Trải nghiệm Harley-Davidson Pan America 1250 Special - Cỗ máy hoàn hảo để chinh phục mọi cung đường
Với lộ trình cả đi và về gần 900 km, trải qua nhiều cung đường từ Sài Gòn đến Nha Trang như việc được thỏa sức chinh phục tốc độ cao trên các tuyến đường thẳng tấp, tận hưởng những khúc cua uốn lượn ở mũi Dinh và vịnh Vĩnh Hy, hay băng qua những cung đường biển tuyệt đẹp ở đồi Dương Phan Thiết đã mang đến cho tôi nhiều trải nghiệm mới mẻ và thú vị khi trên yên chiếc xe này. Nhưng trước khi bắt đầu hành trình, hãy cùng điểm qua những điều thú vị về chiếc Pan America 1250 Special này nhé.
Ngay từ những hình ảnh phác họa mang tính ý tưởng đầu tiên được hé lộ, Pan America 1250 đã được xác định là một cột mốc, một bước ngoặt mang tính lịch sử của hãng xe Mỹ. Pan Am không phải là một chiếc xe Cruiser, nó càng không phải là trực thăng và cũng không phải là những mẫu xe Touring hạng sang - hạng nặng của Harley với hệ thống làm mát bằng không khí, nó không giống như bất kì chiếc Harley nào từng xuất hiện trước đây.
Pan America chính là một chiếc Adventure thực thụ, một chiếc xe phiêu lưu có ngôn ngữ thiết kế khác biệt hoàn toàn so với truyền thống hơn 100 năm của hãng xe đến từ vùng Milwaukee. Nó sở hữu giao diện hoàn toàn hiện đại, giàu công nghệ và có hiệu suất vận hành rất cao, là sự kết hợp hoàn hảo giữa xe mô tô đường phố (On-road) và đường đất (Off-road), nó có thể di chuyển liên tục nhiều giờ trên những cung đường dài thẳng tấp, có thể chạy xuống những con đường đất, băng qua những cánh rừng, những con suối và sông cạn, nó có thể đi xuyên lục địa và đến những địa điểm khơi dậy trí tưởng tượng của những biker coi biên giới không phải là rào cản, mà là cửa ngõ dẫn đến những cuộc phiêu lưu mới. Pan Am là 1 chiếc xe all-in-one phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau, là một phương tiện có thể giúp bạn khám phá và ngắm nhìn thế giới - đặc biệt là một thế giới không có nhiều đường.
Có thể thấy những cỗ máy Adventure đang dần trở nên phổ biến trong thị trường xe 2 bánh hiện nay và có tính cạnh tranh rất cao, đặc biệt là ở phân khúc cao cấp như Pan America khi luôn hiện diện nhiều đối thủ lớn khiến người tiêu dùng phải đau đầu trong việc lựa chọn như mẫu xe GS của nhà BMW, Multistrada của Ducati, Tiger của Triumph, Tenere của Yamaha, Africa Twin của Honda hay cỗ máy Adventure vạm vỡ nhà KTM… Tuy sinh sau đẻ muộn, nhưng Harley đã rất khéo léo trong việc mang đến sự khác biệt cho Pan America 1250, không chỉ ở thiết kế bên ngoài mà sự khác biệt còn nằm ở phong cách lái, cũng như một số công nghệ hỗ trợ lần đầu tiên xuất hiện trên một chiếc xe phiêu lưu.
Xét về diện mạo của Pan Am thì Harley xứng đáng nhận được một điểm cộng. Điểm cộng này không phải để khen ngợi cho một thiết kế xuất sắc, thẳng thắn mà nói thì giao diện của Pan America không thể gây ấn tượng mạnh ngay từ cái nhìn đầu tiên như những cỗ máy đến từ trời Âu, nhưng mẫu xe của vùng Milwaukee dám đương đầu với thử thách mang tên ‘khác biệt’. Hầu hết những mẫu xe phiêu lưu cao cấp trên thị trường ngày nay điều có một thiết kế chung là trông rất to và hầm hố ở nửa phần trước thân xe, và hơn một nửa trong số đó đều có ‘mỏ vịt’ khá to ở phía trước. Tuy nhiên, Pan Am thì lại đi ngược với xu hướng đó, khi sở hữu thiết kế có phần tối giản hơn, không góc cạnh và cũng chẳng cầu kì, bề ngang ở phần đầu xe nhỏ và hẹp hơn, tạo nên một sự liền mạch từ trước ra sau.
Ngôn ngữ thiết kế của Pan Am làm nhiều người liên tưởng đến hình ảnh của một con chuồn chuồn hay máy bay trực thăng, đôi khi cũng có người ví nó như một chiếc xe Jeep thu nhỏ. Nhưng dù thiết kế của nó có giản đơn thế nào, thì khi nhìn Pan America ngoài thực tế bạn sẽ không bao giờ nói nó là một chiếc xe nhẹ nhàng hay thể thao. Nó to lớn theo một cái chất rất riêng, một cái chất rất Mỹ.
Ở thời điểm hiện tại, thì Harley-Davidson cũng đã có một vài mẫu xe được tích hợp sẵn rất nhiều công nghệ hỗ trợ người lái tiên tiến nhất hiện nay, nhưng khi nhìn lại thời điểm trước khi Pan Am ra mắt, thì mẫu xe này chính là cột mốc đánh dấu cho sự chuyển mình của một hãng xe giàu truyền thống và có phần bảo thủ trong một thời gian rất dài. Ít ai nghĩ rằng, cỗ máy V-Twin của hãng xe Mỹ lại có thể cạnh tranh một cách sòng phẳng với những đối thủ khác về mặt trang bị và công nghệ hỗ trợ người lái như bây giờ. Nếu xét trên tính thực dụng khi vận hành thì phải công nhận một điều rằng, những công nghệ mà Harley-Davidson nghiên cứu và phát triển có phần tốt hơn khi so với các công nghệ có cùng chức năng trên những mẫu xe khác.
Khi review những chiếc xe Harley-Davidson, chúng ta thường nói nhiều về cảm giác lái, về phong cách sống xoay quanh chiếc xe, nhưng khi đánh giá Pan America thì việc nói về công nghệ được trang bị trên xe cũng chiếm rất nhiều tài nguyên trong bài viết này. Ngay từ cái nhìn trực quan bên ngoài, Pan America 1250 Special sở hữu hệ thống đèn pha vuông vức có kích thước rất lớn, rất đẹp, dễ dàng nhận diện và cũng rất tương lai, hệ thống này bao gồm đèn định vị chạy dọc theo các viền phía trên và đèn chiếu sáng chính nằm ẩn vào bên trong, toàn bộ đều sử dụng công nghệ LED nên rất hiện đại. Cụm đèn nhỏ nằm ngay phía trên chính là đèn pha thích ứng Daymaker bao gồm 6 cụm LED nhỏ được chia làm 2 phần, nhờ hệ thống đo lường quán tính IMU để xác định góc nghiên của xe từ 8 độ, 15 độ và 23 độ, các cụm đèn nhỏ bên trong sẽ thay đổi linh hoạt và tự động chiếu ánh sáng bổ sung vào các góc khuất mà bộ đèn pha chính không thể làm được.
Khi điều khiển vào ban đêm, ta cũng dễ dàng nhận thấy hệ thống đèn pha thích ứng này hoạt động thông qua một khe hở phía trên bộ đồng hồ. Trong khi đó, hệ thống đèn pha chính của Pan Am cho ra ánh sáng khá rộng ở 2 bên, tuy nhiên cường độ sáng chỉ ở mức trung bình và chưa tạo nên sự tin cậy cao khi chạy tốc độ nhanh vào ban đêm ở những con đường thiếu hệ thống chiếu sáng. Vì thế với những ai hay chạy cung đường đêm hoặc thường bắt đầu một chuyến đi sớm vào lúc 4 giờ sáng, thì nên trang bị thêm đèn trợ sáng để tầm quan sát được tốt hơn.
Một chi tiết cũng nổi bật không kém chính là bộ đồng hồ hiển thị với màn hình màu TFT cảm ứng có kích thước lớn lên tới 6,8 inch. Bên cạnh các thông tin cơ bản chắc chắn phải có, thì những tính năng nâng cao cũng hiển thị trên mặt đồng hồ này, giúp ta dễ dàng quan sát và nhận diện được mọi trạng thái của xe khi đang vận hành, bao gồm cả việc đo áp suất lốp trước sau, đo điện mức trong bình điện, hiển thị chế độ lái và hàng loạt các cảnh báo khác nhau. Khi kết nối với điện thoại thông minh sẽ mở rộng thêm nhiều tính năng hơn như điều chỉnh nhạc và nhận cuộc gọi, nhưng hơi đáng tiếc là tính năng điều hướng và dẫn đường vẫn chưa sử dụng được tại Việt Nam. Cái hay ở đây là ta có thể thao tác chạm trực tiếp trên màn hình, giúp cho việc tùy chỉnh các cài đặt dễ dàng và nhanh chóng hơn khi dừng xe.
Tuy nhiên tính năng cảm ứng này sẽ tắt trong khi Pan America đang chạy, mọi điều chỉnh sẽ thông qua bộ cùm công tắc ở 2 bên tay lái. So với những mẫu xe truyền thống nhà Harley, thì bộ cùm công tắc trên Pan Am có nhiều nút bấm hơn (tổng cộng 26 nút), nhưng lại có thiết kế gần gũi hơn với lẫy xi-nhan quen thuộc ở cùm bên trái, việc chia ra thành 2 nút bấm đặt ở 2 bên cùm một cách khó hiểu trên những mẫu xe cũ, thường gây khó khăn cho những ai không thường xuyên sử dụng xe Harley-Davidson. Việc làm quen với những nút bấm trên bộ cùm công tắc mới này cũng nhanh hơn, tuy nhiên nút chuyển đổi hệ thống đèn pha - cos rất dễ dàng để chuyển đổi, nên thường khiến tôi vô tình kích hoạt hệ thống đèn chiếu xa trong khi sử dụng các nút khác.
Có thể thấy sự xuất hiện của khối động cơ Revolution Max được trang bị lần đầu tiên trên Pan America 1250 đã giúp Harley-Davidson thay đổi lại hoàn toàn cục diện của cuộc chơi về một mẫu xe giàu công nghệ và hiện đại. Trực quan bên ngoài, Rev Max mới vẫn giữ được cái chất rất Harley, vẫn là cấu trúc động cơ V-Twin làm nên tên tuổi của hãng xe đến từ vùng Milwaukee trong trăm năm qua. Cấu trúc chữ V lần này được xây dựng lệch nhau 60 độ, tương tự với động cơ V-Rod Revolution mà Harley-Davidson từng sản xuất từ năm 2001 đến năm 2017 nhưng hiện đại hơn với hệ thống làm mát hoàn toàn bằng chất lỏng, các biện pháp chống rung bên trong được tối ưu hơn, tích hợp hệ thống van biến thiên, nhiều chế độ lái và hàng loạt các hệ thống hỗ trợ an toàn cho người dùng, những cải tiến này đã chứng minh rằng Rev Max là một cỗ máy công nghệ chưa từng có trong lịch sử của Harley-Davidson.
Revolution Max không phải là khối động cơ giàu phân khối như 2 thế hệ động cơ Milwaukee-Eight 114 hay 117 gần đây của hãng xe Mỹ, khi nó sở hữu dung tích động cơ chỉ 1.250cc nhưng lại có khả năng sản sinh ra những con số vô cùng ấn tượng. Với công suất tối đa lên đến 150 mã lực cùng mô-men xoắn tại 127 Nm và giới hạn vòng tua ở mức khá cao lên đến 9.500 vòng/phút, đây là những con số vượt qua rất xa so với khả năng của những thế hệ động cơ làm mát bằng không khí trước đây của Harley-Davidson.
Bên cạnh hệ thống Van biến thiên thì một công nghệ khác mà tôi rất thích trên khối động cơ Revolution Max 1250 chính là bộ điều chỉnh van thủy lực, công nghệ đang được nhiều hãng xe trên thế giới áp dụng nhằm tăng sự chính xác và bền bỉ trong quá trình vận hành của động cơ. Điều này có nghĩa là bạn không cần phải mang Pan America 1250 trở lại đại lý để điều chỉnh van sau vài nghìn km nữa. Và đó là một khoản tiết kiệm lớn cho chi phí bảo trì dài hạn, đặc biệt nếu bạn có kế hoạch giữ và sử dụng Pan America 1250 của mình trong một thời gian dài.
Không giống như R1250 GS của BMW với động cơ 2 xi-lanh phẳng treo lơ lửng trong gió làm cho chiếc xe trông rất bệ vệ và hầm hố, thì ‘trái tim’ của Pan America có kích thước khá mỏng, gọn gàng và được bao bọc tốt trước những va chạm ngoài ý muốn. Bên cạnh đó, khối động cơ Revolution Max 1250 còn đóng vai trò liên kết với các khung sườn của xe, từ khung trước, khung sau và gắp sau đều bắt vít trực tiếp vào động cơ, thiết kế này đã giúp cho Harley tối ưu hóa được trọng lượng của Pan Am ở mức chỉ 258 kg (trọng lượng ướt), nhẹ hơn rất nhiều khi so với những cỗ máy Touring hiện nay của hãng xe Mỹ.
Hầu như mọi sản phẩm trong danh mục của Harley-Davidson đều sử dụng hệ thống truyền động cuối cùng bằng dây curoa, thì Pan Am lại truyền lực tới bánh sau bằng dây xích thông qua hộp số 6 cấp độ. Đối với một chiếc xe Adventure, bộ truyền động bằng xích là sự lựa chọn tốt nhất bởi vì nó có trọng lượng nhẹ, độ bền cao, ít hao phí công suất, bảo dưỡng và sửa chữa cũng dễ dàng. Đây được xem là một quyết định sáng suốt của Harley khi đưa Pan Am trở về đúng bản chất của một chiếc xe đa địa hình đúng nghĩa, một chiếc Adventure có thể chinh phục được mọi cung đường ở bất kì nơi đâu và bất kể thời điểm nào, chứ không chỉ tập trung đến mỗi trải nghiệm đường trường như các mẫu xe đối thủ ngày nay.
Trải nghiệm thực tế khả năng đề ba và tăng tốc của Pan America ở chế độ Road cũng đủ khiến bạn bất ngờ là tại sao một cỗ máy V-Twin nhà Harley-Davidson lại có thể cho ra lực kéo đáng kinh ngạc đến vậy. Khi chỉ số vòng tua vượt qua 3.000 vòng/phút, động cơ Rev Max thực sự trở nên sống động và cho thấy rằng nó là một cỗ máy có rất nhiều mô-men xoắn. Dù ở số 1, 2 hay 3 thì cảm giác tăng tốc của Pan America ở các dải vòng tua sớm đều rất tốt, phản ứng xe theo hành trình của ống ga rất nhanh, mượt và dứt khoát. Đặc biệt, khi cầm lái Pan America 1250 Special ở ngưỡng tốc độ từ 100 - 120 km/giờ thì độ rung của động cơ gần như không tồn tại, một cảm giác đầm chắc và êm ái gần như tuyệt đối, rất xứng đáng để nhận điểm 10. Phải từ 150 km/giờ thì bạn mới cảm nhận được những tiếng rung yếu ớt truyền lên thanh ghi đông và tay cầm.
Pan America 1250 Special có đến 5 chế độ lái bao gồm: Sport, Road, Rain, Off-Road, Off-Road Plus, cùng 2 chế độ tùy chỉnh theo sở thích cá nhân. Như vậy, Pan America Special có tổng cộng 7 chế độ lái để người dùng thoải mái thay đổi trạng thái của chiếc xe theo từng nhu cầu sử dụng khác nhau, và đây cũng là cỗ máy V-Twin có nhiều chế độ lái nhất hiện nay. Thật khó để nghĩ rằng, cỗ máy V-Twin có nhiều chế độ lái nhất lại được trang bị trên sản phẩm của một hãng xe luôn đề cao văn hóa truyền thống thuần túy như Harley-Davidson. Khi thay đổi chế độ lái, Pan Am sẽ tự động điều chỉnh sơ đồ động cơ (công suất đầu ra), phản ứng ga, phanh động cơ, kiểm soát lực kéo, ABS, hệ thống treo hay độ cao yên xe. Ở một số chế độ, chẳng hạn như off-road, ABS bánh sau sẽ bị tắt.
Trong suốt cuộc hành trình vừa qua, tôi thường xuyên chuyển đổi qua lại giữa Road và Sport. Khi cần tốc độ cao ở một số cung đường vắng, tôi sẽ chuyển sang Sport, vì ở đây công suất động cơ được đẩy lên rất cao và bạn có thể cảm nhận được sự khác biệt này thông qua phản ứng ga có phần nhạy hơn, tốc độ vòng tua được đẩy lên nhanh hơn, sản sinh nhiều mô-men xoắn hơn và đạt được vận tốc mong muốn nhanh hơn. Tất nhiên hiệu suất này không thể so sánh với những chiếc Sportbike 4 máy, nó vẫn giữ một cái chất rất V-Twin, nhưng mạnh mẽ hơn và có hiệu suất cao hơn tương tự như khối động cơ V-Twin của hãng xe màu Cam đến từ trời Âu.
Còn khi tận hưởng những khúc cua, tôi lại thích chọn Road hơn, đơn giản là vì phản ứng ga của chế độ lái này cho tôi cảm giác được kiểm soát nhiều hơn và chính xác hơn. Trong khi đó, hệ thống phanh động cơ và kiểm soát lực kéo trong cua như một người bạn đồng hành đáng tin cậy của tôi trong cuộc hành trình chinh phục những khúc cua uốn lượn tuyệt đẹp với một bên là biển, một bên là vách đá cheo leo ở mũi Dinh và vịnh Vĩnh Hy. Với công nghệ này sẽ giúp bạn kiểm soát được tốc độ trước khi vô cua và cả tốc độ trong cua, điều đó đã giúp tôi tự tin trong việc đè cua sâu hơn, ga trong cua chính xác hơn, kiểm soát được thời điểm bắt đầu vào cua cũng như xác định được điểm ra cua hợp lý hơn. Tức nhiên, để buổi ‘ăn cua’ có ngọt ngào hay không thì hệ thống treo, lốp xe và phanh cũng đóng một vai trò rất quan trọng, và dường như những trang bị này trên Pan America 1250 Special đều làm tốt vai trò của nó.
Mọi vật chất trên đời đều sẽ chịu tác động từ 2 hay nhiều hướng, nhưng khi chạy Pan America 1250 Special tôi chỉ cảm nhận được chiếc xe đang tác động lên mặt đường theo ý muốn của tôi, dường như mọi tác động từ mặt đường lên cơ thể của tôi đã bị triệt tiêu toàn bộ. Những gờ giảm tốc, hố ga và mặt đường nhấp nhô đều trở thành mặt phẳng mỗi khi Pan Am lướt qua, tất cả là nhờ vào hệ thống treo bán chủ động được trang bị mặc định trên phiên bản Pan America 1250 Special, với khả năng điều chỉnh tự động hành trình nhún, cũng như độ cứng-mền của phuộc tùy theo điều kiện vận hành của bạn và bề mặt của đường.
Khả năng xử lý của hệ thống treo này rất nhanh và chính xác, bạn sẽ khó cảm nhận được những thay đổi đó, những có thể nhận biết được sự thoái mái khi cùng Pan Am băng qua những cung đường gồ ghề. Không những thế, hệ thống treo bán chủ động này còn có 5 chế độ khác nhau, bao gồm: Comfort, Balanced, Sport, Off-Road Soft và Off-Road Firm - nó sẽ dựa vào tốc độ, góc nghiêng thân xe, ga đầu vào, hoạt động của phanh, chế độ lái và bề mặt đường mà phuộc sẽ có các phản ứng khác nhau.
Hệ thống này hoạt động trơn tru hơn những gì mà tôi mong đợi, cái hay của nó là có độ nhạy và sự chính xác cực cao, chỉ cần khởi động xe ngay lập tức hệ thống này sẽ điều chỉnh chiều cao yên xe để bạn có thể chống chân thoái mái khi đang đứng yên tại chỗ. Không chỉ có thế, khi bạn bắt đầu giảm ga về tốc độ khoảng 15 - 20 km/h, chiều cao yên xe sẽ bắt đầu giảm xuống, đến khi bạn đặt chân xuống đường và dừng lại thì chiều cao yên đã được hạ thấp xuống phù hợp với thể trạng của bạn, chính điều này đã giúp tôi rất yên tâm và thoải mái khi dừng lại hoặc phải di chuyển từ từ trong các khu vực đông đúc, mà không cần phải bận tâm đến độ cao của chiếc xe. Còn trong khi di chuyển, chiều cao yên sẽ tự động nâng cao lên để gia tăng tầm nhìn cũng như khả năng xử lý của xe và cả người lái. Mọi thứ đều được vận hành một cách tự động, bạn chỉ việc ngồi lái và tận hưởng những điều thú vị xung quanh. Ngoài ra, bạn cũng có thể tắt và tùy chỉnh tính năng này trong phần cài đặt.
Harley-Davidson cho biết, họ đã làm việc trực tiếp với Michelin để tạo ra bộ lốp độc quyền Scorcher Adventure, loại lốp này chủ yếu dành cho đường trường, nên nếu bạn là người thích trải nghiệm những cung đường đất thì mình khuyên nên trang bị một cặp lốp khác. Trong suốt cuộc hành trình vừa qua, tôi chưa gặp bất kì tình huống nào khiến lốp xe bị mất kiểm soát và trơn trượt, kể cả những lúc tôi tải nặng khi chở thêm một người phía sau cùng một cặp thùng ở 2 bên hông, thì chiếc xe vẫn rất ổn định mỗi khi tôi di chuyển nhanh trong cua hoặc những lúc bắt buộc phải phanh gấp.
Pan America cũng là mẫu xe thương mại được Harley-Davidson ưu ái nhất trong các sản phẩm của hãng khi trang bị hệ thống phanh Brembo cả trước và sau, đặc biệt hệ thống phanh này còn là phiên bản mới nhất của Brembo vừa cho ra mắt thị trường trong năm vừa rồi. Trong thực tế, hệ thống phanh Brembo được trang bị trên Pan Am thật sự tròn vai trong việc kiềm hãm sự hung hãn của khối động cơ Revolution Max. Phanh sau 1 piston với má phanh có tiết diện lớn tạo đủ lực để bạn giảm dần tốc độ và giữ được sự ổn định cho xe. Trong khi đó, hệ thống phanh đĩa kép có đường kính 320mm cùng cặp heo dầu 4pis Monoblock Radial ở phía trước thì xử lý vô cùng chính xác trong những tình huống bất ngờ, cảm giác khi rà phanh khá dịu, không hề có tinh trạng giật cục gây khó chịu, dễ dàng kiểm soát được tốc độ mà mình mong muốn một cách rất mượt mà. Đồng thời với sự can thiệp của một loạt các công nghệ hỗ trợ an toàn hiện đại nhất ngày nay như hệ thống phanh động cơ, phanh ABS trong cua đã làm cho Pan America 1250 vô cùng ổn định và an toàn trong mọi tình huống phanh khẩn cấp. Tuy nhiên, bạn nên cần kết hợp cả kỹ năng và sự tập trung để có được an toàn tốt nhất nhé.
Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn còn hoài nghi về xuất xứ của Pan America 1250 Special, đây có phải là chiếc xe do Harley-Davidson sản xuất hay không, vì với một mẫu xe giàu công nghệ đến vậy, dường như nó chưa từng có trong từ điển của hãng xe đến từ vùng Milwaukee. Ngoài những thứ tôi vừa chia sẻ ở trên, thì Pan Am vẫn còn rất nhiều trang bị và công nghệ vô cùng thú vị khác như: hệ thống đo áp suất lốp (TPMS), sưởi tay lái, trợ lực tay lái đến từ Ohlins, Smartkey và hệ thống kiếm soát hành trình tự động (Cruiser Contol)… Đây đều là những trang bị đang được yêu thích nhất hiện nay, vì nó mang đến sự an toàn và tiện lợi trong quá trình sử dụng xe của người dùng.
Thông qua chuyến đi vừa rồi tôi mới nhận ra rằng, không phải hãng xe Mỹ không làm ra được những cỗ máy giàu công nghệ, chẳng qua họ chỉ muốn mang đến những gì cần thiết nhất cho những vị khách hàng thực sự của họ mà thôi. Tuy nhiên, khi thị trường xe mô tô bắt đầu mở rộng với nhiều phân khúc mới, đã buộc Harley-Davidson phải có sự thay đổi để thu hút thêm lượng khách hàng tiềm năng và Pan America 1250 là mở đầu cho công cuộc thay đổi này. Nói cho vui thì như kiểu đã không làm thì thôi, còn một khi đã phải thì phải làm cho tới công chuyện luôn, như việc hãng xe Mỹ đã đánh thẳng vào phân khúc Adventure cao cấp nhất, chứ không cần thăm dò ở những phân khúc tầm trung.
Tại thị trường Việt Nam, cái bóng của GS trong phân khúc Adventure cao cấp hiện tại quá lớn, nên đây được xem là một thử thách vô cùng lớn với Harley-Davidson trong việc mang ‘đứa con đầu lòng’ của họ đến khách hàng. Nhưng tôi tin với những gì mà Pan America đang sở hữu thì đây là một chiếc Adventure rất xứng đáng để anh em yêu thích dòng xe này trải nghiệm thử một lần.
Giá bán lẻ đề xuất của Pan Am hiện đang được cho là cao hơn các đối thủ trong cùng phân khúc tại thị trường nước ta, tuy nhiên với những gì mà mẫu xe này trang bị thì mức chênh lệch này theo mình đánh giá là phù hợp với nhu cầu hiện nay của người dùng. Hiện tại, Pan America 1250 Special đang được bán chính hãng với giá đề xuất là 849 triệu đồng. Tuy nhiên, Harley-Davidson Việt Nam đang có chương trình ưu đãi về giá vô cùng hấp dẫn cho chiếc Pan America 1250 Special phiên bản màu đen với giá bán chỉ còn 699 triệu Đồng (chỉ áp dung trong tháng 07/2022). Vì thế, các anh em biker đang quan tâm đến dòng xe này thì hãy nhanh tay sở hữu ngay 'em ấy' trong dịp này nha.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet