Liên tục những ngày qua, Cục Quản lý dược - Bộ Y tế đã phát công văn khẩn đến sở y tế các tỉnh, TP cả nước yêu cầu thu hồi hàng loạt loại thuốc giả, kém chất lượng đang lưu thông trên thị trường. Động thái của cơ quan quản lý dù chưa quá muộn nhưng thực tế, nhiều loại thuốc dỏm đã tàn phá cơ thể người bệnh.
Thu hồi cả thuốc nội - ngoại, thông thường và đặc trị
Mới đây, Cục Quản lý dược yêu cầu thu hồi lô vắc-xin Infanrix ngừa 6 bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, viêm gan B và HIB (số đăng ký QLVX-0374-10, số lô A21CB274A, do Công ty GlaxoSmithKline sản xuất, Công ty Sapharco nhập khẩu) vì có nguy cơ không đạt chuẩn. Ngoài Việt Nam, nhà sản xuất cũng thu hồi loại vắc-xin này tại 19 quốc gia khác trên thế giới. Lý do thu hồi là vì phát hiện bề mặt của một khu vực bào chế vắc-xin này nhiễm bacillus cereus, một loại vi khuẩn có thể gây ra các vấn đề ngộ độc thực phẩm và rối loạn tiêu hóa.
Thuốc không rõ nguồn gốc bị Thanh tra Sở Y tế TPHCM thu giữ tại một phòng khám
Tiếp đó, Bộ Y tế cũng quyết định đình chỉ lưu hành trên cả nước thuốc viên nang Celetop 200 (Celecoxib 200 mg, lô sản xuất 11042, hạn dùng ngày 15-10-2014, do Công ty CP Xuất nhập khẩu y tế TPHCM nhập từ Ấn Độ) vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan. Thuốc này dùng để điều trị gút và các bệnh xương khớp…
Thực tế cho thấy chưa khi nào Cục Quản lý dược lại yêu cầu đình chỉ và thu hồi thuốc giả, thuốc kém chất lượng nhiều như trong 2 tháng 10 và 11-2012. Đáng lo ngại là các loại thuốc giả, kém chất lượng không chỉ sản xuất trong nước mà có cả ngoại nhập, từ thông thường (như kháng sinh, cảm cúm) đến các sản phẩm đặc trị (chữa tim mạch, thần kinh, sốt rét) với số lượng rất lớn.
Riêng tại TPHCM, theo Viện Kiểm nghiệm thuốc TP, tỉ lệ thuốc dỏm trên địa bàn có chiều hướng gia tăng đáng báo động. Nếu như năm 2011, tỉ lệ thuốc giả, thuốc kém chất lượng là 11,94% thì tính đến hết quý III/2012, con số này đã lên tới 12,61%. Năm 2011, Viện Kiểm nghiệm thuốc TPHCM phát hiện 21 loại tân dược nhập khẩu giả và kém chất lượng. Trong khi đó, tính tới tháng 9-2012, cơ quan này đã phát hiện 25 loại; riêng thuốc sản xuất trong nước là 18 loại và đông dược, dược liệu 28 loại.
Vô hiệu hóa giải pháp điều trị
Công bố mới đây của Sở Y tế TPHCM cũng đáng giật mình khi hơn 50% sai phạm tập trung trong lĩnh vực dược phẩm. Bác sĩ Phạm Kim Bình, quyền Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM, cho biết qua thanh tra, kiểm tra trên địa bàn TP từ đầu năm đến nay, cơ quan này đã phát hiện 562/921 tân dược vi phạm, phạt hơn 2,2 tỉ đồng và đình chỉ hoạt động 35 cơ sở. Đáng chú ý, trong số các đơn vị vi phạm có 20 cơ sở kinh doanh thuốc quá hạn sử dụng, thuốc kém chất lượng; còn lại là các sai phạm: bán thuốc không bảo đảm điều kiện bảo quản, kinh doanh thuốc không có chứng chỉ hành nghề, không có chứng nhận kinh doanh đủ điều kiện, không niêm yết giá…
Theo các chuyên gia y tế, sử dụng phải thuốc dỏm, thuốc giả khiến cả bác sĩ và người bệnh đều gặp thất bại trong điều trị. Thuốc nào cũng có thể gây ra những phản ứng có hại (thường gọi là ADR). Tuy nhiên, nếu tác dụng có hại của thuốc thật với tỉ lệ nằm trong khoảng 1/10.000 - 1/100.000 thì nguy cơ của thuốc dỏm lên đến 1/10, trong đó nguy hiểm nhất là ngộ độc và dị ứng thuốc. Nhiều chuyên gia còn chỉ ra rằng việc mua bán thuốc trên mạng internet, không có sự tư vấn, kê đơn của bác sĩ rất nguy hiểm, nhất là các loại yêu cầu phải có chỉ định như an thần và cương dương.
PGS-TS Trương Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Dược sĩ bệnh viện TPHCM, cho biết người bệnh luôn đối mặt với những di chứng khó lường khi sử dụng thuốc quá hạn sử dụng, thuốc kém chất lượng. Thuốc dỏm không chỉ tác hại lớn đến sức khỏe như phản ứng dị ứng, nhiễm độc kim loại nặng, dễ kháng thuốc… mà còn gây vô hiệu hóa các giải pháp điều trị khiến người bệnh dễ tử vong.
Mặc dù WHO đánh giá Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ thuốc giả còn thấp nhưng do thói quen mua bán không cần hóa đơn, thậm chí không cần toa của bác sĩ, nước ta là nơi có nhiều điều kiện thuận lợi cho thuốc giả tung hoành.
Liên tục phát hiện, thu hồi
Từ đầu năm 2012 đến nay, Thanh tra Bộ Y tế và Cục Quản lý dược đã có công văn cảnh báo việc phát hiện nhiều loại thuốc giả, như: thuốc tẩy giun Fugacar, thuốc rối loạn cương dương Levitra, thuốc tiêm giảm đau kháng viêm Voltaren... Tại thị trường Hà Nội và Hải Phòng, cơ quan chức năng cũng phát hiện lô thuốc Stugeron dùng phòng ngừa say sóng, tàu xe, máy bay; phòng ngừa và điều trị đau nửa đầu bị làm giả.
Nhiều loại dược phẩm giả xuất hiện ở cả các biệt dược khá nổi tiếng như thuốc kháng sinh tiêm Augmentin, thuốc bột Biolactyl, thuốc viên nén bao phim Chlorpheniramin Maleat. Trong số 48.261 mẫu thuốc đã được kiểm nghiệm chất lượng thì có đến 940 mẫu không đạt tiêu chuẩn.
Thời gian qua, đã có nhiều vụ thuốc giả quy mô lớn được phát hiện ở Việt Nam: Viên nang Ampicillin 500 mg tại Nghệ An và Quảng Ngãi không có phản ứng định tính của Ampicillin; gần 14.000 gói “Dân tộc cứu nhân vật” - loại thuốc đông y chứa tân dược, gây nguy hại sức khoẻ cho người dùng - cũng được thu giữ. Tại Phú Yên, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều loại thuốc kháng sinh Ampicillin, Erythromicine và Cotrimfort giả. Thuốc trị sốt rét Artesunate giả, trên nhãn in chữ Trung Quốc, chưa được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu đã lưu hành tại Việt Nam; khi sử dụng, người bệnh có thể chuyển thành sốt rét nặng, sốt rét ác tính và gây tử vong.
Cục Quản lý dược cũng cho biết còn một loạt loại thuốc không đạt tiêu chuẩn, không đúng thành phần đăng ký, không đủ hàm lượng khác cũng đã được phát hiện và phải thu hồi như viên nang Erythromycin 250 mg, viên nang Tuxcap, thuốc viên bao Pantoliv, thuốc xi rô Oziavit…
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet