Thưởng thức những món ăn đậm chất dân dã, thôn quê để cảm nhận được văn hóa ẩm thực của một vùng quê Bắc Bộ.
Bánh tẻ Sơn Tây
Với cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, xứ đoài luôn hấp dẫn du khách bởi làng cổ Đường Lâm nổi tiếng, ngoài ra nơi đây còn có một món ăn dân dã đặc biệt mà bạn nên thưởng thức. Người dân quê hồn hậu, chất phác ở đây thường có món bánh tẻ thay vì bánh chưng, bánh dày, xôi trong mâm cỗ. Chiếc bánh tẻ nhỏ xinh, dài dài bên trong có nhân thịt băm nhỏ, được trộn cùng với mộc nhĩ, ăn hoài không biết chán luôn được khách thập phương mua làm quà mỗi khi đến vùng đất này.
Chiếc bánh tẻ thơm mùi mộc nhĩ, hành, và thịt nạc băm. Ảnh: Đặng Tuyền |
Thường gạo để làm bánh tẻ phải là gạo ngon, trắng, dẻo và thơm được ngâm kỹ và thay nước nhiều lần. Sau khi ngâm, gạo được xay nhuyễn để nước bột có màu trắng tinh. Bột để nước ráo cho đủ độ, được đem vào nồi sơ quánh lại cho sền sệt rồi mới đem ra gói, để bánh có độ dẻo mà vẫn giòn.
Công đoạn làm nhân bánh đơn giản nhưng cũng đòi hỏi sự khéo tay, nêm nếm gia vị sao cho vừa đủ. Thịt nửa nạc nửa mỡ được băm nhỏ, mộc nhĩ đen thái chỉ rồi đem xào sơ qua cùng với hành cho thơm, cho ngấm gia vị rồi mới đem gói. Lá dong cũng phải là loại lá nhỏ, xanh và dùng dây lạt tước nhỏ, quấn theo chiều dài của bánh.
Để bánh giữ nguyên được hương vị thơm ngon mà không bị nhão, người ta không cho bánh vào luộc và đem hấp cách thủy. Hơi nước làm bột chín đều, không bị nhão và nhân bánh cũng không bị nhạt. Chiếc bánh xinh xắn, mở lớp lá dong xanh, khúc bánh hiện ra màu trắng trong, tỏa hơi nóng, mùi thơm dịu nhẹ.
Bánh mật, bánh gai
Vào dịp Tết, ở một số gia đình thường làm bánh mật, bánh gai, một loại bánh dân dã được làm bằng bột nếp. Thường thì gạo nếp sau khi xay xong, để ráo nước rồi đem trộn với mật mía cho thật mịn. Nhân bánh làm bằng đỗ xanh, xào chín với đường, thêm chút dừa hay thịt mỡ luộc bằng nước đường rồi cho vào giữa bánh, gói lại thành hình vuông. Nếu là bánh gai thì thêm ít lá gai khô, luộc rồi băm nhỏ, trộn vào bột cùng mật mía.
Để gói các loại bánh này thường phải là lá chuối khô, sau đó cho bánh vào nồi hấp cách thủy sao cho đủ độ chín, bánh không nát mà cũng không bị cứng quá.
Để ăn bánh mật, bánh gai, người thưởng thức cũng phải rất cầu kỳ khi tước nhỏ từng sợi lá chuối, nếu không bánh sẽ bị dính hết vào lớp lá, lộ hết lớp nhân bên trong. Khi bóc ra, bạn sẽ thấy một màu nâu hay đen mỏng tang, bao bọc lấy lớp nhân đậu xanh thơm thơm cùng mùi mật mía, lá gai, lá chuối khô tạo thành một hương vị độc đáo, đậm chất thôn dã.
Kẹo dồi
Kẹo dồi (màu trắng), món quà quê dân dã. Ảnh: Anh Phương |
Món đồ ăn chẳng cao lương mỹ vị, mà lại rất giản dị cũng luôn hấp dẫn du khách. Nguyên liệu làm kẹo dồi đơn giản, thường được làm từ mạch nha, đường và lạc nhưng đòi hỏi phải có sự kỳ công và khéo léo của người làm. Nấu mạch nha phải đến độ keo nhất định, không lỏng quá cũng không quá cứng để “đánh” kẹo thành công. Vì thế người làm phải có sức khỏe và sự bền bỉ.
Cả khối đường được dàn mỏng, càng mỏng càng tốt, rồi cho hỗn hợp nhân lạc đã nhào đường, mạch nha vào giữa, cuốn tròn lại thành hình dồi chó. Chờ nguội đủ độ, lấy dao cắt vát thành những khoanh kẹo như những miếng dồi.
Sau khi ngắm cảnh thôn quê, ngồi bên quán trà đầu làng, thưởng thức món kẹo dồi trắng phau bên chén trà xanh ngát hương, bạn sẽ cảm thấy cuộc sống nơi đây thật thú vị.
Nem Phùng nổi tiếng
Những quả nem vuông vắn, khi mở ra thơm nức mùi thính gạo, của bì lợn, mùi hăng hăng của lá sung… khiến bất kỳ ai một lần ăn cũng nhớ mãi. Món nem Phùng đặc biệt bởi việc chọn nguyên liệu cầu kỳ, chế biến cũng rất công phu. Để làm nem Phùng ngon, người ta phải chọn thịt mông sấn có nạc, có mỡ, ngoài bì phải sạch lông. Dựa theo thớ mà người chế biến cắt ra từng khúc, sau đó nhúng nước sôi cho tái rồi vớt ra, lọc bì riêng, thịt nạc, thịt mỡ riêng.
Bì lợn phải luộc hai lần cho đến khi bì mỏng và trong rồi thái sợi chỉ mảnh, vừa thơm, vừa giòn. Thịt nạc, thịt mỡ cũng đem thái nhỏ xíu như hạt đỗ xanh, mỡ càng mỏng và nhỏ hình con chì, trộn một ít gia vị như muối tiêu, nước mắm ngon, mì chính gia giảm đúng liều lượng.
Gạo để rang thính làm nem phải là gạo nếp quýt pha lẫn gạo tẻ theo đúng tỉ lệ để thính xốp và thơm. Rang gạo làm thính cũng rất công phu, làm sao để cho đủ nhiệt, lên màu vàng như cánh gián. Sau đó bột thính trộn đều với nhân thịt. Để cho nem ngon, người ta trộn bì vào sau. Lá gói nem cũng phải là lá chuối tây, còn xanh, rửa sạch phơi ráo nước, sau đó gói kín nhân buộc lại bằng lạt, giữ ấm vài ngày là có thể ăn được. Nem Phùng phải ăn kèm với lá sung non, lá đinh lăng, chấm với nước mắm pha chua ngọt và có độ cay mới thưởng thức được hết hương vị thơm ngon của món ăn quê mùa, dân dã này.
Nem Phùng nổi tiếng đất Sơn Tây. Ảnh: dulichgo |
Gà Mía xứ Đoài
Nhắc đến xứ Đoài thơ mộng, người ta không thể quên nói về giống gà Mía nổi tiếng. Trong mâm cỗ ngày lễ, giỗ chạp, thờ cúng, ngày Tết, món gà Mía luộc bao giờ cũng được nhiều người ưa chuộng.
Gà Mía là giống gà thuần chủng được nuôi dưỡng và bảo tồn tại vùng Đường Lâm từ rất lâu đời. Đây là giống gà có trọng lượng vừa phải, khi luộc chín tới, để nguội, chặt miếng thịt gà to bằng bao diêm, rắc lá chanh thái chỉ, thịt trắng, dai chắc và đặc biệt thơm ngon. Thịt còn nguyên lớp da, dưới là lớp mỡ mảnh, ngọt mà không ngấy, không béo như một số loại gà khác.
Khi ăn cùng với miếng dưa cần muối xổi khiến vị béo của mỡ, vị thơm ngọt của thịt gà hòa trong vị chua giòn của dưa cần khiến người ăn nhớ mãi.
Anh Phương
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet