Làng Nam Trì hiện nay không nhà cổ, cũng chẳng từ đường bề thế như tưởng tượng về những ngôi làng cổ nổi danh khoa bảng mà chúng tôi vẫn thường gặp. cả làng Nam Trì là hệ thống các ngôi nhà ngói đơn sơ, san sát nhau gọi cho người ta nhớ về những gian nhà của một thời bao cấp đã xa. Khung cảnh của ngôi làng cổ này như muốn mách hết cho những vị khách thập phương như chúng tôi về đời sống kinh tế còn bộn bề khó khăn, vất vả. Chính vẻ bề ngoài của làng Nam Trì đã mang đến sự bất ngờ đến khó tin cho chúng tôi trong chuyến hành trình tìm hiểu văn hóa ở nơi được ca tụng là có thế đất "phượng hoàng ngậm thư".
Từ xưa, vị trí đắc địa của ngôi làng cổ này đã đuợc ca tụng và nổi danh suốt chiều dài lịch sử. Vị trí đắc địa này còn được hai thầy địa lý là Cao Biền và Tả Ao đánh giá rất cao.
Tương truyền với thế đất “phượng hoàng ngậm thư" thì đây là vùng địa linh, nơi sản sinh nhiều bậc văn nhân tài danh cho đất nước. Cũng theo tương truyền, chính vì địa thế hiếm có này đã khiến Cao Biền và Tả Ao bỏ công, bỏ sức giúp làng chọn đất xây đình, mong dân làng sớm có nguời vinh hiển. Cũng chính vì những câu chuyện phong thủy ly kỳ trên mà không ít người chưa một lần đặt chân đến Nam Trì đều nghĩ rằng đây phải là làng khoa bảng, nơi xuất thân của nhiều bậc hiền tài.
Tuy nhiên, trong chuyến khám phá ngôi làng cổ này, những gì chúng tôi thu thập được lại khác xa với sự tuởng tượng ban đầu. Nói về khoa cử công danh thì làng Nam Trì chưa hề được phất lên, thậm chí còn thua xa nhiều làng cổ khác ở đồng bằng Bắc Bộ. Số người đậu đạt xuyên suốt cả lịch sử khoa cử thời phong kiến cũng chỉ có một hai người. Điều này được xem là không hề tương xứng với những gì suốt nhiều thế hệ ca tụng vị trí phong thủy đắc địa của ngôi làng cổ này.
Danh bất hư truyền hay hữu danh... vô thực?
Để tìm hiểu sâu hơn nghịch cảnh khoa cử so với vị trí đắc địa của làng Nam Trì. chúng tôi đã tìm đến ngôi đình nơi duy nhất hiện nay thờ Cao Biền và Tả Ao - hai người nổi tiếng giỏi về địa lý làm thành hoàng làng.
Theo quan sát của chúng tôi, đình làng Nam Trì hiện nay được xây trên một gò đất bao quanh hoàn toàn là nước, lối vào duy nhất là cây cầu bê tông nối đình với đường làng. Vị trí ngôi đình này được xây lại trên khuôn viên do chính Cao Biền tự tay chọn đất truớc đây. Người làng vẫn tin đình làng được xây trên thế đât "cổ con rồng". Theo lời kể của ông Vũ Công Điền, thủ từ đình Nam Trì, sở dĩ đình làng Nam Trì do Cao Biền chọn đất gắn liền với câu chuyện cách đây hơn một thiên niên kỷ trước. Vào giữa thế kỷ IX, Cao Biền từng đi qua vùng đất làng Nam Trì ngày nay, bằng nhãn quan của một nhà địa lý, Cao Biền cho rằng làng này có thế đất "phượng hoàng hàm thư". Đây là thế đất rất quý, với thế đất này thì Nam Trì về sau sẽ sinh ra bao bậc tài danh lập nên nhiều công trạng lớn. Chính thế đất đẹp hiếm có của Nam Trì đã khiến Cao Biền bỏ công giúp làng chọn đất xây đình với mong muốn cho Nam Trì mau chóng có người hiển đạt, vinh quy!?
Tương truyền, nơi Cao Biền chọn đất để xây đình là nơi có "hoàng long địa mạch, song long tứ nhãn, nhị nhãn hiện nhị nhãn ẩn, thuỷ nhiễu chu viên". Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, có một điều lạ, kể từ khi Cao Biền chọn đất, làm đình cho đến thế kỷ XVI thì người làng Nam Trì chẳng một ai đạt được công danh như lời ông Cao Biền truyền lại. Cái thế phong thủy "phượng hoàng ngậm thư" của làng coi như chẳng phát huy được tác dụng nào. Chẳng hiểu vì lý do gì từ ngày Cao Biền chọn đất xây đình cả làng không có nổi một người đậu đạt. Chính điều này khiến cả làng hoài nghi. Đến thế kỷ XVI, nghe danh Nam Tri có thế đất quý, thành địa lý Tả Ao đến làng. Chính ông đã khuyên dân làng dời đình đi nơi khác, không để ở vùng đất Cao Biền lấy trước đây.
Ông Điền kể lại rằng, người Nam Trì chúng tôi đến nay vẫn truyền tụng nhau rằng, Tả Ao tiên sinh từng sinh sống ở làng 38 năm. Vì quý cái thế đất của làng Nam Trì nên ông đã ở mãi nơi đây đến lúc về già. Lý do mà ông Tả Ao ở lại lâu như vậy đến nay vẫn còn là một điều bí ẩn. Lý do vì sao thầy địa lý Tả Ao quyết định dời đình làng sang một vị trí mới, nam ở phía Tây của làng đến nay không ai trả lời được. Đình làng nơi Tả Ao chọn đất đã bị bom cày nát trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Hiện nay, vị trí đất đó đã bị nguời làng tự ý xây nhà lên ở. Cũng từ khi Tả Ao chuyển đình sang chỗ mới thì làng Nam Trì mới bắt đầu có người đậu đạt. Tuy nhiên cũng chỉ vỏn vẹn đuợc một ông tiến sỹ, một ông quận công. Sự thực 1.000 năm qua cho thấy thế đất "phụng hoàng ngậm thư" của Nam Trì chưa thể phát đường công danh tài lộc như hai ông thầy địa lý Cao Biền, Tả Ao phán trước đây.
Cao nhân tất hữu cao nhân trị
Người gần chẳng được người xa muốn về
Cái danh làng Nam Trì thờ Cao Biền, Tả Ao - hai bậc thầy về phong thủy nên đã không ứ người muốn bỏ tiền công đức phục dựng lại đình để mong hưởng lộc. Chính vì điều này mà đình làng Nam Trì được xây dựng lại khang trang như ngày nay. Từ khi đình Nam Trì được xây dựng lại thì cái cảnh người tứ xứ về đây thắp hương hành lễ xin lộc vào ngày Rằm, mồng Một ngày một đông. Vào những ngày này, trên đường làng Nam Trì chật cứng, ô tô, xe mày. Nhiều người có chức quyền, cứ thế đua nhau kéo về thành hàng dài. Người ở xa thì đổ về xin lộc như vậy, tuy nhiên người ở gần thì chả thấy lộc đâu. Theo bà Vũ Thị Duyên, Trưởng thôn Nam Trì cho biết, cả làng Nam Trì có hơn 400 hộ dân, chủ yếu làm nông nghiệp, thợ xây, phụ hồ. Người đi học còn ít chứ chưa nói đến công danh khoa cử.
Bí ẩn chờ giải mã
Lý do Tả Ao lưu lại sống đến 38 năm ở làng Nam Trì hiện vẫn là một ẩn số. Bởi theo tương truyền, thì thầy địa lý Tả Ao rất thích chu du, đi đây đó xem đất cát. Người làng Nam Trì thì cho rằng, do thế đất “phượng hoàng hàm thư" (chim phượng hoàng ngậm thư) là nơi có tam giang giao hội, thuỷ tụ khê lưu nên Tả Ao muốn ở lại đây lâu chờ thời chăng. Trong đình làng hiện nay vẫn còn lưu lại câu đối của vị Thánh địa lý Tả Ao nói về phong thủy của làng như sau: "Tây lộ khê lưu kim tại hậu - Đông giang thuỷ tụ mộc cư tiền" - Nghĩa là phía Tây của làng có dòng nước chảy, phía sau của làng là hướng Tây Bắc (hướng Tây Bắc hành kim) - phía Đông có sông nước, làng nhìn vê hướng Đông Nam (hướng Đông Nam hành mộc), đó là thế đất tốt. Nhưng chẳng hiểu sao đã 1.000 năm trôi qua kể từ khi Cao Biên chọn đất xây đình thì đến giờ làng này vẫn chưa phất lên được.
Phúc Phương/ Đời sống và pháp luật
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet