Người hướng dẫn viên có bố là người Việt
Angkor wat cổ kính và vĩ đại |
Đứng trên chiếc cầu đá cổ xưa ở Angkor Wat, vóc dáng nhỏ nhưng So Kim khoát vòng tay thật rộng với vẻ đầy tự hào: 12 ngọn tháp lớn này xây thành một quần thể thống nhất (hiện 7 ngọn tháp đã bị mất phần đầu do chiến tranh thời Pol Pot), với tổng diện tích 200ha và bao quanh nó là một dòng sông. Lúc đó tôi thắc mắc, với diện tích lớn như vậy, họ sẽ đào con sông này như thế nào để nước có thể chảy quanh năm? So Kim cho rằng, có giả thiết nói cả quần thể này được xây dựng lọt thỏm trong lòng hồ, cái gọi là dòng sông đó thực chất là phần còn lại của lòng hồ. Quá vĩ đại và hoàn hảo.
Khi chưa kịp tiếp xúc với các ngọn tháp đá kỳ bí nơi đây, tôi đã choáng ngợp, bị thôi miên bởi cánh rừng rộng bất tận rất đẹp hai bên đường khi bước trên những tảng đá lớn xô lệch do thời gian từ xa xưa để đến cửa chính của Angkor Wat. Trước các cánh rừng là những thảm cỏ xanh mượt trải rộng dưới ánh sáng mặt trời tạo nên vẻ đẹp thật mê hồn, trên đó thỉnh thoảng lại có những cây cổ thụ tỏa bóng thật thanh bình và hài hòa với những kiến trúc cổ. Và đứng trên tầng Thiên đường của Angkor Wat mới thấy rõ rừng bao quanh đây lớn tới mức nào. Tôi có cố gắng hết sức, nhưng tầm nhìn của tôi, giữa trưa nắng chói chang vẫn chỉ thấy rừng và rừng cùng 4 con đường dẫn vào 4 cửa của Angkor. Ngẫm lại, ở mình, không nói gì đến đô thị, mà ngay cả không ít vùng lõi rừng quốc gia cũng bị đốn hạ không thương tiếc thấy thật... chua xót.
Và tôi lên thiên đường
Ấn tượng đặc biệt mạnh với tôi ở Angkor Wat không chỉ là sự vĩ đại của nó mà còn là việc, lúc đầu mục đích xây dựng là thờ thần Visnu của Ấn Độ giáo (đạo Bà La Môn), về sau, khi vương triều Khmer theo Phật giáo, Angkor Wat trở thành linh đền thờ Phật. Tôi không rõ trên thế giới rộng lớn này còn nơi nào có những bức tượng thể hiện cùng lúc cả 2 tôn giáo khác nhau trong những nơi tôn nghiêm như thế này không, tôi chỉ biết ngắm, xoay vòng quanh những bức tượng đã “đồng hóa” hai tín ngưỡng khác nhau, nhờ nó tôi có thể cảm nhận và hiểu thêm chiều sâu nền văn hóa Campuchia và nó đã ảnh hưởng mạnh mẽ thế nào tới xã hội hiện tại ở đây.
Chưa lên tầng Thiên đường, không thể cảm nhận hết sự kỳ vĩ của quần thể Angkor Wat. |
Từ tầng trần gian ở Angkor Wat - nơi đã rất cao so với những bãi cỏ mượt đẹp như tranh phía dưới - chúng tôi leo những bậc thang bằng gỗ để lên tầng Thiên đường. Lúc leo lên tôi rất lấy làm lạ tại sao có người ở cầu thang bên kia đang xuống thang bằng cách bước giật lùi, trong khi thang thì gần như dựng đứng. Nhưng đến lúc phải bước xuống thì tôi … hiểu ngay. Từ Thiên đường nhìn xuống, ở độ cao chót vót của nó, thang thì chơi vơi khiến tôi cũng sởn gai ốc. Chính tôi cũng không dám nhìn thẳng xuống mà phải che mắt bằng quyển sổ và chỉ nhìn từng bậc thang một để từ từ bước. Nhưng lúc lên đến tầng Thiên đường, tôi cũng không thể hình dung rằng ở trên này lại rộng đến như vậy.
Nếu như ở tầng trần gian, chỉ riêng chuyện xây 4 cái hồ độc lập để nhà vua và hoàng tộc “tẩy trần” trước khi tế lễ đã khiến chúng tôi thấy sự vĩ đại của tầng này, nhưng lên đến Thiên đường rồi tôi vẫn thấy nó rộng hơn mình hình dung nhiều. Rộng tới mức, nhiều người trong đoàn chúng tôi bị lạc nhau, cũng tại đây, tôi mới có thể ngắm được toàn cảnh từ từng hướng một. Càng ngắm tôi càng cảm nhận được sự kỳ vĩ của nó và cứ lan man nghĩ, tại sao từ thế kỷ XII, dù là một vương quốc hùng mạnh lúc bấy giờ, nhưng chắc chắn kinh tế, kỹ thuật còn rất hạn chế mà họ có thể xây dựng những kiệt tác không chỉ được chăm chút đến từng chi tiết ở từng hòn đá xây tháp, mà còn đồ sộ đến như vậy.
Theo Lao Động
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet