cô gái về nhà. Theo lệ của người mông khi đi “kéo vợ”, nhà trai không được phép đánh lại nhà gái.
Thiếu nữ người Mông thêu thùa may vá, tập chuẩn bị cho cuộc sống làm vợ sau này. Ảnh: N.Cúc |
Việc kéo vợ về cũng phải rất khéo léo để chân cô gái không chạm đất, không có lực giằng co, không đánh trả được, miệng không cắn lại được mà không gây thương tích cho cô gái. Khi về đến gần nhà trai, đoàn người kéo vợ cử một người chạy trước về báo với những người chờ sẵn trong nhà như bố, mẹ hay các cô, chú của chú rể bắt một đôi gà, một gà mái tơ, một gà trống chưa gáy đợi sẵn ở cửa chính khi đoàn người kéo cô dâu về thì làm phép. Sau đó cô gái mới được đưa vào nhà.
Người Mông quan niệm con gái đã bị người ta dùng gà trống làm lễ nhập nhà rồi thì có bỏ về bố mẹ đẻ cũng không thể chấp nhận được. Cô gái đã trở thành người của nhà khác, khi chết cũng là ma nhà người khác.
Trong bữa cơm thiết đãi những người đi kéo vợ, nhà trai sẽ cử một người sang báo tin cho nhà gái biết, nhà trai đã kéo được con gái họ về làm dâu nhà trai. Chính vì vậy, khi biết con gái mình đã bị người ta kéo về làm vợ, dù có không đồng ý, có ấm ức thì đa phần nhà gái cũng đành đồng ý.
Khi cướp được cô gái về, nhà trai bố trí cô gái ngủ cùng với các chị em gái của chàng trai ba đêm. Đến sáng thư ba, họ sẽ chuẩn bị làm bánh dầy để đưa cô gái về nhà. Đoàn người đi sang nhà cô dâu gồm chú rể, bố mẹ chú rể và người thân, chú rể phải quỳ lạy tất cả các thành viên nhà gái để làm quen.
Nhà gái cũng tổ chức bữa cơm tiếp đãi nhà trai, tại bữa cơm này người đại diện nhà gái hỏi cô gái thật kỹ có thể chung sống cả đời với nhà trai được không. Nếu thấy sự ưng thuận, gia đình nhà gái vui vẻ dọn tư trang của cô gái đem về nhà chồng, mọi việc chuẩn bị cho đám cưới bắt đầu. Nếu như vừa đến nhà gái, người con gái buồn rầu, khóc lóc van xin cha mẹ không muốn về nhà trai thì hôn nhân coi như bị hủy bỏ.
Đám kéo nào càng nhiều bạn bè tham gia giúp, kéo càng quyết liệt, thì đôi vợ chồng đó càng hạnh phúc và sống lâu. Ảnh: Mã Anh Lâm |
Việc sống chung trong gia đình nhà trai ba ngày sẽ tạo điều kiện cho người con gái làm quen với nhà chồng, công việc nhà chồng. Nếu trong thời gian sống thử, cô gái cảm thấy chấp nhận được, đôi trẻ mới chính thức được bắt đầu cuộc sống vợ chồng.
Anh Phương
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet